|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed giữ nguyên lãi suất, phát tín hiệu chưa sẵn sàng nới lỏng chính sách

03:05 | 01/02/2024
Chia sẻ
Kết thúc cuộc họp hôm 31/1, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ra hiệu rằng họ có thể đã hoàn thành chiến dịch tăng lãi suất nhưng chưa sẵn sàng hạ chi phí đi vay.

 

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Reuters).

Kết thúc cuộc họp chính sách hôm 31/1, Fed đã giữ nguyên lãi suất như dự đoán của thị trường, theo đưa tin từ CNBC.

Cụ thể, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã nhất trí không tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp. Chi phí đi vay liên ngân hàng đang nằm trong phạm vi 5,25 - 5,5%, cao nhất trong hơn 22 năm.

Trong tuyên bố chính sách sau đó, FOMC đã loại bỏ thông điệp sẵn sàng tăng lãi suất cho đến khi lạm phát được kiểm soát và trên đường quay về mức mục tiêu 2% của Fed.

Tuy nhiên, FOMC cho biết ủy ban chưa có kế hoạch giảm lãi suất vì lạm phát vẫn trên mức mục tiêu. Tuyên bố hàm ý chiến dịch tăng lãi suất đã kết thúc và chỉ nêu các yếu tố có thể buộc Fed phải “điều chỉnh” chính sách.

“Ủy ban không dự tính sẽ hạ phạm vi mục tiêu của lãi suất cho đến khi đủ tự tin rằng lạm phát đang quay trở về mức 2% một cách bền vững”, tuyên bố nêu rõ.

FOMC cam kết sẽ “đánh giá cẩn thận các dữ liệu sắp tới cũng như triển vọng đang dần hé mở và cân bằng rủi ro”.

Trong cuộc họp báo, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ theo dõi thêm nhiều dữ liệu kinh tế để xác nhận liệu các xu hướng đang diễn ra hiện tại có tiếp tục hay không.

"Chúng tôi muốn thấy nhiều dữ liệu tích cực hơn. Fed không trông chờ vào những dữ liệu tốt hơn, mà chúng tôi đang tìm kiếm sự tiếp nối của các dữ liệu tích cực mà chúng tôi thấy thời gian qua", ông nhấn mạnh.

Những thay đổi trong tuyên bố chính sách là một phần của quá trình chuẩn bị đảo chiều chính sách (pivot). Fed đang tìm cách vạch ra lộ trình để đi khi dữ liệu cho thấy lạm phát đang tiếp tục xuống thấp trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định.

Tuyên bố của FOMC hàm ý rằng tăng trưởng GDP của Mỹ khá “vững chắc”, đồng thời ghi nhận những tiến bộ đã đạt được trong cuộc chiến chống lạm phát.

 

Trước cuộc họp, thị trường kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 3 và tháng 5 cũng là thời điểm có thể bắt đầu chu kỳ nới lỏng. Song, các thành viên của FOMC đã thể hiện thái độ thận trọng hơn, cảnh báo rằng họ thấy không cần phải hành động vội vàng.

Tại cuộc họp tháng 12/2023, các quan chức phát tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất ba lần trong năm nay, thấp hơn con số 6 lần mà thị trường tương lai kỳ vọng.

Thị trường đang theo dõi cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell để biết thêm manh mối về chính sách tiền tệ. Ngay sau quyết định giữ nguyên lãi suất của FOMC, thị trường chứng khoán Mỹ đã quay đầu giảm điểm, CNBC ghi nhận.

Cùng với 11 lần tăng lãi suất, Fed đang giảm bớt quy mô bảng cân đối kế toán. Kể từ khi bắt đầu quá trình thắt chặt định lượng, bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương này đã sụt hơn 1.200 tỷ USD. Tuyên bố của FOMC cho thấy Fed sẽ tiếp tục công việc.

Giờ đây, nhiều nhà kinh tế kỳ vọng rằng Fed có thể hạ cánh mềm nền kinh tế, tức là vừa giảm nhiệt lạm phát mà vừa không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP.

Hai báo cáo được công bố cùng ngày 31/1 cho thấy thị trường lao động và tiền lương đều đang chững lại.

Theo báo cáo của ADP, các công ty tư nhân tại Mỹ chỉ tuyển thêm 107.000 nhân công trong tháng 1. Con số này thấp hơn dự đoán của thị trường nhưng vẫn cho thấy thị trường lao động đang mở rộng.

Báo cáo khác của Bộ Lao động cho biết chỉ số chi phí việc làm, thước đo mà Fed theo dõi sát để phát hiện tín hiệu lạm phát thông qua tiền lương, chỉ nhích 0,9% trong quý IV, mức tăng nhỏ nhất kể từ quý II/2021.

Trong khi đó, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCEPI lõi, thước đo lạm phát ưa thích của Fed) tăng 2,9% so với cùng kỳ vào tháng 12/2023, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

 

Yên Khê