|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Phó TGĐ Vietcombank: 'Không có lí nào để hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng và doanh nghiệp Việt'

12:20 | 13/10/2019
Chia sẻ
Theo nhận định của vị lãnh đạo này, các doanh nghiệp và ngân hàng Việt đang hoạt động rất tốt và cần phải làm việc với Moody's để có thể đưa ra được những kết quả hợp lí.

Trao đổi với các phóng viên bên lề Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết cần phải làm việc cụ thể hơn với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm để có thể được kết quả hợp lí.

Theo đánh giá của ông, hoạt động của các doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam hiện nay là tốt nhưng mức tín nhiệm đang khống chế ở mức xếp hạng tối đa của quốc gia. 

Khi thực hiện đánh giá xếp hạng, các tổ chức như Moody's sẽ dựa vào tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và một mặt khác là đánh giá về riêng doanh nghiệp, tổ chức. Việc rà soát đánh giá xếp hạng của những tổ chức này được thực hiện định kì hàng năm.

PhoTGDVietcombank

ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank (Ảnh: DB)

"Bằng những số liệu cụ thể và những lập luận chúng ta phải chứng minh với họ rằng hiện nay tình hình kinh tế của nước ta đang trong chiều hướng tốt, ổn định. Do vậy không có lí nào để giảm xếp hạng tín nhiệm đối với các doanh nghiệp và ngân hàng Việt trong thời gian tới", ông nói.

Trước đó, ngày 9/10, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's tuyên bố sẽ xem xét hạ bậc tín nhiệm Việt Nam sau khi tổ chức này nhận được thông tin Việt Nam chậm thanh toán nợ chính phủ.

Theo Moody's, nguồn dự trữ ngoại hối lớn và nhu cầu tài chính khiêm tốn cho thấy Việt Nam có đủ khả năng thanh toán nợ. Tuy nhiên, Moody's sẽ đánh giá lại xem "thiếu sót thể chế" kể trên của Việt Nam có nguy cơ dẫn đến tình trạng chậm hoặc không trả nợ trong tương lại hay không. Quá trình đánh giá này dự kiến sẽ kết thúc trong ba tháng tới. 

Ngay sau khi Moody's đưa ra thông tin này, Bộ Tài chính đã chính thức phát đi thông cáo khẳng định rằng việc Moody's đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp. 

Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Chính phủ chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Theo lập luận từ Bộ Tài Chính, cơ sở để Moody's đưa ra quyết định xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam bắt nguồn từ đánh giá cho rằng những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ.

Bộ Tài chính làm rõ đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của bên cho vay.

Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, điều này nếu diễn ra sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các nhóm doanh nghiệp, tổ chức, hoặc cơ quan chính phủ đã và đang phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Công ty Chứng khoán BSC cho biết trong trường hợp điểm tín dụng của Việt Nam cùng các ngân hàng bị suy giảm, lãi suất của các nhóm trái phiếu hay các khoản CDS (công cụ hợp đồng phái sinh về tín dụng) sẽ tăng lên. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đòi hỏi mức lãi suất cao hơn với các khoản nợ có rủi ro cao hơn.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng nhận định việc Moody's xem xét hạ bậc tín nhiệm với Việt Nam và 17 ngân hàng là một thông tin đáng tiếc khi các chỉ báo riêng đo lường chất lượng tín dụng các ngân hàng đã ghi nhận sự cải thiện ổn định trong 2 năm qua.

Công ty này khẳng định việc điều chỉnh bậc tín nhiệm sẽ không phản ánh hợp lý các tiến bộ mà các ngân hàng đã thực hiện được.

Hiện tại, Việt Nam đang được ba tổ chức xếp hạng đánh giá là Moody's, Fitch và S&P. Mức xếp hạng và đánh giá đều được cải thiện đáng kể nhờ sự cải thiện và ổn định vĩ mô của nền kinh tế trong ba năm qua.

Diệp Bình