|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Fitch nâng triển vọng xếp hạng tín dụng Việt Nam lên tích cực

16:33 | 18/05/2017
Chia sẻ
Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings vừa thông báo điều chỉnh triển vọng xếp hạng tín dụng cho nợ dài hạn bằng nội và ngoại tệ của Việt Nam từ ổn định sang tích cực và khẳng định xếp hạng BB-.

Fitch cho biết, xếp hạng trái phiếu bằng nội tệ và ngoại tệ không bảo đảm của Việt Nam cũng được giữ ở BB-. Nợ ngắn hạn phát hành bằng nội tệ và ngoại tệ được xếp hạng B.

Theo Fitch, xếp hạng của Việt Nam phản ánh kết quả tăng trưởng mạnh mẽ và triển vọng tăng trưởng, thặng dư tài khoản vãng lai liên tục, chi phí vay nợ trong tầm quản lý và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục đổ vào.

Các xếp hạng này cũng phản ánh mức nợ công cao, mức "đệm" dự trữ ngoại hối thấp, rủi ro vĩ mô và rủi ro trong ngành ngân hàng, cùng với một số chỉ tiêu cấu trúc yếu hơn các nước khác, như thu nhập bình quân đầu người, các tiêu chuẩn phát triển con người.

Việc điều chỉnh triển vọng xếp hạng của Việt Nam thành "tích cực", theo Fitch, là bởi một số yếu tố chủ chốt như Việt Nam đang xây dựng nhiều chính sách tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô. Cách tiếp cận này, bao gồm tỷ giá linh hoạt, tập trung ngày càng cao vào ổn định lạm phát, đã giúp thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài và giúp duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

GDP thực của Việt Nam đã tăng 6,2% trong năm 2016, nâng mức tăng trưởng GDP thực bình quân 5 năm lên 5,9%, so với mức trung bình 3,4% của các nước xếp hạng BB khác.

Tăng trưởng vẫn được hỗ trợ bởi khu vực sản xuất định hướng xuất khẩu và ngành dịch vụ tăng trưởng ổn định, dù các ngành khai thác và kinh doanh khoáng sản suy yếu vì ngành dầu khí đang trong thời kỳ suy giảm.

Fitch dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam tăng đều đặn trong thời kỳ dự báo, lên 6,3% năm 2017 và 6,4% năm 2018, nhờ dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào lĩnh vực sản xuất và chi tiêu tiêu dùng cá nhân mạnh mẽ.

Dự trữ ngoại hối Việt Nam cũng tiếp tục cải thiện, tăng lên 37 tỷ USD cuối năm 2016, từ mức 28,6 tỷ USD cuối năm 2015. Sự cải thiện này được hỗ trợ bởi cơ chế tỷ giá hối đoái mới áp dụng từ đầu năm 2016, nhằm giúp tỷ giá linh hoạt hoạt hơn, cùng với thặng dư tài khoản vãng lai lớn và dòng vốn FDI tiếp tục tăng mạnh.

Tuy nhiên, cơ chế tỷ giá mới, theo đó ngân hàng trung ương đặt ra giới hạn giao dịch mỗi ngày quanh tỷ giá tham chiếu, có thể đã được thử thách trong môi trường đồng đô la Mỹ mạnh hơn, kết quả là khiến VND yếu so với các nền kinh tế mới nổi phụ thuộc vào dòng vốn nước ngoài.

Xếp hạng BB- của Việt Nam còn bởi nợ chính phủ hiện trên mức trung bình của các nước xếp hạng BB và tiếp tục tăng. Theo ước tính của các cơ quan chính phủ, nợ chính phủ/GDP của Việt Nam đã tăng từ 50,1% cuối 2015 lên 53,4% cuối năm 2016.

Một định nghĩa rộng hơn về nợ công bao gồm cả các khoản bảo lãnh chính phủ, đưa tỷ lệ nợ công/GDP lên 63,7% cuối năm 2016, sát mức trần nợ công chính thức 65%.

Các cơ quan chức năng đã khẳng định cam kết duy trì nợ công trong giới hạn quy định bằng các biện pháp tài khóa và giới hạn bảo lãnh chính phủ. Fitch dự báo các cơ quan chức năng sẽ tránh việc phá vỡ trần nợ công bằng cách sử dụng kết hợp các phương pháp này. Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016- 2020 cũng sẽ giúp hạn chế nợ.

Fitch ước tính thâm hụt tài khoán 2016 giảm xuống 5,7% GDP, từ mức 6,2% cuối năm 2015 do doanh thu tài khóa được ước tính tăng cao hơn dự kiến. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường cam kết giảm thâm hụt và mức nợ trong kế hoạch ngân sách 2016 - 2020 của mình.

Fitch dự báo thâm hụt vẫn ở quanh mức 5,7% GDP trong giai đoạn 2017 - 2018, nếu không có những cải cách nguồn thu lớn.

Xếp hạng các chỉ tiêu về quản lý điều hành của Việt Nam đã cải thiện so với vài năm gần đây. Tuy nhiên, xếp hạng của Việt Nam về chỉ số quản trị tổng hợp vẫn ở vị trí 39, thấp hơn mức trung bình 50 của các nước xếp hạng BB.

Thu nhập bình quân đầu người và các chỉ tiêu phát triển con người của Việt Nam vẫn thấp hơn trung bình các nước có xếp hạng tương tự.

Tài khoản vãng lai của Việt Nam vẫn ở mức thăng dư, trung bình khoảng 4% GDP trong 5 năm tính tới năm 2016. Mặc dù dự phòng thanh toán nước ngoài của Việt Nam chỉ ở mức 2,3 tháng so với 4,2 tháng của trung bình các nước xếp hạng BB, những khoản nợ được ưu đãi vẫn hỗ trợ vị thế thanh toán của Việt Nam.

Phương Nguyễn

[LIVE] ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.