Các ngân hàng Việt được xếp hạng như thế nào trước khi Moody's cân nhắc hạ bậc tín nhiệm?
Kết quả xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng Việt Nam của Moody's tại thời điểm gần nhất (Minh Anh tổng hợp).
Điều chỉnh BCA của Vietcombank, ACB, MBBank và Techcombank
Mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) đang xem xét điều chỉnh bậc tín nhiệm của 17 ngân hàng Việt Nam. Trong đó, Moody's sẽ xem xét hạ xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) của 4 ngân hàng gồm ACB, Vietcombank, MBBank và Techcombank.
Ngoài ra, trong 4 ngân hàng quốc doanh, chỉ có Vietcombank đứng trước khả năng phải xem xét lại trong khi Agribank, BIDV và VietinBank không bị ảnh hưởng do đánh giá hiện tại thấp hơn.
Trước đó, vào tháng 10/2018, xếp hạng tín dụng cơ sở của ACB, Vietcombank, MBBank và Techcombank được đánh giá ở mức Ba3. Moody's cho biết, những ngân hàng nói trên có tiến bộ trong việc tăng cường năng lực tín dụng, đặc biệt là trong vấn đề giải quyết nợ xấu.
Hơn nữa, Moody's đã đánh giá rằng, việc xếp hạng tín dụng cơ sở dựa vào đánh giá nền kinh tế vĩ mô tại Việt Nam có sự cải thiện hỗ trợ cho chất lượng tài sản và khả năng sinh lời của các ngân hàng. Đồng thời chất lượng tài sản cũng được cải thiện, nguồn huy động và thanh khoản ổn định.
Hạ xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn của nhiều ngân hàng?
Đối với xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn, Moody's hiện đang xem xét hạ xếp hạng của các ngân hàng là ACB, Vietcombank, BIDV, MBBank, Agribank, Nam A Bank, SHB, MSB và Techcombank.
Đáng chú ý, Agribank là ngân hàng mới được Moody's xếp hạng lần đầu hồi tháng 2 với xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn ở mức Ba3. Moody's cho biết, Agribank đã tích cực xử lý tài sản có vấn đề trong 5 năm qua; huy động vốn và thanh khoản của Agribank ở mức tốt, chủ yếu từ khách hàng cá nhân và ít bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường.
Trong 7 ngân hàng có khả năng bị hạ xếp hạng kể trên, có SHB, Nam A Bank và MSB đang ở mức B1 do tăng trưởng tín dụng cao hơn mức trung bình so với các ngân hàng khác trong hệ thống.
Riêng SHB, kể từ cuối năm 2018 đến nay, tỉ lệ khoản vay có vấn đề của ngân hàng được duy trì ở mức 7,8%. Moody's từng nhận định rằng, "vùng đệm an toàn" của ngân hàng này vẫn còn khá mỏng.
Xếp hạng tiền gửi nội tệ dài hạn và nhà phát hành dài hạn
Về xếp hạng tiền gửi nội tệ dài hạn, Moody's xem xét hạ tín nhiệm 10 ngân hàng gồm ACB, HDBank, Vietcombank, BIDV, Lienvietpost Bank, MBBank, Agribank, VietinBank và Techcombank.
Trong đó, có 7 ngân hàng đã được xếp hạng ở mức Ba3 là Agribank, VietinBank, Techcombank, MBBank, BIDV, Vietcombank và ACB. Các ngân hàng này trước đây từng được Moody's đánh giá là lợi nhuận cao và có sự cải thiện của vốn đệm. Tổ chức này còn dự báo chất lượng tài sản của ACB và MBBank sẽ duy trì ổn định trong một năm tới, nhờ sự cải thiện của môi trường hoạt động.
Đối với xếp hạng nhà phát hành dài hạn, có 9 ngân hàng rơi vào danh sách xem xét hạ tín nhiệm trong tháng 10/2019 gồm ACB, HDBank, Vietcombank, BIDV, LienVietPostBank, MBBank, Agribank, VietinBank và Techcombank.
Dù trước đó, trừ HDBank và LienVietpost Bank, Moody's đã xếp hạng các ngân hàng nói trên ở mức Ba3.
Trao đổi với các phóng viên bên lề Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết cần phải làm việc cụ thể hơn với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm để có thể được kết quả hợp lí.
Theo đánh giá của ông, hoạt động của các doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam hiện nay là tốt nhưng mức tín nhiệm đang khống chế ở mức xếp hạng tối đa của quốc gia.
Khi thực hiện đánh giá xếp hạng, các tổ chức như Moody's sẽ dựa vào tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và một mặt khác là đánh giá về riêng doanh nghiệp, tổ chức. Việc rà soát đánh giá xếp hạng của những tổ chức này được thực hiện định kì hàng năm.
"Bằng những số liệu cụ thể và những lập luận chúng ta phải chứng minh với họ rằng hiện nay tình hình kinh tế của nước ta đang trong chiều hướng tốt, ổn định. Do vậy không có lí nào để giảm xếp hạng tín nhiệm đối với các doanh nghiệp và ngân hàng Việt trong thời gian tới", ông nói.