Facebook và Tổng thống Trump, ai cần ai hơn?
Cuối năm 2019, trong một chuyến công tác đến Washington để điều trần trước Quốc hội Mỹ, nhà sáng lập Facebook - tỉ phú Mark Zuckerberg đã ăn tối riêng với Tổng thống Trump và nói lời tán tụng: "Chúc mừng ngài, ngài là nhân vật số một trên Facebook".
Đó là câu chuyện mà ông chủ Nhà Trắng kể lại vào tháng 1 năm nay. Trên thực tế, ông Trump không phải chính trị gia có nhiều người theo dõi nhất trên Facebook mà là cựu Tổng thống Barack Obama.
Tuy nhiên, là người tạo ra nhiều luồng tin tức có ảnh hưởng nhất nước Mỹ và cũng là nhà lãnh đạo chèo lái một chính phủ đang tích cực theo đuổi các vụ kiện chống độc quyền nhằm vào các ông lớn công nghệ, ông Trump rõ ràng có lợi thế trước Mark Zuckerberg.
Do đó, việc CEO Zuckerberg tâng bốc ông Trump cũng không hoàn toàn đáng trách. Khi ông Trump hài lòng, ông sẽ không đưa ra các qui định bất lợi cho Facebook hoặc tạo ra luồng tin tức xấu.
New York Times từng đưa tin, bữa tối giữa Mark Zuckerberg và ông Trump có thể liên quan đến một thỏa thuận liên quan đến việc Facebook sẽ không kiểm tra tính xác thực các bài đăng của ông Trump.
Tuy nhiên, nhà sáng lập Facebook cho hay anh chỉ ghé qua Nhà Trắng vì đang ở thủ đô. "Thật nực cười khi cáo buộc tôi và ông Trump dàn xếp sự vụ bên bàn ăn", Zuckerberg chia sẻ với Axios hồi tháng 7 năm nay.
Các nhân viên lâu năm và cựu nhân viên của Facebook nói Mark Zuckerberg không dễ bị ảnh hưởng bởi chính trị, điều anh ta quan tâm nhất có lẽ là mức độ phổ biến và tiềm năng phát triển của Facebook.
Do đó, giới phê bình cáo buộc Facebook đang "bắt tay" với Nhà Trắng, phớt lờ khi ông Trump phát tán thông tin sai lệch về vấn đề bỏ phiếu. Những tin giả này lại có thể khiến người thắng cử không được công nhận hoặc xoay chuyển cả cục diện cuộc bầu cử.
Trong quá khứ, Facebook được cho là quá thân thiện với Đảng Dân chủ dưới thời ông Obama. Tuy nhiên hiện nay, mạng xã hội lớn nhất hành tinh đang bắt đầu nghiêng về phía cánh hữu (Đảng Cộng hòa).
Mối quan hệ nồng ấm của Facebook và Tổng thống Trump tiếp tục sau ngày bầu cử năm 2016, khi Facebook ăn mừng chiến thắng của ông Trump. Một báo cáo nội bộ của Facebook còn ca ngợi chiến lược quảng cáo vượt trội của ông Trump trên mạng xã hội này vì làm theo sự tư vấn và huấn luyện của Facebook. Ngược lại, đối thủ của ông Trump là bà Hillary Clinton lại không nghe theo Facebook.
Đa phần nhân viên Facebook có tư tưởng tự do và họ coi việc xây dựng mối quan hệ với Đảng Cộng hòa là cái giá phải trả để làm ăn kinh doanh.
Tuy nhiên, khi Facebook an toàn thoát khỏi sự chú ý của công chúng trong các vụ bê bối lớn như cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016 hay vụ Cambridge Analytica, thái độ của Facebook đã thay đổi.
Từ niềm ngưỡng mộ miễn cưỡng dành cho ông Trump, Facebook dần nhận ra ông chủ Nhà Trắng đang sử dụng mạng xã hội này để công kích nhiều vấn đề mà nhân viên công ty quan tâm.
Khi nhân viên bắt đầu lo lắng về sự gần gũi của Facebook với Đảng Cộng hòa, M-Team (tức ban quản lí) của Facebook dường như lại càng muốn tiến gần về phe cánh hữu hơn.
Sáng sớm ngày 29/5, ông Trump đăng một thông điệp tới 29,5 triệu người theo dõi, cảnh báo người biểu tình ở Minneapolis rằng họ đang đứng trước nguy cơ gánh chịu hậu quả của bạo lực.
"Khi cướp bóc xảy ra, súng sẽ nổ", ông Trump viết, đồng thời đe dọa điều Vệ binh Quốc gia đến dẹp loạn.
Ông Trump cũng đăng nội dung tương tự trên Twitter, tuy nhiên bài viết nhanh chóng bị ẩn vì vi phạm qui định chống bạo lực của nền tảng này.
Trái với Twitter, Mark Zuckerberg chỉ chờ đợi và tham khảo ý kiến của các cấp dưới thân cận. Chiều ngày 29/5, chính Tổng thống Trump nói chuyện với Zuckerberg qua điện thoại. CEO Facebook bày tỏ thái độ phản đối bài đăng của ông Trump. Tuy nhiên, quan trọng là Zuckerberg đã nói bài đăng của ông chủ Nhà Trắng không vi phạm qui định của Facebook.
Bài đăng của ông Trump vẫn còn trên Facebook, còn các nhân viên bắt đầu chỉ trích Zuckerberg một cách công khai và tuồn tin cho báo chí. Ông Ryan Freitas - người phụ trách thiết kế sản phẩm cho "news feed" của Facebook, đăng tweet: "Mark thật sai lầm, tôi sẽ cố gắng hết sức có thể để khiến anh ta đổi ý".
Nhiều câu chuyện xuất hiện trong hai tháng tiếp theo khiến nhiều người thêm nghi ngờ về liên minh Trump - Facebook. Ví dụ, báo chí đưa tin Instagram (một mạng xã hội khác của Facebook) ẩn các hashtag tiêu cực về ông Trump nhưng hiển thị rất nhiều đối với ông Joe Biden.
Ngoài ra, nhân viên Facebook còn nhận thấy khác biệt trong cách Zuckerberg tương tác với ông Trump và đối thủ đến từ Đảng Dân chủ. Trong nhiều bức thư, các nhân viên cấp cao trong chiến dịch tranh cử của ông Biden chỉ ra các ví dụ cho thấy Facebook đạo đức giả và thiên vị với các bài đăng được cho là chia sẻ thông tin sai lệch về bầu cử Mỹ của ông Trump.
Cùng thời điểm bài đăng ngày 29/5 của Tổng thống Trump, ông Biden đã đăng một bức thư ngỏ yêu cầu Facebook ngăn chặn làn sóng thông tin sai lệch.
Facebook phản hồi: "Các nhà lãnh đạo do dân bầu nên đặt ra qui tắc và chúng tôi sẽ tuân thủ. Mỹ đang hướng đến một cuộc bầu cử vào tháng 11 nên chúng tôi sẽ bảo vệ các bài phát biểu chính trị, ngay cả khi chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm đó".
Dù Facebook đã tích cực loại bỏ nội dung sai lệch trong các năm qua, một số cựu nhân viên phàn nàn rằng họ bị phớt lờ hoặc bị gạt sang một bên vì các vấn đề chính trị.
Năm 2018, bà Yaël Eisenstadt - cựu nhân viên tình báo CIA, từng đề xuất phần mềm quét quảng cáo để tìm các bài đăng có thể cung cấp thông tin sai lệch về qui trình bỏ phiếu. Tuy nhiên, Eisenstadt cho biết đề xuất của bà đã bị từ chối vì vấn đề này chưa đủ khẩn cấp.
Năm 2019, Facebook quả thực đã đưa ra các qui tắc chống lại hành vi cung cấp thông tin không chính xác về qui trình bỏ phiếu, nhưng sau đó dừng áp dụng khi ông Trump thử thách qui tắc mới này.
Trong giai đoạn một tuần trước bài đăng về cướp bóc tại Minneapolis, ông Trump liên tục đăng tải thông tin sai lệch về bỏ phiếu qua thư. Các bài đăng này không bị gỡ, còn Zuckerberg lên Fox News để chỉ trích Twitter vì kiểm chứng bài đăng của ông Trump.
Sau đó, Zuckerberg đưa ra một kế hoạch mới: "chiến dịch thông tin bỏ phiếu lớn nhất lịch sử nước Mỹ", dự kiến có thể thu hút 4 triệu cử tri đăng kí đi bỏ phiếu. Facebook cũng thiết kế một "trung tâm thông tin bầu cử" gồm các dữ kiện thật từ các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, các liên kết trong những bài đăng ngày càng dày đặc của ông Trump về bỏ phiếu lại không cảnh báo người dùng nếu thông tin sai sự thật.
Hơn nữa, sau khi Đảng Cộng hòa phàn nàn về kế hoạch mới, Facebook dường như đã chùn bước và thu nhỏ qui mô kế hoạch, dù họ phủ nhận cáo buộc đang chịu áp lực chính trị.
Ngay cả khi nhân viên cáo buộc Facebook hỗ trợ cho nỗ lực tái tranh cử của ông Trump, Washington vẫn tiếp tục gây sức ép lên công ty. Tháng 5, ông chủ Nhà Trắng kí lệnh hành pháp đe dọa thu hồi quyền miễn trừ của các mạng xã hội, bao gồm Facebook nếu các nền tảng này có thành kiến chính trị.
Ở diễn biến khác, Bộ Tư pháp Mỹ đang chuẩn bị cho một vụ kiện chống lại đối thủ chính của Facebook là Google. Ông Trump cũng đang tấn công một đối thủ khác của Facebook - ứng dụng chia sẻ video TikTok.
Cho đến nay, thái độ sùng bái ông Trump của Mark Zuckerberg dường như đã giúp Facebook an toàn trước cơn giận giữ của vị tổng thống Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, ông Trump đang kém đối thủ Biden hơn 7 điểm % trong các cuộc thăm dò toàn quốc và nhiều khả năng chính quyền ông Biden sẽ tìm cách "nắn gân" Facebook.
Cựu Phó Tổng thống Biden từng nói: "Tôi chưa bao giờ ưa thích Mark Zuckerberg". Bản thân CEO Facebook cũng ý thức được rủi ro khi ông Trump thất cử. Zuckerberg từng nói với nhân viên rằng Facebook có thể phát triển tốt hơn dưới thời của Đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, Facebook cũng có thể thích ứng nếu ông Biden thắng cử.