|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao Moody's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia, nhưng lại hạ bậc triển vọng Việt Nam xuống tiêu cực?

19:59 | 18/12/2019
Chia sẻ
Sau hơn hai tháng đánh giá, hãng xếp hạng Moody's đã chính thức hạ bậc đánh giá triển vọng của Việt Nam xuống "tiêu cực", mặc dù vẫn giữ nguyên xếp hạng tín nghiệm quốc gia ở mức Ba3.

Hôm nay (18/12), hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã chính thức công bố mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia Ba3 về nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ của Việt Nam, đồng thời thay đổi triển vọng thành "tiêu cực".

Đây là kết luận của quá trình đánh giá về việc hạ cấp được bắt đầu từ ngày 9/10 của Moody's.

Theo Moody's, việc xác nhận xếp hạng đánh giá lần này nhằm tăng cường sự chú ý của Chính phủ đối với các khoản thanh toán sắp tới của tất cả các nghĩa vụ nợ bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp, làm giảm nguy cơ chậm trễ thanh toán.

Xếp hạng Ba3 được củng cố bởi tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và sự đa dạng hóa của nền kinh tế, hỗ trợ khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế, bao gồm cả sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu. Đánh giá cũng phản ánh kì vọng của Moody's rằng gánh nặng nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ giảm dần, từ mức cao vừa phải và khả năng chi trả nợ sẽ được cải thiện.

Trong quá trình đánh giá, Moody's đã kết luận rằng các hoạt động quản lí thanh toán nợ đã được tăng cường với sự chú ý hơn đến các khoản thanh toán nợ đến hạn. Theo đánh giá trước đây, Chính phủ có khả năng tài chính để đáp ứng các nghĩa vụ này. Đồng thời, với sự tập trung phối hợp và lên kế hoạch về các khoản thanh toán, nguy cơ chậm trễ đã giảm đi.

Vì sao lại hạ bậc triển vọng?

Theo Moody's, triển vọng tiêu cực phản ánh một số rủi ro chậm trễ thanh toán đối với một số nghĩa vụ nợ gián tiếp của chính phủ khi thiếu những biện pháp cụ thể để cải thiện sự phối hợp và minh bạch trong quản lí nợ của nhà điều hành.

Mặc dù chính phủ tập trung cao độ vào việc đảm bảo trả nợ đúng hạn, triển vọng tiêu cực báo hiệu sự tồn tại của rủi ro của sự chậm trễ thanh toán định kì. Phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm của chính phủ và nguồn lực có sẵn để đáp ứng những nghĩa vụ này chưa được công khai, cản trở việc giám sát hiệu quả hơn. 

Đồng thời, hãng xếp hạng này cho rằng những cải tiến trong quản lí tài chính công cùng với mở rộng thêm các đối tác phát triển có thể nâng cao chất lượng và tính kịp thời của các báo cáo tài chính quốc gia (có bổ sung thêm thông tin về các quĩ ngoài ngân sách).


Trúc Minh