|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVFTA: Cam kết về thuế xuất khẩu và hàng tân trang

16:10 | 04/08/2020
Chia sẻ
Trong EVFTA, Việt Nam đã bảo lưu quyền áp dụng thuế xuất khẩu đối với 526 dòng thuế; trong đó có các sản phẩm quan trọng như dầu thô, than đá.

Thuế xuất khẩu

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, về nguyên tắc, Việt Nam và EU cam kết không đánh thuế xuất khẩu đối với hàng hóa khi xuất khẩu từ lãnh thổ một bên sang bên kia. 

Lí do của cam kết cắt giảm thuế xuất khẩu là nhiều nước trên thế giới coi việc đánh thuế xuất khẩu là một hình thức trợ cấp gián tiếp dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa hàng hóa các nước.

Trong Hiệp định EVFTA, Việt Nam đã bảo lưu quyền áp dụng thuế xuất khẩu đối với 526 dòng thuế, trong đó có các sản phẩm quan trọng như dầu thôthan đá (trừ than để luyện cốc và than cốc). 

Đối với các dòng thuế có mức thuế xuất khẩu hiện hành tương đối cao, Việt Nam cam kết mức trần thuế xuất khẩu về 20% trong thời gian tối đa 5 năm (riêng quặng mangan có mức trần 10%). 

Với các sản phẩm khác, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu theo lộ trình tối đa 16 năm.

Cam kết EVFTA: Thuế xuất khẩu và hàng tân trang - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: dinheirovivo)

Hàng tân trang

Theo Hiệp định EVFTA, hàng tân trang là hàng hóa được phân loại tại Chương 84, 85, 87, 90 và 9402, ngoại trừ hàng hóa được liệt kê tại Phụ lục 2-A-5 của Hiệp định (Danh mục loại trừ đối với hàng tân trang), theo đó hàng tân trang:

- Được cấu tạo hoàn toàn hoặc một phần từ các bộ phận của sản phẩm đã được sử dụng trước đó;

- Có tính năng hoạt động và các điều kiện làm việc cũng như tuổi thọ tương tự như sản phẩm mới nguyên bản, được bảo hành như hàng mới.

Hai bên cam kết sẽ đối xử với hàng tân trang như đối với hàng mới tương tự. Điều này có nghĩa là Việt Nam cho phép nhập khẩu hàng tân trang có xuất xứ EU với mức thuế nhập khẩu, các loại thuế và phí khác tương tự như hàng mới cùng loại. 

Cam kết này không ngăn cản một bên quyền được yêu cầu dán nhãn đối với hàng tân trang, nhằm tránh gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng. 

Việt Nam có thời gian chuyển đổi là ba năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực để thực thi nghĩa vụ này.

Phùng Nguyệt