Moody’s xem xét hạ tín nhiệm 5 tổ chức tín dụng của Việt Nam
Tổ chức xếp hạng tín nhiệp thế giới Moody's cho biết đang xem xét hạ tín nhiệm đối với Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (FE Credit), Home Credit Việt Nam (HCV), Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng SHB (SHB Finance); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Moody's cho biết sự lan rộng của dịch COVID-19 đang làm giảm triển vọng kinh tế của toàn cầu, giá dầu giảm, giá tài sản giảm tạo ra cú sốc tín dụng, ảnh hưởng đến nhiều ngành, khu vực và thị trường. Ngành tài chính tiêu dùng ở Việt Nam theo đó cũng dễ bị tổn thương do rủi ro từ người vay và phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn.
Moody's đánh giá sự bùng phát của dịch bệnh là một loại rủi ro xã hội do những tác động đáng kể tới sức khỏe và sự an toàn của con người.
Động thái xem xét hạ tín nhiệm của Moody's phản ánh ảnh hưởng của COVID-19 tới các công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam và ngân hàng mẹ của những công ty này về sự suy giảm chất lượng tín dụng do dịch bệnh gây ra.
Theo Moody's, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp hạn chế đi lại và cách li xã hội trên toàn quốc bao gồm cấm người nước ngoài nhập cảnh, hạn chế người dân rời khỏi nhà và cấm các cuộc họp công cộng nhiều hơn hai người.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã thực hiện hoặc công bố chính sách nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên nền kinh tế như hạ lãi suất cơ bản, khuyến khích các tổ chức tài chính hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng và cho phép giãn thuế. Thành công của các biện pháp này sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài của dịch COVID-19.
Việc xem xét hạ cấp tín nhiệm đối với FE Credit, HCV và SHB Finance phản ánh quan điểm của Moody's khi cho rằng cú sốc kinh tế do dịch COVID-19 có thể tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản, lợi nhuận và thanh khoản của công ty vì rủi ro đến từ hồ sơ của người vay, sự phụ thuộc nặng nề của nguồn vốn ngắn hạn và tư cách người vay. Tác động này sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian của cú sốc kinh tế.
FE Credit, HCV và SHB Finance là những công ty tài chính tiêu dùng hoạt động mạnh tại Việt Nam. Những công ty này có các sản phẩm cho vay tín chấp và hướng tới phân khúc dân số có thu nhập thấp, nhưng đây cũng là nhóm người dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế. Sự gia tăng thất nghiệp sẽ làm suy yếu khả năng trả nợ của người vay ở phân khúc nà do nguồn thu nhập không ổn định và hạn chế.
Bên cạnh đó, tình hình tài chính và thanh khoản của các công ty này có thể xấu đi do không được phép nhận tiền gửi từ cá nhân mà chủ yếu dựa vào các khoản tài trợ từ các tổ chức như vay liên ngân hàng bằng VND và USD, phát hành chứng chỉ tiền gửi. Sự phụ thuộc này khiến các công ty gặp rủi ro tiềm ẩn từ tái cấp vốn.
Việc xem xét hạ bậc tín nhiệm của VPBank là do ảnh hưởng của FE Credit tới ngân hàng hợp nhất. Các khoản vay của FE Credit chỉ chiếm 22% trong tổng cho vay của ngân hàng hợp nhất nhưng là yếu tố chính thúc đẩy doanh thu chính, đóng góp 43% lợi nhuận trước thuế cho ngân hàng vào năm 2019.
Do đó, chất lượng tài sản và lợi nhuận của VPBank sẽ bị ảnh hưởng nếu khả năng thanh toán của FE Credit bị sụt giảm. Moody's cho rằng áp lực về chất lượng cho vay sẽ xảy ra đối với các lĩnh vực có rủi ro bao gồm bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu và các lĩnh vực liên quan đến du lịch.
Đối với SHB, Moody's cho rằng sự suy giảm tín dụng của SHB Finance chỉ có tác động khiêm tốn đến ngân hàng mẹ vì công ty con chỉ chiếm 1% tổng tài sản hợp nhất vào cuối tháng 6/2019. Chất lượng tài sản của SHB cũng đã được cải thiện vào năm 2019 sau khi có những giải pháp xử lí nợ xấu quyết liệt.
Việc xem xét hạ bậc tín nhiệm đối SHB là do dự báo ảnh hưởng từ các khoản vay dành cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 31% tổng dư nợ) vì những doanh nghiệp này có bộ đệm tài chính hạn chế trước cú sốc sụt giảm doanh thu.
Mặc dù đang xem xét việc hạ bậc tín nhiệm các tổ chức, tuy nhiên, Moody's cũng cho biết việc xếp hạng triển vọng ổn định hoặc tiêu cực tùy thuộc vào điều kiện kinh tế vĩ mô ở Việt Nam và mức độ nghiêm trọng cũng như thời gian kéo dài của dịch dựa trên các số liệu tín dụng của công ty.
Đối với FE Credit, HCV và SHB Finance, đánh giá của Moody's về việc hạ tín nhiệm sẽ tập trung vào khả năng quản lí rủi ro tín dụng và thanh khoản của các công ty trong bối cảnh tác động của sự bùng phát của COVID-19.
Moody's cũng sẽ tập trung đánh giá hiệu quả của chính sách trong nước và toàn cầu trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế. Hạ tín nhiệm xảy ra nếu khả năng thanh toán và khả năng thanh khoản của các công ty suy yếu do sự bùng phát dịch kéo dài và quản lí rủi ro kém.
Đối với VP Bank và SHB, đánh giá của Moody's sẽ tập trung vào chất lượng của các khoản vay tài chính tiêu dùng của ngân hàng cũng như các khoản vay dành cho các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự bùng phát của dịch.