|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông Trump ăn mừng thỏa thuận TikTok dù không đạt mục tiêu ban đầu

11:14 | 21/09/2020
Chia sẻ
Tổng thống Trump đặt bút kí thông qua thỏa thuận TikTok dù nhiều yêu cầu của ông không được đáp ứng, đặc biệt là lo ngại an ninh quốc gia vẫn còn nguyên. Giới quan sát lại có cơ hội nghi ngờ động cơ nào ẩn sau các quyết định thua thiệt của ông Trump trong thương vụ TikTok này.

Hồi tháng 6 năm nay, người dùng TikTok chơi khăm Tổng thống Trump bằng cách đặt hàng nghìn vé tham dự sự kiện tranh cử của ông tại bang Oklahoma nhưng không xuất hiện. Từ trước đó, ứng dụng chia sẻ video này đã nằm trong tầm ngắm của chính phủ Mỹ.

Đối với các diều hâu muốn Washington có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh và coi TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia, thất bại của ông Trump tại Oklahoma là thời điểm hoàn hảo để chộp lấy.

Tổng thống Trump, tức giận vì đại dịch COVID-19 và bẽ mặt vì các hàng ghế trống tại sự kiện tranh cử vào tháng 6, đã ngả theo phe diều hâu.

Vào tháng 7, ông Trump cáo buộc TikTok có liên quan tới chính sách chống dịch COVID-19 của Bắc Kinh và đe dọa sẽ cấm TikTok nếu chính phủ Trung Quốc không giao quyền kiểm soát các thuật toán và dữ liệu của TikTok cho một doanh nghiệp Mỹ. Ngoài ra, ông Trump cũng khẳng định Washington sẽ nhận được một khoản tiền từ thỏa thuận bán TikTok.

Ông Trump ăn mừng thỏa thuận TikTok dù thất bại - Ảnh 1.

Ông Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao ông thông qua thỏa thuận TikTok. (Ảnh: AFP)

Thỏa thuận thua thiệt

Thỏa thuận do Tổng thống Trump đặt bút kí vào ngày 19/9, chỉ vài giờ trước hạn chót 20/9, lại hầu như không đạt được các yêu cầu mà ông đặt ra.

Ông chủ Nhà Trắng nói ông muốn hoạt động của TikTok tại Mỹ phải do một công ty Mỹ kiểm soát. Tuy nhiên, công ty mẹ ByteDance vẫn là cổ đông lớn nhất trong phiên bản TikTok sắp thành lập với khoản đầu tư mới của Oracle và sau đó là của Walmart trong vòng gọi vốn sắp tới.

Ngoài ra, ông Trump còn nói ông muốn dữ liệu của TikTok nằm trong tay người Mỹ vì lí do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, bản thân thuật toán - thứ tạo nên thành công của TikTok, vẫn thuộc về ByteDance. Do đó, các chuyên gia nhận định các lo ngại về an ninh quốc gia chưa thể biến mất.

Còn về khoản thu tiềm năng của chính phủ từ thỏa thuận bán TikTok, đó chỉ là một lời hứa mơ hồ về 5 tỉ USD tiền thuế mới cho Bộ Tài chính Mỹ. ByteDance cho biết họ sẽ tạo một "sáng kiến giáo dục" để dạy trẻ em đọc và làm toán trực tuyến.

Sau cùng, ông chủ Nhà Trắng cho hay ông hài lòng với thỏa thuận này. Hôm 19/9, ông Trump nói: "ByteDance sẽ thành lập một quĩ qui mô rất lớn, đó chính là đóng góp mà tôi yêu cầu từ họ".

Tổng thống Trump chỉ dành được một phần chiến thắng. Ông Trump cho biết TikTok mới sẽ có trụ sở chính tại Texas và hứa sẽ thuê 25.000 nhân viên Mỹ, dù hiện tại chưa có thông tin chi tiết hay lịch trình tuyển dụng nào được công bố. Hội đồng quản trị của TikTok mới sẽ do người Mỹ điều hành.

Quan trọng nhất, việc ông Trump kí thông qua thỏa thuận bán TikTok giúp đặt dấu chấm hết cho một cuộc khủng hoảng chỉ 6 tuần trước cuộc bầu cử Mỹ.

"Đây là một thỏa thuận tuyệt vời cho nước Mỹ. Chúng ta sẽ có một công ty hoàn toàn mới, không liên quan đến bất kì thế lực nước ngoài nào, kể cả Trung Quốc. TikTok mới sẽ hoàn toàn bảo mật", Bloomberg dẫn lời ông Trump phát biểu hôm 19/9.

Động cơ chính trị

Các tuyên bố như trên đang khiến phe hoài nghi đi đến nhận định rằng ông Trump tấn công TikTok vì các lí do chính trị như có thể ông Trump cho rằng người dùng TikTok không thích ông hoặc để ngăn cản Trung Quốc.

Phe hoài nghi còn cho rằng Tổng thống Trump kí thông qua thỏa thuận dù chỉ đáp ứng một vài yêu cầu nhỏ của ông cũng vì lí do chính trị. Chẳng hạn, việc ông Trump trực tiếp chấp nhận thỏa thuận do nhà sáng lập Oracle Larry Ellison làm trung gian bị coi là mang đậm chất can thiệp chính trị.

Giáo sư Ari Lightman của Đại học Carnegie Mellon nhận định: "Chính phủ Mỹ nên quan tâm đến rủi ro an ninh quốc gia chứ không phải làm môi giới cho một thỏa thuận ngầm với một công ty Mỹ. Bạn phải tự hỏi, tại sao chính quyền ông Trump lại không hành động đúng đắn hơn?"

Đối với các diều hâu về an ninh quốc gia, một vấn đề then chốt là việc Trung Quốc kiểm soát dữ liệu của người dùng Mỹ. Các phần mềm và ứng dụng do Mỹ phát triển thường tạo được tiếng vang ở nước ngoài, ví dụ như Facebook và Twitter.

Tuy nhiên, TikTok là ứng dụng Trung Quốc đầu tiên phổ biến như thế tại Mỹ, điều đó cho phép Bắc Kinh sử dụng "quyền lực mềm" ở nước ngoài như họ khao khát từ lâu.

Đối với ông Trump, TikTok mang tính cá nhân hơn. Nhà Trắng từng rất tức giận khi người dùng TikTok đặt vé tham dự sự kiện của ông Trump ở thành phố Tulsa, bang Oklahoma vào ngày 20/6 nhưng không có mặt.

Cuộc mít tinh tại Tulsa được xem là sự kiện chiến dịch lớn đầu tiên của ông Trump sau nhiều tháng bị hoãn lại vì đại dịch COVID-19. Chiến dịch tranh cử của ông Trump dự đoán sẽ có hàng chục nghìn người tham dự. Cuối cùng, chỉ khoảng 6.000 người có mặt và ông Trump phát biểu trước rất nhiều hàng ghế trống trơn.

Cùng lúc, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đang tiến hành đánh giá bảo mật đối với TikTok. Cuộc điều tra bắt đầu từ việc ByteDance mua lại Musical.ly vào năm 2017 nhưng không báo cáo CFIUS. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn trong năm 2020 khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang.

Khi hạn chót 20/9 mà ông Trump đặt ra cho một thỏa thuận sắp đến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin phải vào cuộc. Tuần trước, một giải pháp dường như đã xuất hiện.

Bộ Tài chính Mỹ gửi cho ByteDance một bảng điều khoản nêu ra các điều kiện mới mà cuối cùng ông Trump cũng chấp thuận.

Cụ thể, 4 hoặc 5 người trong ban quản trị của TikTok mới phải là người Mỹ (bao gồm một đại diện từ Walmart). Đồng thời, một ủy ban an ninh quốc gia do người Mỹ đứng đầu phải được thành lập để giám sát các vấn đề an ninh mạng của TikTok phiên bản mới.

Ngoài ra, các bên nhất trí rằng công ty mới mà ông Mnuchin gọi là TikTok Global sẽ nộp hồ sơ IPO vào năm tới. Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg, định giá cho công ty mới rơi vào khoảng 60 tỉ USD.

Sự dàn xếp của ông Mnuchin đã thuyết phục những nhân vật quan trọng nhất trong ủy ban điều hành của CFIUS như Ngoại trưởng Mike Pompeo - một diều hầu có tư tưởng bài xích Trung Quốc nổi tiếng tại Washington.

Ngoài các điểm thiếu minh bạch về tỉ lệ sở hữu trong TikTok mới, giới quan sát còn nhận thấy sự can thiệp chính trị rõ ràng liên quan đến các nhà đầu tư mới.

CEO Safra Catz của Oracle đang làm việc cho nhóm chuyển tiếp của ông Trump và được coi là ứng viên tiềm năng cho các vị trí cấp cao trong chính quyền nếu ông Trump tái đắc cử, chẳng hạn như chức cố vấn an ninh quốc gia Mỹ hoặc chủ tịch World Bank.

Nhà sáng lập Larry Ellison đã tổ chức một buổi gây quĩ cho ông Trump và gặp gỡ ông Pompeo cùng các ông lớn công nghệ vào tháng 1 năm nay.

Không chỉ Oracle, câu chuyện tương tự cũng dính dáng đến Sequoia Capital - một nhà đầu tư lớn vào ByteDance và làm trung gian trong thương vụ TikTok.

Đối tác quản lí của Sequoia - ông Doug Leone đã tặng 50.000 USD cho chiến dịch của ông Trump và Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa. Cùng năm, ông Leone còn trao một khoản tương tự cho America First Action (môt siêu ủy ban ủng hộ ông Trump) dù ông Leoen được cho là không có quan hệ cá nhân với ông chủ Nhà Trắng.

"Có nhiều lí do tại sao công chúng nên nghi ngờ về động cơ thật sự đằng sau lệnh cấm TikTok của ông Trump, khi mà các hoạt động chính trị nguy hiểm đang diễn ra", bà Elsa Kania của Trung tâm New American Security cho hay.

Còn các chuyên gia bảo mật nói nguồn gốc mối lo ngại ban đầu về TikTok vẫn chưa được giải quyết, ngay cả khi Oracle và hội đồng quản trị Mỹ có cơ hội tiếp thuật toán và dữ liệu của TikTok.

Khả Nhân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.