FiinGroup: Tăng trưởng lợi nhuận công ty đại chúng đang giảm tốc
Theo dữ liệu phân tích của FiinGroup đối với 899 doanh nghiệp khối phi tài chính đã công bố kết quả kinh doanh quí IV và năm 2019 cho thấy, doanh thu và lợi nhuận đang tăng trưởng chậm lại.
Cụ thể, doanh thu thuần tăng trưởng 4,2%, lợi nhuận sau thuế tăng tốt hơn ở mức 9,3%, tính cho cả năm 2019. Riêng quí IV, doanh thu tăng chỉ 1,2%, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 18,8% so với cùng kì. FiinGroup lưu ý rằng, bắt đầu từ quí III/2018, tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp đã có xu hướng giảm tốc.
Mặc dù lợi nhuận kế toán tăng, nhưng hai chỉ số EBIT và EBITDA lại giảm tốc. Trong quí IV/2019, EBIT tăng 3,8% và EBITDA tăng 5,1%. Thực tế này do lợi nhuận tăng trưởng nhưng chủ yếu nhờ các khoản thu nhập tài chính và chuyển nhượng vốn góp, thoái vốn hoặc gia tăng các khoản thu nhập khác.
Theo báo cáo của FiinGroup, chất lượng tăng trưởng đi xuống của khối doanh nghiệp phi tài chính được thể hiện rõ hơn khi công ty này tiến hành điều chỉnh, loại ra số liệu của các công ty con đã được hợp nhất vào công ty mẹ.
Khi đó, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng trưởng ở mức 5,3% thay vì 9,3%. EBIT và EBITDA tăng trưởng âm lần lượt 1,5% và 1,1% trong năm 2019. FiinGroup cho biết rằng, đây là lần đầu tiên kể từ giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2012, hai chỉ số này tăng trưởng âm.
Ghi chú : Số liệu trên chỉ bao gồm khối doanh nghiệp phi tài chính. Số liệu cũng đã được điều chỉnh loại trừ doanh thu của công ty con nếu như đã được hợp nhất vào công ty mẹ cũng là công ty niêm yết. (Nguồn: FiinPro Data Digest #2)
Đáng lưu ý, chất lượng tăng trưởng của các ngành phục vụ người tiêu dùng như thực phẩm - đồ uống, bán lẻ, hàng - dịch vụ tiêu dùng lại suy giảm hoặc giảm tốc về doanh thu, lợi nhuận, ngay cả đối với doanh nghiệp đầu ngành.
Theo phân tích của FiinGroup, các ngành có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao trong năm 2019 so với bình quân 5 năm trước và 10 năm trước bao gồm: công nghệ thông tin, viễn thông, và ô tô - phụ tùng. Đây là những ngành được xếp hạng tăng tốc cả về doanh thu và lợi nhuận.
Đi tìm lời giải cho việc vì sao thị trường Việt Nam tăng trưởng về thu nhập và sức mua của người tiêu dùng nhưng các ngành trong lĩnh vực này lại tăng trưởng thấp ngay cả với những doanh nghiệp top đầu như Vinamilk, Masan, Thế giới Di động, FiinGroup cho rằng:
Thứ nhất là câu chuyện bão hòa ở các nhóm mặt hàng chủ chốt của các đơn vị này, nhất là khu vực thành thị. Trong khi đó, các nhóm mặt hàng mới và khu vực thị trường nông thôn chưa được khai phá hết tiềm năng. Ví dụ như Vinamilk chủ yếu tăng trưởng nhờ nhóm sản phẩm sữa tươi/sữa nước trong thời gian qua, trong khi nhóm sản phẩm sữa bột gặp cạnh tranh khốc liệt từ sữa ngoại nhập, nhất là ở phân khúc cao cấp.
Thứ hai là câu chuyện cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu hoặc từ các công ty nước ngoài, thuộc nhóm cao cấp. Thực tế, đúng là tăng trưởng ngành do sức mua và khả năng chi trả của người dân tăng lên, nhưng mặt trái của nó đến các doanh nghiệp Việt Nam là họ lại có xu hướng chuyển dịch sang dùng các nhóm mặt hàng cao cấp hoặc hàng nhập khẩu. Các phân khúc này doanh nghiệp trong nước cần thời gian để có thể chiếm lĩnh.