|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuyển hướng công việc cho gần 70.000 nhân sự, Facebook đã đánh cược mọi thứ mình có vào metaverse như thế nào?

07:41 | 08/02/2022
Chia sẻ
Meta tạo ra hàng nghìn vị trí công việc mới trong "phòng thí nghiệm" sản xuất các phần mềm và phần cứng liên quan đến metaverse.

Người kỹ sư Instagram đã đóng đồ để chuẩn bị cho kỳ nghỉ vào tháng 12 thì lãnh đạo của anh yêu cầu tham gia một cuộc họp trực tuyến để nói về mục tiêu công việc trong năm 2022.

Cuộc thảo luận của họ xoay sang một hướng không ngờ đến. Hãy quên hết mục tiêu đi, sếp của anh nói. Để thành công ở Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, anh nên nộp đơn sang một vị trí khác ở đội ngũ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Đây là những bộ phận cần nhân sự, ông nói.

Vị kỹ sư, người đã làm việc tại Instagram trong hơn ba năm, cảm thấy bất ngờ khi ông cần phải nộp hồ sơ lại cho một công việc. Anh nói mình chưa quyết định sẽ làm gì tiếp theo.

Mark Zuckerberg, người sáng lập và CEO Meta, tuyên bố vào tháng 10 rằng Meta sẽ dành phần lớn nguồn lực cho metaverse (vũ trụ ảo). Với ý tưởng này, Meta sẽ mang đến cho người dùng các trải nghiệm và thế giới ảo xuyên suốt nhiều nền tảng phần mềm và phần cứng.

Kể từ thời điểm đó, nhiều nhân sự Meta cho biết Meta đang theo đuổi những chuyển đổi lớn. Meta tạo ra hàng nghìn vị trí công việc mới trong "phòng thí nghiệm" sản xuất các phần mềm và phần cứng liên quan đến metaverse. 

Nhiều quản lý đã thúc giục các nhân sự đang phát triển các sản phẩm mạng xã hội nộp hồ sơ cho các công việc liên quan đến thực tế ảo và thực tế mô phỏng. Meta đồng thời "câu" nhân sự kỹ thuật metaverse từ các công ty đối thủ như Microsoft hay Apple. Và Meta cũng đã đổi tên nhiều sản phẩm, ví dụ như thiết bị đeo VR Oculus, sang tên gọi Meta.

Facebook đã đánh cược mọi thứ mình có vào metaverse như thế nào? - Ảnh 1.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook, đổi tên công ty thành Meta đồng thời đánh cược tương lai công ty vào metaverse. (Ảnh: AFP).

Những thay đổi nới trên là những thay đổi lớn nhất mà Meta thực hiện kể từ năm 2012 khi Mark Zuckerberg tuyên bố Facebook sẽ chuyển đổi mạng xã hội của nó từ máy tính lên các thiết bị di động. 

Lúc đó, công ty thực hiện tái cấu trúc và dành nhiều nguồn lực cho các phiên bản thân thiện với thiết bị di động của các sản phẩm mà nó đang phát triển. Thay đổi này mang đến thành công lớn và nhiều năm tăng trưởng sau đó.

Thế nhưng đợt thay đổi lần này của Facebook mang lại nhiều thách thức hơn. Meta đang có hơn 68.000 nhân sự, gấp hơn 14 lần quy mô của nó vào năm 2012. Giá trị công ty cũng tăng lên gấp nhiều lần. Mô hình kinh doanh của Meta vẫn xoay quanh quảng cáo số và mạng xã hội. 

Và mặc dù thay đổi lần này có thể giúp Meta có lợi thế xuất phát sớm hơn ở cuộc cách mạng internet tiếp theo, metaverse nhìn chung vẫn là một ý tưởng mang tính "lý thuyết" – khác với chuyển đổi năm 2012 bởi khi đó smartphone đã được đón nhận rộng rãi.

Nguồn tin nội bộ nói rằng kết quả của sự thay đổi là các đứt gãy bên trong. Trong khi nhiều nhân sự hào hứng với sự chuyển đổi của Meta, không ít đặt ra câu hỏi rằng liệu Meta có đang vội vã phát triển các sản phẩm mới mà không giải quyết các vấn đề hiện hữu (ví dụ như thông tin sai lệch lan tràn) trên các nền tảng mạng xã hội của nó. 

Một nhân sự Meta chia sẻ rằng nhân sự được kỳ vọng sẽ đón nhận các thay đổi theo hướng tích cực hoặc nghỉ việc. Một số người bất đồng với mục tiêu mới đã rời đi.

Tập trung vào metaverse đồng nghĩa với các sản phẩm mạng xã hội của Meta như Facebook và Instagram rơi vào tình trạng bấp bênh, hai nhân sự của Meta chia sẻ. Tại Facebook và Instagram, nhiều đội nhóm đã giảm quy mô trong 4 tháng qua, nguồn tin cho biết. Bên cạnh đó, ngân sách cho các đội ngũ này cũng có thể sẽ bị điều chỉnh giảm trong nửa sau năm 2022 so với năm trước đó.

Một người phát ngôn của Meta nói với The New York Times rằng phát triển metaverse không phải là ưu tiên duy nhất của công ty. Ông nói thêm rằng Meta cũng chưa thực hiện cắt giảm nhân sự lớn đối với các đội ngũ hiện tại liên quan đến định hướng mới.

Adam Draper, giám đốc điều hành Boost VC, một công ty đầu tư mạo hiểm chuyên đầu tư vào các công ty sở hữu "công nghệ kiểu khoa học viễn tưởng", nhận định rằng định hướng mới của Meta được thực hiện vào một thời điểm phù hợp.

"Sẽ có những quốc gia và nền kinh tế được xây dựng kỹ thuật số thông qua VR/web3, và chúng ta mới chỉ đang ở điểm bắt đầu", ông nói. Ông đồng thời khẳng định Meta đang đi đầu ở mảng thực tế ảo với những thiết bị như Oculus. "Đây là tương lai như kiểu khoa học viễn tưởng nhưng Meta đang thực hiện các nước đi dũng cảm để biến nó thành sự thật".

Facebook đã đánh cược mọi thứ mình có vào metaverse như thế nào? - Ảnh 2.

Mark Zuckerberg giới thiệu ý tưởng metaverse hồi tháng 10 năm ngoái với avatar của ông đang chơi bài với những avatar khác trong thế giới ảo. (Ảnh: Meta).

Đợt chuyển hướng sang metaverse của Meta diễn ra từ thượng tầng. Hồi tháng 9, Mike Schroepfer, giám đốc công nghệ lâu năm của Meta, cho biết ông sẽ rời công ty vào cuối năm 2022. Thay thế cho vị trí của ông là Andrew Bosworth, người quản lý phát triển các sản phẩm như thiết bị đeo Oculus trong vài năm trở lại đây.

Việc thay thế nhân sự nói trên cho thấy Mark Zuckerberg cực kỳ nghiêm túc với ý tưởng metaverse. Hai người gặp nhau ở một lớp học trí tuệ nhân tạo của đại học Harvard. Khi đó, Mark Zuckerberg là một sinh viên còn Bosworth là trợ giảng. Họ giữ liên lạc sau khi Mark Zuckerberg thôi học. Cuối cùng, Bosworth chuyển tới Thung lũng Silicon để làm việc cho Zuckerberg.

Từ thời điểm đó, Bosworth được Mark Zuckerberg giao phó nhiều dự án mới. Năm 2012, Bosworth được giao nhiệm vụ phát triển sản phẩm quảng cáo di động. Sau các vấn đề quản trị tại bộ phận thực tế ảo Oculus, Mark Zuckerberg yêu cầu Bosworth tiếp quản bộ phận này từ tháng 8/2017 đồng thời sau đó đổi tên bộ phận này thành Reality Labs.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Meta tuyên bố sẽ tạo ra 10.000 công việc liên quan đến metaverse tại Châu Âu trong 5 năm tới. Cùng tháng, Mark Zuckerberg đổi tên Facebook thành Meta và cam kết sẽ đầu tư thêm nhiều tỷ USD vào mảng này.

Reality Labs hiện tại là tâm điểm của đợt chuyển đổi sang metaverse của Meta, nguồn tin nội bộ chia sẻ. Các nhân sự sản phẩm, kỹ thuật và nghiên cứu được khuyến khích ứng tuyển các vị trí tại Reality Labs trong khi đó những người làm việc ở bộ phận mạng xã hội được yêu cầu xử lý công việc tương tự song tập trung vào khía cạnh metaverse.

Trong số hơn 3.000 công việc Meta đang tuyển dụng, hơn 24% dành cho mảng VR và AR. Thực tế, đợt tuyển dụng nội bộ cho metaverse của Meta đã được khởi động từ cuối năm ngoái. Nhiều nhân sự được quản lý nói về các công việc liên quan đến metaverse vào tháng 12 và tháng 1. Những người không được chào đón với nhiệm vụ mới rời công ty.

Một cựu nhân sự chia sẻ rằng ông rời công ty vì cảm thấy công việc của mình với Instagram không còn giá trị với công ty. Trong khi đó, một nhân sự khác cho biết Meta không phải công ty tốt nhất để tạo ra metaverse và rời đi để tìm việc tại một đối thủ của nó. Cùng lúc, Meta tuyển nhiều nhân sự tương tự từ Microsoft hay Apple.

Nhân viên Meta cũng được yêu cầu đóng góp cho những thay đổi bên trong công ty theo một cách khác. Hồi tháng 11, nhân viên được yêu cầu đăng ký tham gia Dự án Aria. Đây là dự án thu thập dữ liệu cho kính AR.

Nhân viên tham gia dự án này sẽ đeo kính và thu thập dữ liệu thông qua các camera và cảm biến của thiết bị. Để giảm những lo ngại về riêng tư của mọi người, nhân viên tham gia dự án sẽ mặc một chiếc áo T-shirt có biểu tượng cho thấy họ là một "người tham nghiên cứu". Meta nói rằng người tham gia không thể xem hoặc nghe các dữ liệu thô mà kính thu thập được.

Nhân viên cũng được yêu cầu đăng ký thử nghiệm Oculus Quest và sử dụng nó đối với phần mềm họp trực tuyến Horizon Workrooms. Meta hiện cũng đang phát triển nhiều thiết bị công nghệ đeo khác, bao gồm đồng hồ thông minh với các tính năng theo dõi hoạt động – sức khoẻ.

Trong cuộc họp nội bộ, bà Sheryl Sandberg, giám đốc điều hành Meta, khẳng định bà "hào hứng" với những cơ hội vô tận mà metaverse mang lại.

Nhiều nhân sự thể hiện sự nhiệt thành của mình bằng cách "thả tim" chia sẻ nói trên. Thế nhưng, trong một nhóm kín trò chuyện giữa các kỹ sư, không ít nhân sự lại tỏ ra hoài nghi với những gì đang diễn ra.

Thái Sơn

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.