|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Facebook và Instagram sẽ chấm dứt hoạt động tại châu Âu?

10:40 | 08/02/2022
Chia sẻ
Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook và Instagram cho biết họ có thể sẽ chấm dứt hoạt động của hai nền tảng này tại châu Âu do các quy định bảo vệ dữ liệu.
Facebook và Instagram co thể bị xóa khỏi châu Âu - Ảnh 1.

Facebook và Instagram có nguy cơ dừng hoạt động tại châu Âu. (Ảnh: Fox Business).

Theo CNBC, Meta - công ty mẹ Facebook, cho biết họ đang cân nhắc việc chấm dứt hoạt động của mạng xã hội Facebook và Instagram tại châu Âu nếu như công ty không thể tiếp tục chuyển dữ liệu người dùng về Mỹ. Thông báo được ông lớn mạng xã hội đưa ra trong báo cáo thường niên vào ngày 3/2.

Nhà chức trách châu Âu hiện đang soạn thảo dự luật mới quy định cách dữ liệu người dùng tại châu lục này chuyển về bên kia Đại Tây Dương.

Facebook cho biết: "Nếu một khuôn khổ truyền dữ liệu xuyên Đại Tây Dương mới không được thông qua, chúng tôi không thể tiếp tục dựa vào các SCC (các điều khoản hợp đồng tiêu chuẩn) hoặc các phương án tương tự để chuyển dữ liệu từ châu Âu đến Mỹ. Khi đó, chúng tôi sẽ không thể để cung cấp một số sản phẩm và dịch vụ quan trọng nhất của công ty, bao gồm Facebook và Instagram, ở Châu Âu."

Ngoài ra, Meta cho biết điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và gây bất lợi đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Tuy nhiên, các nhà chức trách châu Âu dường như không quan tâm đến vấn đề của Meta. "Họ không thể dùng cái cớ đó để buộc EU từ bỏ các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu", nhà lập pháp Axel Voss bình luận trên Twitter. Ông cho rằng việc hai nền tảng này dừng hoạt động tại châu Âu là tổn thất lớn của Meta.

Trước đó, Meta đã gặp những vụ việc tương tự. Vào tháng 8/2020, Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland (DPC) đã gửi cho Facebook một lệnh sơ bộ ngừng chuyển dữ liệu người dùng từ EU sang Mỹ. Trả lời CNBC hôm 7/2, một phát ngôn viên của Meta nói rằng công ty không có mong muốn và không có kế hoạch rút khỏi châu Âu. 

Song, nếu điều này xảy ra, rõ ràng Facebook đang có lý do của mình. Theo CNBC, Meta và nhiều doanh nghiệp, tổ chức và dịch vụ khác, dựa vào việc truyền dữ liệu giữa EU và Mỹ để vận hành các dịch vụ toàn cầu.

Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu của Ireland dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào nửa đầu năm 2022. Nếu không thể sử dụng SCC làm cơ sở pháp lý để truyền dữ liệu, Facebook sẽ phải loại bỏ phần lớn dữ liệu mà họ thu thập về người dùng châu Âu. DPC có thể phạt Facebook tới 4% doanh thu hàng năm, tương đương 2,8 tỷ USD nếu mạng xã hội lớn nhất hành tinh không tuân thủ.

Vào tháng 7/2020, Tòa án Công lý Châu Âu (EJC) đã ra phán quyết rằng tiêu chuẩn truyền dữ liệu giữa Liên minh Châu Âu và Mỹ không bảo vệ đầy đủ quyền riêng tư của công dân Châu Âu. 

Theo CNBC, tòa án, cơ quan pháp lý cao nhất của Liên minh Châu Âu, đã hạn chế cách các công ty Mỹ có thể gửi dữ liệu người dùng châu Âu vượt Đại Tây Dương. Họ cho rằng việc dữ liệu của công dân châu Âu được chuyển về Mỹ sẽ khó đảm bảo sự giám sát, các cơ quan an ninh của Mỹ hoàn toàn có thể yêu cầu Facebook hay Google "giao nộp" dữ liệu cá nhân của công nhân châu Âu và khi đó ai mà cản được họ.

Phán quyết của ECJ được đưa ra sau khi nhà hoạt động quyền riêng tư người Áo Max Schrems đệ đơn kiện vì những tiết lộ của Edward Snowden lập luận rằng luật pháp Mỹ không có sự bảo vệ thông tin cá nhân cần thiết trước quyền lực của nhà cầm quyền. 

Max Schrems đã đưa ra khiếu nại chống lại Facebook, giống như nhiều công ty khác, đang chuyển dữ liệu người dùng của anh ấy và những người dùng khác sang Mỹ. Phán quyết của tòa án đã vô hiệu hóa thỏa thuận Privacy Shield, cho phép các công ty gửi dữ liệu của công dân EU qua Đại Tây Dương. Kết quả là các SCC ra đời nhưng hiện tại, nó vẫn chưa giải tỏa bớt nỗi lo cho nhà chức trách EU.

Vượng Phát