|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm không phải vì Việt Nam thiếu tiền trả nợ

07:31 | 23/12/2019
Chia sẻ
Việc Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam không phải là vì Việt Nam thiếu tiền trả nợ mà vì những thủ tục, quy trình, trình tự ở Việt Nam đối với vấn đề này dường như quá phức tạp, rắc rối và trong nhiều trường hợp nó gây ra ảnh hưởng tiêu cực không cần thiết, TS. Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nói.

Trước đó, ngày 18/12, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) ra thông báo vẫn giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức Ba3 với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ, ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm. 

Đồng thời, Moody's dự kiến, gánh nặng nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ giảm dần, từ mức gần 53% trong năm 2016 xuống còn khoảng 48% GDP vào năm 2020. 

Điều này kết hợp việc với lãi suất cho vay trong nước thấp hơn dự đoán phản ánh sự gia tăng ổn định kinh tế vĩ mô, khiến Moody's mong đợi sự cải thiện trong khả năng trả nợ. Nhưng, tổ chức này cũng hạ triển vọng của Việt Nam xuống Tiêu cực.

Theo thông báo được đăng tải trên trang web của Moody's, tổ chức này cho rằng, dù nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng một cách nhanh chóng và đa dạng trong lĩnh vực sản xuất, nhưng thể chế kinh tế và quản trị của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề.

Việt Nam bị hạ triển vọng vì việc chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ và chưa có những giải pháp rõ ràng để cải thiện công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cũng như tăng cường tính minh bạch về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh.

“Các khoản thanh toán chậm phản ánh vấn đề về mặt hành chính hơn là sự yếu kém về tài chính”, theo Moody’s.

Ngay khi Moody’s đưa ra thông báo này, Bộ Tài chính Việt Nam đã lên tiếng khẳng định: Chính phủ Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn theo cam kết với các đối tác phát triển và tổ chức tài chính quốc tế. 

Chính phủ Việt Nam đã chủ động thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của Bên cho vay.

“Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh”, TS.Ousmane Dione bình luận như vậy khi trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng về thông báo của Moody’s. 

“Moody’s hạ tín nhiệm của Việt Nam không phải là vì Việt Nam thiếu tiền để trả nợ đúng hạn. Việc Việt Nam chậm trả nợ lần này nói lên tình trạng thủ tục, quy trình, trình tự ở Việt Nam quá là phức tạp, rắc rối và trong nhiều trường hợp nó gây ra ảnh hưởng tiêu cực một cách không cần thiết”.

“Có thể gọi đây là một vết thương mà mình tự gây ra”, ông nói.

“Rõ ràng đây là sự chậm trễ vì thủ tục, vì trình tự. Tôi nghĩ rẳng nó có thể sửa chữa được bằng một vài cách khác nhau”, ông Ousmane Dione nói.

Thứ nhất, theo ông, quy định, luật pháp của Việt Nam cần phải được hài hòa, thống nhất với nhau hơn. “Chúng ta thấy là có quá nhiều cơ quan cùng làm một việc hoặc là có những việc chẳng có cơ quan nào làm”, ông nói.

Thứ hai, làm thế nào để các quy trình, trình tự thủ tục hành chính được đơn giản hóa hơn và nó hiệu quả hơn. Hiện nay, có quá nhiều cơ quan phải cùng phê duyệt một khoản thanh toán nào đấy với quá nhiều quy trình thủ tục làm mất nhiều thời gian dẫn đến tình huống mà Việt Nam đang gặp phải.

Thứ ba, Chính phủ Việt Nam đã mở cổng dịch vụ công trực tuyến thì cần mở rộng nhiều dịch vụ công trực tuyến hơn nữa, ví dụ như một người quê ở Quảng Nam, sống ở Hà Nội không cần phải quay về Quảng Nam để được cấp giấy phép lái xe...

Cải thiện được 3 điểm này thì Việt Nam sẽ không gặp phải vấn đề như hiện nay.

Tuy nhiên, “cần phải nói thêm là tính trách nhiệm đi đôi với trách nhiệm giải trình”, theo ông Ousmane Dione.

“Một điểm nữa, tôi thấy có một hiện tượng cứ có việc là đưa lên Thủ tướng. Đích thân Thủ tướng không thể làm hết được tất cả mọi việc mà ở các cấp dưới phải giải quyết”, vị Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết. 

Ông cũng nhấn mạnh tính chịu trách nhiệm trong việc giải quyết công việc với cách làm “gặp vấn đề thì báo cáo cấp trên đề xuất cách giải quyết chứ không phải đi xin ý kiến như hiện nay”.

“Việc bị hạ triển vọng là một điều không tốt,nhưng cũng là một điều tốt, vì nó cho thấy chúng ta cần phải hành động, phải cải cách thể chế, phải thay đổi, phải có bước phát triển mới phù hợp với thời đại ngày nay. 

Ngân hàng Thế giới chúng tôi luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến việc làm thế nào để hệ thống minh bạch hơn, hiệu quả hơn”, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam khẳng định.

Linh Ly