Cơn ác mộng của Facebook lặp lại sau một thập kỷ: Liệu công ty có xoay chuyển thành công như đã từng?
Từng lội ngược dòng thành công trong quá khứ
Trước khi IPO vào năm 2012, Facebook đã từng gặp khó khăn. Khi ấy, tăng trưởng doanh thu có xu hướng chậm lại, chi phí tăng cao và công ty bị tụt lại phía sau so với các đối thủ cạnh tranh, theo CNN.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng hai năm, Facebook đã xoay chuyển tình thế. Trong ba tháng đầu năm 2014, doanh số bán hàng của nó đã tăng 72% so với cùng kỳ và lợi nhuận tăng gấp 3 lần khi công ty được cải tổ với phương châm "ưu tiên các thiết bị cầm tay".
Cú lội ngược dòng thành công của Facebook vào thời điểm đó đã trở thành huyền thoại và là tiền đề cho sự thống trị của Facebook ngày nay.
Một thập kỷ sau, công ty bây giờ đã được đổi tên thành Meta (mã: FB) lại tiếp tục đứng ở ngã ba đường tương tự. Meta đã gây sốc cho Phố Wall trong tuần qua khi công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận hàng quý giảm, tăng trưởng người dùng gần như đứng yên và triển vọng doanh thu ảm đạm. Điều này đã dẫn tới một ngày giao dịch tồi tệ nhất trong lịch sử của Facebook với tư cách là một công ty niêm yết.
Có vẻ như Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg có sẵn câu trả lời cho bài toán phát triển của công ty khi đề ra kế hoạch kết hợp giữa công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường, trong một dự án gọi là Metaverse - vũ trụ ảo.
Vị thuyền trưởng kỳ vọng dự án này sẽ là một cú chuyển mình của Facebook giúp xoay chuyển mọi thứ như những gì công ty đã làm một thập kỷ trước. Thậm chí, Zuckerberg còn tự tin gọi Metaverse là sự kế thừa của mobile internet.
Nhưng có một điểm khác biệt quan trọng đối với công ty của Zuckerberg giữa hiện tại và một thập kỷ trước, đó là: Trong khi công nghệ di động thời điểm đó đã là một nền tảng phát triển mạnh mẽ thì tầm nhìn vũ trụ ảo - về cơ bản là một thế giới ảo nhập vai, nơi mọi người có thể tương tác với bạn bè và người lạ thông qua hình đại diện kỹ thuật số - vẫn đang là tương lai, và cần mất nhiều năm nữa mới trở thành hiện thực.
Vào năm 2012, hàng trăm triệu chiếc smartphone đã được bán ra khi Facebook đổi hướng chiến lược tập trung vào thiết bị di động. Ngược lại, hiện tại ước tính chỉ có khoảng 9,4 triệu chiếc tai nghe VR - không phải là Metaverse nhưng là điều kiện cần - đã được xuất xưởng trong năm 2021, theo IDC. Công nghệ VR và AR cũng đang trong giai đoạn phát triển ban đầu.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Meta đang bị đe doạ tứ phía. Tệp người dùng đứng yên và có độ tuổi ngày càng cao. Hoạt động kinh doanh quảng cáo cốt lõi đang bị thách thức bởi những thay đổi trên iOS đến từ Apple. Và một loạt vụ bê bối đã đặt công ty vào tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, hạn chế các khả năng M&A,…
Một tương lai đầy bất định
Khi thế giới thực đang có quá nhiều vấn đề, Zuckerberg lại đặt cược vào vũ trụ ảo. Tuy nhiên, ngay đến bản thân Zuckerberg cũng thừa nhận rằng có những điều không chắc chắn ở phía trước.
Con đường không chỉ không được xác định chính xác mà còn có rất nhiều rào cản khác nữa và cực kỳ tốn kém. Đơn vị phát triển AR và VR của Meta đã tiêu tốn hơn 10 tỷ USD trong năm ngoái, theo báo cáo tài chính vừa công bố.
"Meta đang hy sinh mô hình kinh doanh cốt lõi của mình để theo đuổi Metaverse. Đặt cược vào vũ trụ ảo không phải là một điều tiêu cực - bởi công nghệ được thiết lập để tạo ra các cơ hội, nhưng sẽ mất ít nhất một thập kỷ nữa để cho thấy kết quả", Rachel Jones, nhà phân tích tại công ty phân tích dữ liệu GlobalData, nhận định.
Chưa kể, Facebook đã mất nhiều năm để phổ biến VR kể từ khi mua lại Oculus vào năm 2014, song đến nay kết quả đạt được vẫn thực sự rất ít.
Một số nhà quan sát còn suy đoán rằng việc Facebook đổi tên thành Meta và dốc toàn lực vào mô hình này trong năm ngoái, như là một cách để phân tâm khỏi các vấn đề hiện tại công ty đang vướng phải.
Những thay đổi trong bản cập nhật iOS của Apple đã thổi bay mảng kinh doanh quảng cáo của Meta, khiến việc theo dõi người dùng trên internet cho mục tiêu nhắm đối tượng và đo lường kết quả quảng cáo trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Một xu hướng khác có lẽ sẽ mang lại tiêu cực trong dài hạn cho Facebook đó là nền tảng này đã không thu hút được người dùng mới trong quý trước. Công ty chỉ ra nguyên nhân đến từ sự cạnh tranh gay gắt về thời gian của người dùng, bao gồm từ cả đối thủ TikTok đang phổ biến hơn trong giới trẻ.
Vào một thời điểm khác, có lẽ Meta đã tìm hướng tăng trưởng mới thông qua một thương vụ mua lại, tương tự như cách họ đã làm với Instagram vào năm 2012, hay như nỗ lực mua lại Snapchat vào năm 2013.
Tuy nhiên, không giống như thời điểm ấy, hiện tại có nhiều con mắt đang dõi theo các hoạt động của Facebook và các cơ quan chức năng chắc chắn sẽ không bỏ qua bất kỳ một thương vụ bom tấn nào mà Facebook thực hiện.
Kết luận lại, các nhà phân tích của UBS cho rằng với hầu hết những khó khăn hiện tại, Facebook khó lòng cải thiện doanh thu trong thời gian ngắn sắp tới. Nói cách khác, Facebook đã gặp phải một bức tường và không có cách nào dễ dàng để vượt qua nó.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/