|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVN: Nguồn điện bổ sung ở miền Trung, Nam cũng không hỗ trợ được cho miền Bắc do hạn chế kỹ thuật

16:02 | 07/06/2023
Chia sẻ
EVN cho biết giới hạn về mặt kỹ thuật để bảo đảm vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam nên các nguồn điện bổ sung ở miền Trung và miền Nam cũng không hỗ trợ được cho miền Bắc.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo một số vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV.

Cụ thể, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) băn khoăn về vấn đề tại sao lại nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc mà không mua điện gió và điện mặt trời của các dự án trong nước.

Phản hồi về vấn đề này, EVN cho biết tại buổi trao đổi với một số cơ quan báo chí về tình hình cung cấp điện và một số vấn đề liên quan vào ngày 24/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ, trong đó nhập từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, Trung Quốc 4 triệu kWh/ngày.

Trong khi đó,sản lượng điện toàn quốc là trên 850 triệu kWh/ ngày, riêng miền Bắc khoảng 450 triệu kWh/ngày trong khi tổng sản lượng điện nhập khẩu khoảng hơn 10 triệu kWh/ngày nên tỷ trọng điện nhập khẩu rất thấp, chưa tới 1,3% toàn quốc.

Những nguồn này không hẳn là thiếu mới nhập. Chúng ta đã mua điện của Trung Quốc từ năm 2005. Còn nhập khẩu điện từ Lào theo hiệp định liên Chính phủ. Chúng ta cũng bán điện sang Campuchia từ rất lâu dựa trên các hiệp định giữa các nước láng giềng với nhau”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.

Còn liên quan đến việc mua điện gió, điện mặt trời, EVN cho biết các dự án năng lượng tái tạo thời gian qua phát triển mạnh nhưng chủ yếu chỉ nằm ở khu vực miền Trung và miền Nam, trong khi khó khăn về cung cấp điện trong một số thời điểm lại diễn ra ở miền Bắc.

Đồng thời, do giới hạn về mặt kỹ thuật để bảo đảm vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam nên các nguồn điện bổ sung ở miền Trung và miền Nam cũng không hỗ trợ được cho miền Bắc.

Về việc đàm phán, ký hợp đồng mua bán điện các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, EVN thông tin tính đến 17h30 ngày 2/6 đã có 65/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3643,8 MW gửi hồ sơ cho công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.

Trong đó có 56 dự án với tổng công suất 3087,6 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21 của Bộ Công Thương.

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 51/56 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án.

Có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62 MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.

19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 24 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Các dự án/phần dự án còn lại đang hoàn tất chương trình thử nghiệm, hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan (quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư về tiến độ thực hiện của dự án, quyết định giao đất, giấy phép xây dựng, giấy phép hoạt động điện lực, kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền...) để đủ điều kiện đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất.

Hoàng Anh