|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Fed và lạm phát sẽ ảnh hưởng thế nào đến chứng khoán Mỹ?

14:41 | 21/06/2021
Chia sẻ
Chuyên gia của Moody's Analytics cảnh báo thị trường chứng khoán Mỹ có khả năng giảm đến 20% bất chấp nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ.
Fed và lạm phát sẽ ảnh hưởng thế nào đến chứng khoán Mỹ? - Ảnh 1.

Ông, Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

Fed và lạm phát là mối quan tâm hàng đầu của thị trường trong cả năm

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến thị trường chứng khoán dậy sóng sau cuộc họp ngày 16/6. Tính chung cả tuần qua, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 3,5%, ghi nhận tuần lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Chỉ số S&P 500 sụt 1,9%, tuần tiêu cực nhất kể từ tháng 2. Chỉ số Nasdaq chỉ giảm nhẹ 0,3% nhờ có cổ phiếu công nghệ chống đỡ.

Fed và lạm phát sẽ ảnh hưởng thế nào đến chứng khoán Mỹ? - Ảnh 2.

Ông Ed Keon, Giám đốc đầu tư tại QMA nhận định: "Tôi nghĩ nhà đầu tư vẫn đang cố gắng giải mã cuộc họp của Fed".

Các quan chức Fed sẽ nhận được rất nhiều sự chú ý trong tuần này. Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phát biểu trước tiểu ban của Hạ viện về phản ứng chính sách của Fed và nền kinh tế. Những lời nói của ông có thể là điểm nhấn của một tuần đầy biến động đối với thị trường.

Một loạt quan chức khác của Fed cũng sẽ lên tiếng, bao gồm Chủ tịch Fed chi nhánh New York, San Francisco, Atlanta và St. Louis.

Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Global Advisors nói với CNBC: "Có thêm nhận định từ các quan chức Fed chắc chắn là điều rất quan trọng. Tôi quan tâm nhất tới những gì Chủ tịch Powell sẽ nói".

Nhà đầu tư cũng sẽ chú ý đến dữ liệu kinh tế được công bố vào thứ Sáu, đặc biệt là thước  đo lạm phát mà Fed rất thích sử dụng – chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE).

Ông Boockvar dự đoán dữ liệu lạm phát PCE sẽ phản ánh mức tăng đột biến tương tự như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5. CPI tháng 5 của Mỹ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Boockvar còn đoán "Chỉ số PCE sẽ tăng đáng kể so với tháng trước". Ông khẳng định dữ liệu lạm phát sẽ là điều quan trọng nhất đối với thị trường.

"Từ nay đến hết năm, thị trường sẽ chỉ xoay quanh lạm phát và cách Fed điều ứng phó với nó. Lạm phát không chỉ là vấn đề của riêng Mỹ mà là toàn cầu".

Tuy Fed dự kiến sẽ có hai lần tăng lãi suất trong năm 2023 nhưng thị trường lại ngờ vực nhiều hơn về lạm phát. Thị trường phái sinh cho thấy nhà đầu tư tin rằng Fed có thể tăng lãi suất ngay trong năm sau và đến năm 2023, Fed sẽ có ít nhất là 4 đợt tăng lãi suất.

Fed đã nâng kỳ vọng lạm phát đo lường theo chỉ số PCE lên 3,4%, tăng 1 điểm % so với dự báo hồi tháng 3. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Mỹ vẫn khẳng định áp lực lạm phát chỉ mang tính "tạm thời".

Theo CNBC, hợp đồng tương lai (futures) chỉ số Dow Jones sáng sớm ngày 21/6 có lúc giảm 200 điểm. Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng chìm trong sắc đỏ.

Nhà đầu tư rối bời

Nên mua cổ phiếu theo chu kỳ, công nghệ hay phòng thủ? Nền kinh tế sẽ bùng nổ cho tới năm 2022 hay đang nhanh chóng nguội lạnh? Lạm phát là "quả bom hẹn giờ" đẩy thế giới vào khủng hoảng hay sẽ được kiểm soát hoàn toàn trong vài tháng?

Dễ thấy vì sao nhà đầu tư lại phải đau đầu. Cú sốc COVID-19, cuộc sụp đổ và phục hồi thần tốc của thị trường cùng với thanh khoản khổng lồ từ Fed khiến nhà đầu tư khó định hình được Mỹ đang ở đâu trong chu kỳ kinh tế.

Nếu nền kinh tế vẫn ở trong giai đoạn đầu của giai đoạn hưng thịnh, nhà đầu tư có xu hướng mua cổ phiếu theo chu kỳ (cổ phiếu giá trị) và ngân hàng.

Nếu nền kinh tế đang ở trong giai đoạn giữa của quá trình phục hồi, trong đó tăng trưởng và lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn mạnh mẽ nhưng đã bắt đầu chậm lại và lãi suất vẫn thấp, nhà đầu tư sẽ ưa chuộng cổ phiếu công nghệ.

Nếu nền kinh tế ở trong giai đoạn cuối chu kỳ, với đặc điểm là lãi suất cao hơn và hệ số P/E cao, nhà đầu tư thường lựa chọn cổ phiếu phòng thủ như hàng tiêu dùng thiết yếu.

Vấn đề là không ai biết chắc Mỹ đang nằm trong giai đoạn nào của chu kỳ kinh tế. Do đó thị trường lên xuống mỗi ngày và nhà đầu tư liên tục chạy từ cổ phiếu ngành này sang ngành khác.

Ông Tony Crescenz, Phó Chủ tịch công ty quản lý đầu tư Pimco nhận định: "Giá cổ phiếu hiện nay phù hợp với giai đoạn giữa của chu kỳ kinh tế, nghĩa là kinh tế vẫn sẽ tăng trưởng trong thời gian tới. Tới giờ, có vẻ hướng đi của thị trường đã rõ ràng, một phần vì triển vọng kinh tế rất tốt".

Ông Crescenz dự đoán tăng trưởng kinh tế năm 2022 sẽ tiếp tục "cao hơn xu hướng dài hạn".

Thị trường điều chỉnh 10-20%?

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics cũng tin rằng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục "tăng trưởng rực rỡ", tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương tăng. Nhưng bất chấp nhận định tích cực về nền kinh tế, ông đưa ra thông điệp u ám cho nhà đầu tư: Hãy chuẩn bị cho một đợt điều chỉnh lớn trên thị trường.

Ông Zandi dự đoán việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ dẫn đến đợt giá thoái lui từ 10 đến 20%. Thêm nữa do chứng khoán đang đang được định giá quá cao, thị trường có thể phải mất đến một năm để phục hồi.

Ông Zandi nói với CNBC: "Trở lực đang hình thành trên thị trường cổ phiếu. Fed đã phải thay đổi suy nghĩ vì nền kinh tế quá mạnh mẽ".

Ông cho rằng có thể sự điều chỉnh đang diễn ra vì nhà đầu tư đã bắt đầu hoảng loạn.

Cổ phiếu và trái phiếu không phải là những tài sản rủi ro duy nhất mà ông Zandi chú ý. Ông cho rằng thị trường hàng hóa và tiền mã hóa cũng sẽ tiếp tục gặp rắc rối sau đợt bán tháo vừa qua. 

Giang

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.