|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhìn lại kết quả kinh doanh của 18 ngân hàng Việt bị Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm

08:19 | 24/12/2019
Chia sẻ
Theo Moody's việc hạ đánh giá triển vọng của các ngân hàng không phản ánh sự suy yếu về tài chính độc lập của các ngân hàng. Vậy những ngân hàng này đã và đang hoạt động ra sao trong năm 2019?

Mới đây ngay 19/12, ngay sau khi điều chỉnh triển vọng quốc gia xuống "tiêu cực", hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody's đã công bố điều chỉnh xếp hạng tín nhiệm của 18 ngân hàng Việt. Trong đó, nhiều ngân hàng bị hạ đánh giá triển vọng xuống "tiêu cực".

18 ngân hàng được Moody's đánh giá lại gồm: ABBank, ACB, HDBank, Vietcombank, BIDV, LienVietPostBank, MBBank, Nam A Bank, OCB, SHB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank, MSB, VPBank và Techcombank.

Tuy nhiên, Moody's cũng chỉ rõ rằng việc thay đổi xếp hạng đối với các ngân hàng là diễn biến kéo theo từ việc hãng này chính thức hạ bậc triển vọng của Việt Nam về "Tiêu cực"  và không phản ánh sự suy yếu của hồ sơ tài chính độc lập của các ngân hàng.

Vậy các ngân hàng này đã và đang hoạt động ra sao trong năm 2019? Những con số thống kê dưới đây của chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin tài chính cơ bản về 18 nhà băng này.

1. Ngân hàng TMCP An Bình - ABBank

Nhìn lại kết quả kinh doanh của 18 ngân hàng Việt bị Moody's hạ triển vọng - Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP An Bình (Ảnh: ABBank).

Theo cho biết mới nhất từ một vị lãnh đạo cấp cao của ABBank, ngân hàng đã hoàn tất kế hoạch Hội đồng Quản trị giao (1.220 tỉ đồng trước thuế), tăng trưởng khoảng 30% so với năm trước, tăng trưởng tín dụng ở mức 10%.

Trước đó, theo số liệu công bố tính đến hết ngày 30/11/2019, ABBank đạt 1.107 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 91% kế hoạch năm; tổng tài sản đạt 94.259 tỉ đồng, tăng 4.021 tỉ đồng so với đầu năm.

Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của ABBank đạt 91.244 tỉ đồng, tăng 1,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 27 tỉ xuống mức 52.157 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 1,3% đạt 63.057 tỉ đồng.

Đáng chú ý, nợ xấu nội bảng của ABBank tăng 79% so với đầu năm lên 1.766 tỉ đồng, đưa tỉ lệ nợ xấu (nhóm 3 - nhóm5) từ mức 1,89% lên 3,39%.

2. Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB

Theo báo cáo tài chính quí III/2019, tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của ACB đạt 358.175 tỉ đồng, tăng gần 9% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 11,1% đạt 253.342 tỉ đồng; huy động tiền gửi của khách hàng tăng 10,4% đạt 298.007 tỉ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận  sau thuế của ACB đạt 4.448 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kì năm 2018 và đạt 76,4% kế hoạch lợi nhuận năm. Tỉ lệ nợ xấu giảm nhẹ và giữ ở mức thấp 0,67%.

Đáng chú ý, vào tháng 11 ACB đã chính thức tăng vốn điều lệ thêm 3.741 tỉ đồng qua việc phát hành thành công hơn 374 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2018, nâng vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 16.627 tỉ đồng.

Nhận định về hoạt động của ACB, JP Morgan cho rằng ngân hàng đã thành công trong việc điều hướng chất lượng tài sản, thanh khoản và những hạn chế về vốn để trở thành một tổ chức có tăng trưởng và lợi nhuận cao trong những năm gần đây.

3.  Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP HCM - HDBank

Nhìn lại kết quả kinh doanh của 18 ngân hàng Việt bị Moody's hạ triển vọng - Ảnh 2.

Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP HCM (Ảnh: HDBank)

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của HDBank đạt 2.764 tỉ đồng, tăng 19,7% so với cùng kì năm trước. Đặc biệt trong quí III, nhờ tăng mạnh thu nhập lãi thuần lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng hơn 50%.

Tính đến hết 30/9, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng đạt 217.245 tỉ đồng chỉ tăng 0,5% so với đầu năm mặc dù cho vay khách hàng tăng trưởng mạnh 13,8%. Tỉ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ 1,53% ở cuối năm 2018 về 1,5%. Số dư trái phiếu VAMC của HDBank giảm 13,6% còn 1.217 tỉ đồng.

4. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank

Vietcombank là ngân hàng ghi nhận con số lợi nhuận cao nhất trong toàn hệ thống từ trước cho tới nay. Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt mức kỉ lục 17.613 tỉ đồng, tăng 50,8% so với cùng kì 2018 và thực hiện được 85,9% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 14.127 tỉ đồng, tăng 50,6%.

Trong một dự báo mới đây, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Vietcombank có thể đạt 22.566 tỉ đồng và có thể vượt 32.000 tỉ đồng vào năm 2020.

Trong khi đó, theo nhận định của hãng tài chính quốc tế JP Morgan, Vietcombank sở hữu những đặc điểm nổi bật của một ngân hàng chất lượng cao như nguồn vốn tiền gửi giá rẻ, ROE và EPS liên tục ở mức cao trong thời gian dài. Hãng này cũng đề cập đến những rủi ro chính đối với cổ phiếu VCB bao gồm các vấn đề liên quan đến vĩ mô như xếp hạng tín nhiệm, tiền tệ và tăng trưởng.

Vào giữa tháng 11, Vietcombank đã kí hợp đồng đồng bancassurance độc quyền với hãng bảo hiểm FWD. Theo nhận định của nhiều bên, thương vụ này sẽ đem lại 400 triệu USD lợi nhuận cho Vietcombank. Bao gồm giá trị thâu tóm 18 triệu USD cho 45% cổ phần tại Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank-Cardif (VCLI) cùng với các thành phần ghi nhận trong giai đoạn cuối năm 2019 - đầu năm 2020.

5. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV

Nhìn lại kết quả kinh doanh của 18 ngân hàng Việt bị Moody's hạ triển vọng - Ảnh 4.

Lễ công bố hợp tác chiến lược BIDV và KEB Hana Bank (Ảnh: BIDV).

Thông tin mới nhất từ phía BIDV cho biết ước tính đến hết năm 2019, tổng tài sản của BIDV ước đạt 1,4 triệu tỉ đồng, là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống. Tổng dư nợ ước đạt 1,1 triệu tỉ đồng, số dư huy động đạt 1,15 triệu tỉ đồng. 

Và theo nguồn tin riêng của chúng tôi, mặc dù lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm của BIDV chỉ đạt 5.645 tỉ đồng, giảm 3% so với cùng kì năm 2018 nhưng ngân hàng đã có những điều chỉnh phù hợp để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của năm (10.300 tỉ đồng).

Điểm nhấn đáng chú ý của BIDV trong năm 2019 là việc hoàn thành hợp tác chiến lược với cổ đông ngoại KEB Hana Bank, một thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử ngân hàng Việt Nam, trị giá 20.300 tỉ đồng. Hiện KEB Hana Bank sở hữu 15% vốn điều lệ của BIDV.

Nhờ vào thương vụ này, BIDV đã giải quyết được phần nào vấn đề về vốn và trở thành ngân hàng thứ 18 được phê duyệt áp dụng chuẩn Basel II trước hạn (2020).

Tuy nhiên, theo nhận định của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), diễn biến nợ xấu tại BIDV là vấn đề riêng của ngân hàng và phản ánh độ chậm trễ trong việc đánh giá chất lượng tài sản có vấn đề.

Tỉ lệ nợ xấu của BIDV vào cuối tháng 9 là 2,09%, tỉ lệ các khoản nợ cần chú ý/khoản vay gộp là 2,53%, điều này ảnh hưởng tới khả năng cải thiện lợi suất sinh lời từ việc tập trung cho vay bán lẻ.

6. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - LienVietPostBank

Số liệu từ báo cáo tài chính quí III cho thấy lợi nhuận trước thuế luỹ kế 9 tháng đầu năm của LienVietPostBank đạt 1.636 tỉ đồng, tăng 61,3% so với cùng kì 2018 và bằng 86% mục tiêu kế hoạch năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.311 tỉ đồng, tăng 58,6%.

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản LienVietPostBank đạt 193.536 tỉ đồng, tăng 10,5% so với cuối năm 2018. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13%, ở mức 134.742 tỉ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt gần 132.997 tỉ đồng, tăng 6,4%. Tỉ lệ nợ xấu ở mức 1,48%.

Từ ngày 1/12/2019, LienVietPostBank được chính thức áp dụng chuẩn Basel II theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

7. Ngân hàng TMCP Quân đội - MBBank

Nhìn lại kết quả kinh doanh của 18 ngân hàng Việt bị Moody's hạ triển vọng - Ảnh 5.

Ngân hàng TMCP Quân đội (Ảnh: MBBank).

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của MBBank đạt 6.142 tỉ đồng, tăng 27,9% nhờ sự tăng trưởng đều ở tất cả các mảng. Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản MBBank đạt 397.441 tỉ đồng, tăng 9,7% so với cuối năm 2018. Trong đó, cho vay khách hàng đạt gần 240.211 tỉ đồng, tăng 11,9%. Tiền gửi khách hàng ở mức 254.130 tỉ đồng, tăng 5,9%.

Đến cuối quí III, giá trị nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống MBBank là gần 3.703 tỉ đồng, tăng 843 tỉ đồng (tương đương 29,5%) so với cuối năm trước. Tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,33% lên mức 1,54%. Ngân hàng không còn nợ xấu VAMC.

Thông tin từ lãnh đạo cấp cao của ngân hàng cho hay MBBank có kế hoạch huy động khoảng 240 triệu USD từ việc bán 7,5% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua một đợt phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại ngân hàng mới chỉ đăng kí bán ra 23 triệu cổ phiếu quĩ.

Vào tháng 11, ngân hàng thay đổi nhận diện thương hiệu toàn hệ thống với logo và hình ảnh mới. Đầu tháng 12, MBBank chính thức tăng vốn điều lệ lên hơn 23.700 tỉ đồng.

JP Morgan cũng từng đưa ra đánh giá cao về MBBank. Tổ chức này cho rằng nhờ lợi thế có được từ các cổ đông lớn là Quân đội Việt Nam và các công ty Nhà nước khác, MBBank có được nguồn tiền gửi có giá rẻ, là cơ sở cho đưa tỉ lệ lãi biên tăng cao. Đồng thời, mảng cho vay bán lẻ và thu nhập ngoài lãi được MBBank là những động lực chính trong tăng trưởng lợi nhuận trong những năm tới. 

8. Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng tăng 17% so với đầu năm lên 87.820 tỉ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng mạnh hơn 24% với 63.025 tỉ đồng. Số dư tiền gửi của ngân hàng cũng tăng hơn 20% lên 65.373 tỉ đồng.

Đáng chú ý, tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng gần gấp đôi con số của cuối năm trước với 1.496 tỉ đồng, đưa tỉ lệ nợ xấu tăng từ 1,54% cuối tháng 12/2018 lên 2,37%. Ngân hàng đã xử lí được toàn bộ trái phiếu VAMC.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank đạt hơn 574 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kì năm trước, đạt 71,8% kế hoạch lợi nhuận năm (800 tỉ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt 452 tỉ đồng, tăng gần 21%.

9. Ngân hàng TMCP Phương Đông - OCB

Kết thúc 9 tháng đầu năm, OCB ghi dấu ấn khi số dư nợ xấu của ngân hàng tăng vọt gần 45% so với đầu năm lên 1.778 tỉ đồng. Trong đó nợ dưới chuẩn tăng 50% lên 648 tỉ đồng; nợ nghi ngờ tăng mạnh lên 453 tỉ đồng, gấp 2,5 lần cùng kì. Tỉ lệ nợ xấu tăng từ 2,28% lên 2,61%.

Tính đến 30/9/2019, tổng tài sản của ngân hàng đạt 106.413 tỉ đồng, tăng 6,5%, trong đó cho vay khách hàng đạt 67.555 tỉ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm trước. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 10,2% lên 66.791 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 1.554 tỉ đồng, tăng 5,2% so với cùng kì năm trước.

10. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)

Trong ba quí đầu năm, lợi nhuận trước thuế của SHB ghi nhận tăng trưởng khá cao hơn 54,4% so với cùng kì 2018 đạt 2.262 tỉ đồng, thực hiện được 73,6% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.808 tỉ đồng, tăng 54,3%.

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản SHB đạt 357.239 tỉ đồng, tăng 10,5% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 16,5%, đạt 252.778 tỉ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 9,3% lên 246.240 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 2,4% đầu năm lên mức 2,86%.

Vào tháng 12, SHB được NHNN chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ từ 12.036 tỉ đồng lên gần 15.044 tỉ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

11. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - SeABank

SeABank là một trong 18 ngân hàng đã được NHNN phê duyệt áp dụng chuẩn Basel II sớm trước thời hạn. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 683 tỉ đồng, tăng 65% so với cùng kì năm 2018.

Tính tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của SeABank đạt 152.559 tỉ đồng, tăng gần 9% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 11,4% đạt 92.460 tỉ đồng; huy động tiền gửi của khách hàng tăng 7,6% đạt 90.754 tỉ.

Nợ xấu của ngân hàng giảm 16% so với đầu năm với 1.657 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu giảm từ 2,99% xuống còn 1,77%.

SeABank là một trong những ngân hàng có kế hoạch phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với qui mô ước khoảng 400 triệu USD trong năm 2019 nhưng mới đây kế hoạch này đã được ngân hàng dời ngày sang năm 2020.

12. Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank

Nhìn lại kết quả kinh doanh của 18 ngân hàng Việt bị Moody's hạ triển vọng - Ảnh 6.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (Ảnh: TPBank)

Ngân hàng công bố kết quả kinh doanh vào cuối quí III/2019 với lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 1.923 tỉ đồng, tăng 49% so với cùng kì năm 2018 và đạt 75% kế hoạch lợi nhuận năm với lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh (tăng 72% so với cùng kì năm trước).

Tính tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của TPBank đạt 153.930 tỉ đồng, tăng 13% so với đầu năm, số dư huy động tiền gửi của khách hàng tăng 12,4% đạt 85.596 tỉ đồng. Đáng chú ý, cho vay khách hàng của TPBank tăng mạnh 20,3%, vượt xa mức tăng trưởng chung của toàn ngành (chỉ 8,4%).

Cuối tháng 9, số dư nợ xấu của ngân hàng là 1.407 tỉ đồng, tăng mạnh 63,4% so với đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu tăng từ 1,11% lên 1,51%. Ngân hàng không còn nợ xấu tại VAMC.

13. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Agribank

Cập nhật mới nhất từ ngân hàng cho biết trong 10 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận của Agribank đạt trên 10.350 tỉ đồng, vượt 3,5% so với kế hoạch lợi nhuận 10.000 tỉ đồng.

Tổng tài sản của Agribank đã đạt 1,4 triệu tỉ đồng, nguồn vốn huy động đạt 1,29 triệu tỉ đồng. Dư nợ cho vay nền kinh tế của ngân hàng đạt hơn 1,05 triệu tỉ đồng, trong đó tỉ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 68,3% tương đương với 722.039 tỉ đồng.

Agribank là ngân hàng duy nhất còn lại có sở hữu 100% của Nhà nước và đang "mắc kẹt" với phương án cổ phần hoá. Hiện vốn điều lệ của Agribank đang ở mức thấp nhất so với các NHTM lớn khác, đến cuối 2018 mới đạt 30.470 tỉ đồng. 

Ngân hàng cho biết quá trình này đang chậm so với tiến độ đề ra bởi những thách thức, vướng mắc mà không chỉ Agribank có thể tự giải quyết được: việc xác định giá trị doanh nghiệp, tăng vốn,...

Lãnh đạo của ngân hàng cho biết Agribank gặp khó khăn trong quá trong việc tuân thủ hệ số CAR theo qui định của NHNN, từ đó dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng các tiêu chí lựa chọn khách hàng để giảm tài sản có hệ số rủi ro cao. 

14. Ngân hàng TMCP Quốc tế - VIB

VIB là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam công bố hoàn thành ba trụ cột của chuẩn mực quốc tế Basel II trong khi tính đến thời điểm hiện tại đã có 18 ngân hàng được phê chuẩn áp dụng tiêu chuẩn này (chỉ áp dụng trụ cột 1 hoặc trụ cột 3).

Theo cho biết từ Tổng Giám đốc Hàn Ngọc Vũ, tính đến cuối năm 2019, lợi nhuận ước đạt trên 4.000 tỉ đồng, tăng 82% so với năm trước (2.193 tỉ đồng) và gấp 5,6 lần so với lợi nhuận trước thuế năm 2016. 

Tổng tài sản của ngân hàng ước đạt 180.000 tỉ đồng, tăng gần 30% so với cuối năm 2018 (139.166 tỉ đồng). Ngân hàng đã giảm tỉ lệ nợ xấu từ 2,3% vào năm 2017 xuống 2,2% vào năm 2018 và về 1,78% vào cuối năm 2019. VIB cũng đã mua lại toàn bộ nợ xấu VAMC từ năm 2017.

15. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank

Trong một tiết lộ mới đây, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết kết thúc năm tài chính 2019, VietinBank sẽ đạt, thậm chí có khả năng sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm đã được đại hội đồng cổ đông phê duyệt. 

Năm 2019, VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 9.500 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế ngân hàng đạt 6.825 tỉ đồng, tăng 11,4% so với cùng kì 2018 và thực hiện được 89% kế hoạch.

Tính đến hết ngày 30/9, tổng tài sản VietinBank đạt hơn 1,202 triệu tỉ đồng, tăng 3,2% so với cuối năm 2018. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 899.056 tỉ đồng, tăng 3,9%. Tiền gửi khách hàng đạt 865.466 tỉ đồng, tăng 4,8%.

Tỉ lệ nợ xấu nội bảng trên dư nợ cho vay giảm từ 1,58% tại thời điểm cuối năm 2018 xuống mức 1,56%. Ngân hàng chưa công bố chi tiết con số nợ xấu tại VAMC.

VietinBank là một trong hai "ông lớn" ngân hàng còn lại phải đối mặt với thách thức lớn từ bài toán tăng vốn và Basel II. Với tỉ lệ sở hữu hơn 64% của NHNN và room ngoại đã đầy, ngân hàng có thể cần vốn từ Chính phủ để tăng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR). 

Tuy nhiên, theo JP Morgan cho rằng ngoài cách chờ nguồn vốn từ ngân sách hay nới room thì VietinBank cũng có những cách khác để tăng vốn như thoái vốn một số khoản đầu tư hoặc công ty con.

16. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam - MSB

Giữa tháng 11, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) cho biết đã nhận hồ sơ đăng kí niêm yết lần đầu của MSB với số lượng cổ phiếu đăng kí là 1.175 triệu cổ phiếu. Việc lên sàn đã được nhắc đến từ năm 2017 tại đại hội đồng cổ đông thường niên nhưng đến thời điểm hiện tại mới có dấu hiệu của tiến triển, tuy nhiên, nhiều khả năng việc chính thức niêm yết của ngân hàng phải lui lại đến năm 2020.

9 tháng đầu năm, nhờ lãi đột biến từ hoạt động khác, MSB ghi nhận lãi sau thuế đạt 868 tỉ đồng, gấp 3,5 lần cùng kì, nợ xấu tăng 14% lên 1.664 tỉ đồng. Riêng quí III, lợi nhuận tăng đột biến gấp 56 lần so với cùng kì lên 400 tỉ đồng.

Tính đến 30/9/2019, tổng tài sản của ngân hàng đạt 148.342 tỉ đồng, tăng 7,7%. Cho vay khách hàng đạt 56.590 tỉ đồng, tăng trưởng 18,5% so với cuối năm trước. Cùng với đó, số dư tiền gửi khách hàng của MSB cũng tăng mạnh 22% với 77.343 tỉ đồng.

Số dư nợ xấu nội bảng của MSB ở mức 1.664 tỉ đồng, tăng gần 14% so với đầu năm.

17. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank

Nhìn lại kết quả kinh doanh của 18 ngân hàng Việt bị Moody's hạ triển vọng - Ảnh 7.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Ảnh: VPBank).

Theo kết quả kinh doanh ba quí đầu năm, với lợi nhuận trước thuế VPBank đạt 7.199 tỉ đồng, tăng 17,5% so với cùng kì năm trước bằng 76% kế hoạch cả năm, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng mẹ đạt 5.111 tỉ đồng.

Kết thúc 9 tháng, tăng trưởng tín dụng hợp nhất của ngân hàng đạt 14,7% so với cuối năm 2018, cao hơn nhiều so với bình quân của ngành là 8,4%. Tăng trưởng huy động đạt 19,9%. 

Tỉ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank ở mức 3,1%, giảm từ 4,24% so với cùng kì năm trước. Nợ xấu của ngân hàng mẹ giảm xuống còn 2,45%;  nợ xấu của FE Credit cũng giảm từ 6,36% xuống 5,21% vào cuối quí III.

Cùng với đó, dư nợ trái phiếu VAMC giảm mạnh từ 3.100 tỉ đồng xuống dưới 908 tỉ đồng, tương ứng giảm hơn 70%.

18. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank

Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của Techcombank đã đạt mức lợi nhuận gần 8.900 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kì năm ngoái. Đây là quí thứ 16 tăng trưởng doanh thu liên tiếp của Techcombank. 

Đến hết tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng tăng 14,5% và đạt 367.538 tỉ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng mạnh 28,5% lên 202.462 tỉ đồng, đây là mức tăng trưởng cao nhất ở chỉ tiêu này trong số các ngân hàng công bố hiện nay.

Tăng trưởng tín dụng đến cuối quí III của ngân hàng đạt 12,5% trong khi mức mà Techcombank được phê duyệt trong năm nay là 17%.

Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) vào cuối quí III của ngân hàng ở mức khá cao là 16,5%, cao hơn nhiều so với chuẩn Basel II (8%). Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng dừng ở mức 1,8%.

Đáng chú ý, tỉ lệ tiền gửi không kì hạn (CASA) của Techcombank đang ở mức 30%, nằm trong top những ngân hàng có CASA cao nhất hệ thống. 

Theo nhận định mới đây của JP Morgan, tổ chức này kì vọng Techcombank sẽ tiếp tục duy trì được mức vốn tự có và mức tăng trưởng lợi nhuận. Tuy nhiên, ngân hàng cũng sẽ phải đối mặt như rủi ro danh mục đầu tư trái phiếu, tổn thất từ danh mục đầu tư bán cho khách hàng và tăng chi phí tín dụng.


Diệp Bình