|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 9/4: Hơn 1,5 triệu người nhiễm trên toàn cầu, tròn 24h Việt Nam không có ca mới

08:03 | 09/04/2020
Chia sẻ
Ghi nhận đến sáng nay, dịch COVID-19 đã khiến hơn 1,5 triệu người mắc và hơn 88.000 người tử vong trên toàn thế giới. Trong đó, Mỹ và Châu Âu tiếp tục là điểm nóng của dịch. New York đã treo cờ rủ toàn bang sau khi số ghi nhận tổng cộng 6.298 ca tử vong do COVID-19 tính đến nay.

Tính đến 7h sáng nay (9/4), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 1,5 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 88.333 người đã tử vong và 329.673 người đã hồi phục, theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.

Đến nay, dịch COVID-19 gần như đã lan khắp mọi nơi trên thế giới (209 quốc gia và vùng lãnh thổ) sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Người đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới, ông Roberto Azevedo đã đưa ra một cảnh báo nghiêm trọng cho rằng, sự sụp đổ kinh tế từ tình trạng khẩn cấp về sức khỏe có thể là "suy thoái kinh tế sâu sắc nhất". Tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể giảm tới một phần ba trong năm nay, theo WTO.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 9/4: Hơn 1,5 triệu người nhiễm trên toàn cầu, tròn 24h Việt Nam không có ca mới - Ảnh 1.

Đã có hơn 1,5 triệu người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh minh họa: AFP)

Việt Nam: Tròn 24h không có ca mắc mới

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, 6h sáng nay (9/4), Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 đến hiện tại vẫn là 251, trong đó 126 người đã khỏi bệnh (hơn 50%). Hiện còn 125 người đang điều trị tại 17 cơ sở y tế trên cả nước, đa số có sức khỏe ổn định.

Như vậy, đây là lần đầu tiên trong 1 tháng qua, tròn 24h Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Trong tổng số 251 trường hợp, có 156 người từ nước ngoài (chiếm 62,6%) và 95 người lây nhiễm thứ phát.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 9/4: Hơn 1,5 triệu người nhiễm trên toàn cầu, tròn 24h Việt Nam không có ca mới - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Y tế

Ngoài ra, tính đến sáng nay, có tổng cộng 77.292 người đang được cách li. Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 642 người (1%); cách li tại nhà và nơi cư trú là 48.866 người (63%) và cách li tập trung tại cơ sở khác là 27.790 người (36%).

Đến nay đã có 32 tỉnh thành trên cả nước có người mắc COVID-19, bao gồm: Vĩnh Phúc, TP HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Kon Tun, Lâm Đồng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Lai Châu, Hải Phòng, Nghệ An, Hưng Yên, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đăk Lăk, Quảng Bình, Hà Nam.

Trên thế giới: Mỹ và Châu Âu tiếp tục là điểm nóng

Tính đến 7h sáng nay (8/4), Trung Quốc đại lục - ổ dịch đầu tiên và hiện chỉ là ổ dịch lớn thứ 6 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 81.802 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 3.33 ca tử vong. Hầu hết các ca nhiễm hàng ngày tại quốc gia này là các ca nhập cảnh.

Bên ngoài Trung Quốc, Mỹ hiện đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 427.101 ca nhiễm và 14.668 ca tử vong tính đến sáng nay, tăng lần lượt 26.766 và 1.827 ca so với một ngày trước đó.  

New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ với 779 ca tử vong trong vòng 24h qua. "Chúng tôi đang làm phẳng đường cong", Thống đốc Andrew Cuomo nói về tỉ lệ nhập viện tại bang này đang giảm. Ông tỏ ra lạc quan nếu tỉ lệ nhập viện tiếp tục giảm thì hệ thống y tế của tiểu bang sẽ vận hành ổn định trong khoảng 2 tuần tới.

Tâm dịch New York của Mỹ đã treo cờ rủ toàn bang sau khi số ghi nhận tổng cộng 6.298 ca tử vong do COVID-19 tính đến nay.

Các chuyên gia Nhà Trắng dự đoán 100.000 - 240.000 người Mỹ có thể chết vì dịch COVID-19, ngay cả khi họ tuân thủ yêu cầu không rời khỏi nhà.

Trong khi đó, Châu Âu hiện vẫn đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19.

Cụ thể, Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 148.220 ca nhiễm và 14.792 ca tử vong, tăng lần lượt 6.278 và 747 ca so với một ngày trước đó.

Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới đang ghi nhận những diễn biến tốt dần lên khi số ca tử vong tiếp tục giảm. Trong vòng 24h qua, quốc gia này đã ghi nhận thêm 3.836 ca nhiễm và 542 ca tử vong (giảm 3 ngày liên tiếp), nâng tổng số lên lần lượt 139.422 và 17.669 ca.

Trong ngày 8/4, Italy có đến 2.099 bệnh nhân khỏi bệnh và được xuất viện, con số trong ngày cao nhất từ trước đến nay.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết sẽ vẫn áp dụng lệnh phong tỏa khắt khé và bác bỏ những lời kêu gọi nới lỏng phong tỏa của các doanh nghiệp nhằm cho phép người lao động trở lại làm việc.

Đức lại vượt Pháp và trở thành ổ dịch lớn thứ 3 tại Châu Âu và lớn thứ 4 trên thế giới với 113.296 ca nhiễm, 2.349 ca tử vong; tăng lần lượt 5.633 và 33 ca so với một ngày trước đó.

Pháp hiện đang là ổ dịch lớn 4 tại Châu Âu và thứ 5 trên thế giới với 112.950 ca nhiễm và 10.869 ca tử vong, tăng lần lượt 3.881 và 541 ca so với một ngày trước đó. Lệnh phong tỏa toàn quốc của Pháp bắt đầu từ 17/3 đến 15/4 nhưng chính quyền Pháp cho biết sẽ gia hạn phong tỏa.

Đến sáng nay, Anh - ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu có thêm 5.491 ca nhiễm COVID-19 và 938 ca tử vong (cao nhất trong một ngày tại Anh kể từ đầu dịch tới nay), nâng tổng số lên lần lượt 60.733 và 7.097 ca. Nước này cũng đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc từ 23/3.

Iran vẫn là tâm dịch lớn nhất Trung Đông và lớn thứ hai tại Châu Á (sau Trung Quốc đại lục) với 64.586 ca nhiễm và 3.993 ca tử vong, tăng lần lượt 1.997 và 121 ca so với một ngày trước đó. Đáng chú ý, đây là ngày thứ 8 liên tiếp quốc gia này ghi nhận số ca nhiễm trong ngày giảm.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo dịch bệnh tại nước này có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí đến cuối năm. Tuy nhiên, ông cho biết chính quyền đã đồng ý nối lại một số hoạt động kinh tế nhất định từ ngày 11/4.

Tại Đông Nam Á, tính đến sáng nay, Malaysia vẫn đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 4.119 ca nhiễm và 65 ca tử vong, tăng lần lượt 156 và 2 ca so trong vòng 24h qua. Số ca tử vong Khu vực có số người mắc COVID-19 nhiều nhất ở Malaysia là thủ đô Kuala Lumpur. 

Philippines – ổ dịch lớn thứ 2 khu vực ghi nhận tổng cộng 3.870 ca nhiễm và 182 ca tử vong, tăng lần lượt 106 và 5 ca (giảm đáng kể so với một ngày trước đó).

Indonesia vẫn là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 2.956 ca nhiễm và 240 ca tử vong; tăng lần lượt 218 và 19 ca so với một ngày trước đó.

Dịch bệnh đã lây lan ra 32 trên tổng số 34 tỉnh và thành phố ở Indonesia. Trong đó, thủ đô Jakarta tiếp tục là tâm dịch.

Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 11 ca nhiễm SARS-CoV-2 (giảm đáng kể) và 3 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 2.369 và 30 ca. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, quốc gia này đã ban hành lệnh giới nghiêm từ 22h tối đến 4h sáng hàng ngày.

Chính quyền Thái Lan cũng thông báo phong tỏa thành phố du lịch Pattaya, cấm toàn bộ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Singapore tính đến sáng nay ghi nhận thêm 142 ca (mức tăng hàng ngày lớn nhất), nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 1.623 ca. Đã 3 ngày trôi qua, số ca tử vong tại quốc gia này vẫn giữ nguyên ở con số 6.

Hà Lê