Fed đã bắt đầu suy nghĩ đến việc giảm tốc độ tăng lãi suất
Ý định “đi chậm lại” của Fed
Theo Reuters, các quan chức tại Fed đang chuyển sang tranh luận về một chủ đề mới, là ngân hàng trung ương Mỹ nên kéo chi phí đi vay lên tới đâu và khi nào cũng như bằng cách nào để làm chậm tốc độ tăng lãi suất trong tương lai.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters tuần trước, ông James Bullard - Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, nhận định: “Chúng tôi đang xác định nơi mình cần đến...cuộc tranh luận này sẽ nóng lên vào cuối năm nay”.
Tại một sự kiện ở California ngày 21/10, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco - bà Mary Daly đã góp thêm tiếng nói vào cuộc tranh luận.
Dù thừa nhận rằng lạm phát cao dai dẳng khiến Fed “rất khó” từ bỏ việc tăng lãi suất, bà Daly nhấn mạnh rằng “đã đến lúc chúng tôi cần bắt đầu cân nhắc về việc làm dịu chính sách tiền tệ”.
Tại cuộc họp tháng 11, Fed có thể sẽ phát tín hiệu cho thị trường, bởi các quan chức hiện đang cân nhắc về những rủi ro ngày càng lớn đối với tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa ghi nhận nhiều tiến bộ.
Ngân hàng trung ương Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ 4 liên tiếp. Tuy nhiên, ngay cả khi thị trường tin Fed sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất lớn khác tại cuộc họp tháng 12, nhiều người vẫn nghĩ Fed sẽ cần phải xả hơi.
Tóm lại, quá trình tăng lãi suất vẫn chưa kết thúc, nhưng các nhà hoạch định chính sách cảm thấy rằng có thể đã đến thời điểm mà các đợt tăng tiếp theo sẽ ở quy mô nhỏ hơn so với trước kia.
Đồng thời, họ cũng có thể đã gần đến ngưỡng mà Fed có thể tạm dừng việc thắt chặt chính sách để đánh giá lại toàn bộ quá trình, trong khi chờ nền kinh tế thích nghi với các điều kiện tín dụng vừa thay đổi.
Tín hiệu từ giới chức Fed có thể nhẹ nhàng và tinh tế, như cách Phó Chủ tịch Lael Brainard thể hiện trong bài phát biểu hồi đầu tháng này.
Khi đó, bà Brainard đã đề cập một vài lý do cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ cần thận trọng về việc thắt chặt chính sách hơn nữa, nhưng không công khai kêu gọi giảm tốc hoặc tạm dừng chu kỳ lãi suất.
Thông điệp cũng có thể thẳng thừng hơn. Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago - ông Charles Evans, đã cảnh báo về những rủi ro “phi tuyến tính” cực lớn đối với nền kinh tế nếu lãi suất vượt quá mức 4,6% mà Fed dự kiến vào tháng 9 rằng họ sẽ đạt được vào năm tới.
Ông Evans bày tỏ: “Chu kỳ thắt chặt chính sách đã thực sự bắt đầu đè nặng lên nền kinh tế”. Theo vị quan chức, ngay cả với triển vọng lãi suất hiện tại, ông cũng không chắc liệu Mỹ có tránh được suy thoái hay không.
Trong bối cảnh giới chức Fed ngày càng thể hiện rõ quan điểm hơn cũng như ngày càng nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng suy thoái có thể xảy ra vào năm tới, cuộc họp tháng 11 có thể là thời điểm Fed báo hiệu đã đến lúc phải đi chậm lại.
Tại cuộc họp báo sau phiên họp chính sách tháng 9, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát tín hiệu rằng đến “một lúc nào đó”, ngân hàng trung ương Mỹ cần phải làm như vậy. Kể từ sau đó, ông Powell chưa công khai thảo luận về chính sách tiền tệ lần nào.
Mong lạm phát không gây bất ngờ
Dữ liệu về lạm phát hiện chưa thể xoa dịu căng thẳng tại Fed. Trong tháng 9, chỉ số CPI toàn phần tăng 8,2% so với một năm trước. Fed sử dụng một thước đo khác cho mục tiêu lạm phát 2% của mình, nhưng chỉ số đó vẫn cao gấp ba lần mục tiêu, Reuters lưu ý.
Tăng trưởng việc làm vẫn tương đối mạnh và số lượng vị trí trống hiện lớn hơn nhiều so với số lượng người tìm việc. Các nhà tuyển dụng nói rằng họ vẫn gặp khó khăn khi tìm kiếm công nhân.
Song, ngay cả một số quan chức “diều hâu” nhất của Fed cũng tỏ ra sẵn sàng để nền kinh tế có thời gian bắt kịp với chính sách tiền tệ. Chia sẻ với Reuters, ông Bullard đồng tình rằng Fed nên kéo lãi suất chuẩn lên khoảng 4,6%, sau đó tạm dừng và đánh giá tình hình.
Dù vậy, ông Bullard muốn nhanh chóng đạt được mức lãi suất đó bằng hai đợt tăng 75 điểm cơ bản vào cuối năm nay và sau đó để chính sách tự phát triển trong năm 2023 dựa theo diễn biến của lạm phát.
Nhìn chung, kỳ vọng lạm phát của giới chức Fed đang được định hình bởi ba yếu tố chính. Chúng khiến các nhà hoạch định chính sách vừa muốn thận trọng với các đợt tăng lãi suất tiếp theo vừa muốn để ngỏ các lựa chọn của họ.
Các quan chức Fed thừa nhận lạm phát đã lan rộng và trở nên dai dẳng hơn so với dự đoán, đồng thời có thể mất nhiều thời gian hơn mới hạ nhiệt.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cũng đồng ý rằng tác động đầy đủ của chu kỳ tăng lãi suất có thể chưa thể hiện rõ ràng ngay trong vài tháng, ngay cả khi dữ liệu đã bắt đầu cho thấy áp lực đang dần thoái lui.
Chẳng hạn, giá xe - một trong các động lực thúc đẩy lạm phát trong giai đoạn đầu của đại dịch, đã giảm bớt. Các giám đốc trong ngành này kỳ vọng giá sẽ tiếp tục đi xuống trong thời gian tới.
Dữ liệu hàng tháng cho thấy giá thuê nhà cũng đang giảm và ngành bất động sản - một thước đo khác liên quan đến chi tiêu hộ gia đình, đang chững lại nhanh chóng khi lãi suất cho vay thế chấp trung bình 30 năm lên gần 7%.
Song, giới chức Fed cũng e ngại rằng lạm phát có thể gây bất ngờ. Họ hy vọng về những điều tốt nhất nhưng cũng chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Trong biên bản họp tháng 9, 17 trong 19 quan chức Fed nói rủi ro lạm phát “có nguy cơ gia tăng”.
Trong tình huống đó, ngay cả các quan chức sẵn sàng tăng lãi suất 75 điểm cơ bản cũng không muốn công chúng đánh đồng rằng các mức tăng nhỏ hơn trong tương lai là một sự “đảo chiều” chính sách.
Các quan chức “bồ câu” như ông Evans cũng nhất trí rằng chính sách tiền tệ nên tiến vào khu vực hạn chế tăng trưởng hơn và duy trì ở đó cho đến khi lạm phát bị khống chế, Reuters cho hay.
Một số khác thì đồng ý rằng ngay cả khi Fed chỉ nâng lãi suất 50 điểm cơ bản sau cuộc họp tháng 11, chu kỳ thắt chặt chính sách vẫn được tính là nhanh so với vài thập kỷ trở lại đây và có thể nhanh chóng kéo lãi suất chuẩn lên mức 5% hoặc cao hơn.
Vào những năm 1990, Fed đã từng kéo lãi suất lên mức đó. Ở thời điểm hiện tại, các nhà kinh tế cho rằng Fed cần phải đưa lãi suất lên trên mức 5% thì mới có thể ghìm cương lạm phát.