Fed ra tín hiệu sớm tăng lãi suất, Việt Nam được hưởng lợi?
Sau cuộc họp ngày 15 - 16/6 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thông báo về việc sẽ tăng lãi suất sớm hơn kế hoạch ban đầu và nâng dự báo lạm phát.
Cụ thể, cơ quan này cho biết có thể sẽ nâng lãi suất hai lần trong tương lai và dự báo lần nâng lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra trong năm 2023, thay vì năm 2024 như dự báo đưa ra trong các lần họp trước. Cũng tại cuộc họp, Fed đã nâng kỳ vọng lạm phát lên 3,4%, tăng 1 điểm % so với dự báo hồi tháng 3.
Thị trường đã phản ứng với tuyên bố chính sách của Fed. Chứng khoán giảm điểm và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng khi nhà đầu tư cho rằng khả năng chính sách của Fed sẽ bị thắt chặt trong thời gian tới. Ngoài ra giới đầu tư cũng đang tính đến khả năng chương trình mua trái phiếu sẽ chững lại ngay trong năm nay.
Trước vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia kinh tế về tác động của sự kiện trên đối với kinh tế Việt Nam.
Theo quan điểm của TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), khi Fed tăng lãi suất, dòng tiền sẽ chảy về Mỹ, các thị trường khác nói chung sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, ông cho rằng quá trình này đã nhiều người dự đoán được trước, cùng với đó thời điểm đến lúc Fed chính thức có quyết định tăng lãi suất có thể phải 6 tháng đến một năm nữa.
"Do đó, tác động sẽ không quá lớn khi thị trường sẽ có những điều chỉnh phù hợp để tránh bị sốc", ông Độ nhận định.
Theo ông, khi Fed cân nhắc về việc tăng lãi suất sớm hơn, chứng tỏ rằng nền kinh tế Mỹ đang có đà phục hồi tích cực và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ quá trình này.
Song song, động thái này sẽ phần nào giúp trường hàng hóa cơ bản trên thế giới không tăng mạnh; qua đó, quá trình kiểm soát lạm phát của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn.
"Mặt khác, vị chuyên gia này cũng cho rằng khi dòng tiền chảy về Mỹ, thị trường bất động sản và chứng khoán có thể có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, thị trường bất động sản và chứng khoán của Việt Nam hiện không phụ thuộc nhiều vào dòng vốn nước ngoài, do đó sự ảnh hưởng sẽ không nhiều", ông nói.
Theo Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc Fed cân nhắc sớm tăng lãi suất hơn là nhằm kiềm soát lạm phát trong bối cảnh chính phủ Mỹ đã đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông thông qua các gói cứu trợ, nền kinh tế Mỹ đã có những phục hồi nhanh chóng thời gian qua.
"Tuy nhiên, tại thời điểm này Fed vẫn chưa có các quyết định cụ thể mà vẫn đang trong giai đoạn xem xét. Nếu đi đến quyết định tăng lãi suất, nó có ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, quốc gia vốn có các giao dịch ngoại thương phần lớn thanh toán bằng đồng USD", ông Hiếu đánh giá.
Vị chuyên gia cho hay khi lãi suất tăng lên, giá trị đồng USD tăng lên, đồng nghĩa với giá trị đồng VND giảm xuống. "Điều này sẽ có lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam", ông nói.
Song, ông cũng cho rằng Việt Nam cũng cần cẩn thận trong việc giao thương với Mỹ khi Bộ Tài chính Mỹ từng đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia theo dõi thao túng tiền tệ.
"Mặt khác, khi giá trị của đồng VND suy giảm, trong trường hợp Việt Nam muốn cân bằng lại tỷ giá, Việt Nam cũng phải đẩy lãi suất lên", chuyên gia nhận định.