Các dự án điện tái tạo không nằm trong quy hoạch sẽ được xử lý như thế nào?
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 3/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết tính đến 17h30 ngày 31/5/2023, có 7 dự án với tổng công suất 430 MW đã chính thức được phát điện thương mại lên lưới. Ngoài ra, có 40 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm.
Có 59/85 dự án với tổng công suất 3.390 MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 50 dự án (tổng công suất 2.751,6 MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 46/50 dự án.
Tuy nhiên, vẫn có 26 nhà máy điện chuyển tiếp (công suất khoảng 1,346 MW) chưa gửi hồ sơ đến EVN để đàm phán giá điện.
Đối với việc giải quyết đối với các dự án điện gió, điện mặt trời không nằm trong quy hoạch ngày 15/5, Thủ tướng đã phê duyệt Quyết định số 500/QĐ-TTg Quy hoạch điện VIII, trong đó chỉ nêu tổng công suất các nguồn điện gió, điện mặt trời dự kiến phát triển đến năm 2030, không có tên dự án cụ thể. Trong đó, điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời… cũng đã nêu rất rõ, cụ thể từng chỉ số.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch theo nhiệm vụ Thủ tướng giao, khi đó sẽ cụ thể hóa quy mô công suất, tiến độ các dự án theo từng địa phương để báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt, làm cơ sở triển khai theo quy định.
Tuy nhiên, đối với các dự án không nằm trong quy hoạch, hiện nay Bộ Công Thương đã có những văn bản, những hướng dẫn để giải quyết vấn đề này.
Căn cứ quy định tại Luật điện lực và Luật giá, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT và Quyết định số 21/QĐ-BCT làm cơ sở cho EVN và các dự án chuyển tiếp thỏa thuận giá điện đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã ban hành 10 công văn chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc EVN và các Chủ đầu tư khẩn trương đàm phán thống nhất giá điện đảm bảo nguyên tắc giá điện với lợi nhuận hợp lý, các dự án tuân thủ quy định pháp luật và không vượt quá khung giá phát điện.
"Chúng tôi cũng thấy rằng, việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án là cần thiết, tuy nhiên ngoài vấn đề cơ chế giá điện, các dự án phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy…", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Bộ Công Thương đã thường xuyên làm việc trực tiếp với EVN và các nhà máy điện chuyển tiếp để trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo xử lý.
Đồng thời Bộ cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể cho EVN cũng như gửi các địa phương để kịp thời hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
"Chúng tôi nghĩ rằng, với sự thiện chí theo đúng như Thủ tướng vẫn nói, chúng ta phải hài hòa, chia sẻ rủi ro, tuân thủ quy định của pháp luật, chúng ta phải căn cứ vào đó.
Rất mong, trong thời gian sớm nhất, những dự án này khắc phục những vướng mắc, khó khăn. Đối với các địa phương, cũng rất mong hỗ trợ cho các dự án này để sớm đưa các dự án này vào lưới điện, bảo đảm được điện cho sản xuất cũng như đời sống của người dân" ông nói.