|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Fed coi virus corona là rủi ro mới của tăng trưởng kinh tế toàn cầu

13:22 | 20/02/2020
Chia sẻ
Tại biên bản cuộc họp chính sách tháng 1, Fed cho rằng sự bùng phát của virus corona là một trong những nguy cơ đe dọa đến triển vọng kinh tế toàn cầu.

Virus corona là rủi ro mới của tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 1 trong đó bày tỏ sự tin tưởng về thể trạng của nền kinh tế lớn nhất thế giới và cho biết lãi suất có thể sẽ không thay đổi trong một thời gian.

Fed coi virus corona là rủi ro mới của tăng trưởng kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp chính sách tháng 1 (Nguồn: CNBC).

Cũng theo biên bản này, các quan chức Fed dự kiến kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng vừa phải khi được hỗ trợ bởi các điều kiện tài chính và tiền tệ. Ngoài ra, những bất ổn thương mại đã giảm dần trong thời gian gần đây và tăng trưởng toàn cầu cũng cho thấy một số dấu hiệu ổn định. Tuy nhiên, những nguy cơ đe dọa đến triển vọng kinh tế vẫn còn, bao gồm cả sự bùng phát của virus corona.

Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) nhận định nếu virus corona lây lan, nó có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế Trung Quốc. Đồng thời, FOMC đưa ra những đánh giá về tác động của dịch bệnh này đối với đồng nhân dân tệ, vốn được đánh giá cao sau những diễn biến tích cực hồi cuối năm 2019.

"Số liệu GDP mới được công bố cho thấy sự tăng trưởng ở Trung Quốc và một số nền kinh tế châu Á khác, tuy nhiên sự bùng phát của dịch bệnh đã đặt ra câu hỏi về tính bền vững của sự tăng trưởng đó", biên bản cuộc họp viết.

Bên cạnh đó, FOMC cũng nhắc tới những tác động tiềm năng đối với chứng khoán, mặc dù thị trường vẫn đang hoạt động tốt.

"Những lo ngại về sự lây lan của virus corona và sự không chắc chắn về hậu quả kinh tế tiềm tàng của nó đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lí nhà đầu tư và dẫn đến sự sụt giảm thị giá của các tài sản rủi ro", biên bản cuộc họp cho biết.

Trước đó, Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất ba lần vào năm 2019 nhưng không thay đổi trong hai cuộc họp gần nhất.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed cho rằng việc giữ nguyên lãi suất cơ bản trong cuộc họp vừa qua sẽ giúp họ có thời gian đánh giá đầy đủ hơn về các tác động của các chính sách tiền tệ đối với các hoạt động kinh tế trong năm trước. Đồng thời, điều này cũng sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách tích lũy thêm thông tin về triển vọng kinh tế.

Quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed trong cuộc họp vừa qua diễn ra khi thị trường tài chính nhận định NHTW Mỹ sẽ thực ít nhất một lần cắt giảm trong năm nay, thậm chí là hai lần.

Giới đầu tư cho rằng nhiều khả năng sẽ có hai lần cắt giảm lãi suất trong năm, với lần đầu vào tháng 9 và lần thứ hai vào cuối năm nay.Tuy nhiên, biên bản cuộc họp tháng 1 của Fed lại lưu ý rằng lập trường chính sách tiền tệ hiện tại vẫn tiếp tục phù hợp, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không có thay đổi về lãi suất.

Thương mại và lạm phát sẽ là hai vấn đề cần theo sát

Vấn đề thương mại cũng được các quan chức Fed bàn luận tại cuộc họp vừa qua. Theo đó, một số thành viên của FOMC vẫn cho rằng tác động của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ tương đối hạn chế vì nhiều mức thuế vẫn còn được duy trì và căng thẳng giữa hai nước có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Do đó, biên bản cuộc họp cho biết chính sách của Fed sẽ linh hoạt nếu điều kiện thay đổi.

Ngoài các cuộc thảo luận về các vấn đề ngắn hạn, cuộc họp còn đưa ra đánh giá về định hướng chính sách dài hạn của Fed - cụ thể là cách NHTW Mỹ đạt được mục tiêu lạm phát 2%.

Tại cuộc họp, các thành viên FOMC đã thảo luận về ba kịch bản liên quan đến lạm phát cho thấy Fed sẽ sẵn sàng chấp nhận mức lạm phát cao hơn hoặc thấp hơn mục tiêu 2% trong một khoảng thời gian. Và thực tế điều này cũng đã được Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định trong cuộc họp báo sau cuộc họp.

"Chúng tôi muốn nhấn mạnh cam kết lạm phát 2% không phải là mức trần mà sẽ dao động trong khoảng 2% và chúng tôi không hài lòng với lạm phát dưới 2%", Chủ tịch Fed cho biết.


Quốc Thụy