|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

FIDT: Mục tiêu VN-Index năm 2025 từ 1.300 - 1.500 điểm

10:02 | 02/01/2025
Chia sẻ
FIDT dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành năm 2025 đạt 16%, với mức đánh giá thận trọng. Điều này dẫn đến mục tiêu VN-Index vào cuối năm 2025 nằm trong khoảng 1.300 - 1.500 điểm.

Báo cáo chiến lược phân bổ tài sản 2025 của FIDT nêu nhận định năm nay, khi các rủi ro vĩ mô như tỷ giá và áp lực từ khối ngoại dần được giải tỏa, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ mở ra triển vọng mới.

Niềm tin thị trường dự kiến phục hồi đáng kể, đặc biệt vào nửa cuối năm, khi các yếu tố tích cực từ chính sách vĩ mô, cải cách pháp lý, và sự tăng trưởng doanh nghiệp bắt đầu phát huy hiệu quả, cùng với cơ hội nâng hạng thị trường.

Dự báo tăng trưởng lợi nhuận khả quan, với lợi nhuận toàn thị trường dự kiến đạt 16%. Các ngành chủ lực như ngân hàng, bất động sản và công nghệ thông tin sẽ là động lực chính.

Cụ thể hơn, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và cải thiện biên lãi ròng (NIM) sẽ thúc đẩy lợi nhuận ngành ngân hàng, với mức dự báo tăng trưởng 17%.

Với ngành bất động sản, phục hồi mạnh mẽ nhờ chính sách pháp lý hoàn chỉnh và nhu cầu nhà ở tăng cao, lợi nhuận dự báo tăng 58%. Trong khi đó, tại ngành công nghệ thông tin, chuyển đổi số và nhu cầu dịch vụ công nghệ cao sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận đạt 20%.

  (Nguồn: FIDT). 


Bên cạnh xu hướng phục hồi lợi nhuận và sự khởi sắc của nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam còn đón nhận cơ hội nâng hạng mang tính lịch sử "20 năm có một lần" trong các năm tới.

Theo FIDT, thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng lên nhóm "Secondary - Emerging" (thị trường mới nổi thứ cấp) của FTSE khả năng cao vào năm 2025, khi đã đáp ứng 8/9 điều kiện trọng yếu.

Thời điểm nâng hạng sẽ phụ thuộc vào quyết định của FTSE trong hai kỳ đánh giá thường niên vào tháng 3 hoặc tháng 9 năm 2025. Yếu tố nâng hạng này được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán.

Tổng quan, FIDT đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán 2025 tích cực, với tiềm năng tăng trưởng cao khi nền kinh tế phục hồi và bước vào giai đoạn tăng trưởng bền vững. Thị trường dự kiến sẽ bước vào chu kỳ tăng tốc trung hạn sau 2025, nhờ vào các động lực vĩ mô và sự phục hồi ổn định của các ngành trọng yếu.

Với P/E hiện tại ở mức 13, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá hợp lý, mở ra không gian tăng trưởng. Mục tiêu VN-Index vào cuối năm 2025 được đặt trong khoảng từ 1.300 đến 1.500 điểm, phản ánh triển vọng tích cực và sự phục hồi đáng kể của thị trường.

  (Nguồn: FIDT). 

FIDT cho rằng với hiệu suất và tiềm năng tăng trưởng đáng kể, thị trường chứng khoán Việt Nam nên là kênh đầu tư trọng tâm trong năm 2025. So với các phân lớp tài sản khác, thị trường chứng khoán Việt Nam mang lại cơ hội tăng trưởng cao hơn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và các yếu tố vĩ mô thuận lợi.

“Đây là thời điểm chiến lược để tối ưu hóa lợi nhuận và tận dụng tiềm năng phát triển dài hạn của thị trường.”, FIDT khuyến nghị.

Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng khả quan, một số rủi ro quan trọng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng. Các yếu tố này cần được theo dõi sát sao để kịp thời ứng phó khi các biến số vượt khỏi vùng an toàn.

Thứ nhất là rủi ro từ chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ. Việc áp dụng các chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Donald Trump mạnh tay hơn dự kiến có thể gây rối loạn dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Điều này gây biến động lớn trên thị trường tài chính quốc tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng vốn ngoại vào Việt Nam. Hệ quả là áp lực gia tăng lên tỷ giá, thanh khoản thị trường tài chính giảm sút, và xu hướng dòng vốn rút khỏi Việt Nam có thể trở nên nghiêm trọng hơn, làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai là rủi ro lạm phát Mỹ tác động chính sách tiền tệ của Fed. Nếu lạm phát tại Mỹ tăng cao, tổ chức này có thể duy trì lãi suất USD ở mức cao và từ bỏ chính sách nới lỏng. Kịch bản này sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

VND chịu áp lực mất giá do đồng USD mạnh lên, khiến Ngân hàng Nhà nước khó duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Không gian điều hành chính sách năm 2025 sẽ bị thu hẹp hơn, tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, dòng vốn quốc tế có thể tiếp tục rút khỏi các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam. Điều này làm thanh khoản thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, suy giảm đáng kể.

Rủi ro thứ ba là suy yếu ngành bất động sản tiếp diễn. Ngành bất động sản có thể không phục hồi như dự báo. Điều này gây tác động tiêu cực lan tỏa đến các ngành liên quan như ngân hàng, xây dựng và vật liệu xây dựng.

Ngoài ra, sự suy yếu của bất động sản còn kéo giảm tăng trưởng GDP, làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.

Xuân Nghĩa