Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Moody's hạ triển vọng, ngân hàng Việt sẽ bị ảnh hưởng khi huy động vốn trên thị trường quốc tế
Sáng ngày 20/12, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đã phát đi thông báo điều chỉnh đánh giá xếp hạng tín nhiệm đối với 18 ngân hàng Việt Nam, trong đó nhiều nhà băng bị hạ triển vọng xuống "Tiêu cực".
18 ngân hàng bị điều chỉnh đợt này gồm ABBank, ACB, HDBank, Vietcombank, BIDV, LienVietPostBank, MBBank, Nam A Bank, OCB, SHB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank, MSB, VPBank và Techcombank.
Moody's cho biết, việc đánh giá lại xếp hạng của 18 ngân hàng được thực hiện từ ngày 10/10, sau khi bắt đầu xem xét hạ xếp hạng quốc gia của Việt Nam vào ngày 9/10.
Bên cạnh đó, Moody's khẳng định việc thay đổi xếp hạng hôm nay đối với các ngân hàng là diễn biến tiếp theo từ việc tổ chức này chính thức hạ bậc triển vọng của Việt Nam về "Tiêu cực" vào ngày 18/12/2019 (theo giờ Mỹ) và không phản ánh sự suy yếu của hồ sơ tài chính độc lập của các ngân hàng.
Nhận định về vấn đề này TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết thông báo của Moody's chỉ ra xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng không thay đổi và chỉ có triển vọng tín nhiệm là bị điều chỉnh giảm xuống mức "Tiêu cực".
Triển vọng tín nhiệm của Moody's gồm 3 mức là "Tích cực", "Tiêu cực" và "Bình thường". Trong đó, triển vọng ở mức "Tiêu cực" cho thấy xếp hạng tín nhiệm của các đơn vị có nguy cợ bị điều chỉnh giảm.
"Chính vì vậy, việc hạ triển vọng chỉ thể hiện khả năng điểm tín nhiệm của 18 ngân hàng sẽ bị tụt hạng trong tương lai và không ảnh hưởng tới điểm xếp hạng tín dụng hiện tại", ông Hiếu nói.
Theo chuyên gia, việc Moody's hạ triển vọng tín nhiệm của 18 ngân hàng Việt Nam có liên quan trực tiếp tới việc tổ chức này hạ bậc triển vọng tính nhiệm của Việt Nam về mức "Tiêu cực" trước đó.
Ngoài ra, việc một số ngân hàng Việt Nam vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn đề nợ xấu và khả năng quản trị rủi ro vẫn chưa đạt yêu cầu của các chuẩn mực quốc tế cũng là những yếu tố khiến Moody's đưa ra quyết định trên.
Đánh giá về ảnh hưởng động thái này, ông Hiếu cho rằng việc Moody's hạ triển vọng tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam sẽ không có nhiều tác động tới việc huy động vốn của các nhà băng.
"Các nhà đầu tư trong nước thường không quan tâm nhiều tới báo cáo xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, việc Moody's hạ triển vọng tín nhiệm cũng sẽ tác động tiêu cực tới quan điểm của nhà đầu tư nước ngoài khi họ có ý định rót vốn vào các ngân hàng tại Việt Nam. Ngoài ra, nguy cơ bị hạ xếp hạng tín nhiệm trong tương lai cũng làm tăng lãi suất vay nợ trên thị trường trái phiếu quốc tế của các ngân hàng Việt", vị chuyên gia này nhận định.
Chia sẻ về việc bị hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm, hầu hết ngân hàng đều cho biết chưa nhận được thông báo chính thức từ phía Moody's. Tuy nhiên, theo các ngân hàng động thái của Moody's là hoàn toàn dễ hiểu bởi trước đó tổ chức này đã hạ triển vọng quốc gia của Việt Nam xuống mức "Tiêu cực".
"Đánh giá của Moody's không có nhiều tác động tới tình hình hoạt động kinh doanh bởi chính tổ chức này cũng khẳng định việc hạ triển vọng tín nhiệm này không phản ánh sự suy yếu của hồ sơ tài chính độc lập của ngân hàng", đại diện của một ngân hàng cho biết.
Mặc dù vậy, đại diện các ngân hàng cũng thừa nhận việc bị hạ triển vọng cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động huy động vốn trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.
Bộ Tài chính: Moody's hạ triển vọng tín nhiệm Việt Nam là không xác đáng
Trước đó, ngày 19/12, Moody's phát đi thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ, ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm. Tuy nhiên, triển vọng tín nhiệm của Việt Nam bị điều chỉnh xuống tiêu cực.
Phản hồi về động thái này, Bộ Tài chính cho biết việc Moody's hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ đối với nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ mà bỏ qua thành tựu toàn diện Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài và nâng cao tính bền vững danh mục nợ công, là không xác đáng.
Bộ Tài chính nhìn nhận tín hiệu của Moody's đưa ra về việc tiếp tục theo dõi hồ sơ tín dụng của Việt Nam (với triển vọng Tiêu cực) là không tương xứng với chỉ đạo hết sức quyết liệt và kịp thời của Chính phủ, cũng như với hàng loạt các biện pháp mà Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong thời gian qua đã triển khai để cải thiện công tác phối hợp hành chính trong việc thanh toán nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, đảm bảo không gây tổn thất cho Bên cho vay.