|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Eurocham khuyến nghị truy xuất nguồn với sản phẩm chăn nuôi

07:30 | 20/03/2019
Chia sẻ
Eurocham kiến nghị đẩy nhanh tiến trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới sản phẩm chăn nuôi giữa lúc dịch tả heo đang bùng phát trong nước.
Eurocham khuyến nghị truy xuất nguồn với sản phẩm chăn nuôi - Ảnh 1.

Một trại heo ở Đồng Nai. Ảnh: Thành Hoa.

Theo Sách trắng 2019 của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực chăn nuôi lợn hiện nay cho thấy lộ trình phát triển ngành theo định hướng sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn và bền vững đang gặp “khá nhiều thách thức”.

"Chúng tôi cho rằng việc tái cấu trúc ngành là hết sức quan trọng", trích Sách Trắng.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, sự bùng phát dịch tả heo châu Phi có thể dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung trong thời gian tới.

Hiện nay, dù Luật An toàn Thực phẩm đã quy định nhưng vẫn chưa có hệ thống truy xuất nguồn gốc bắt buộc. Gần đây, có một số hệ thống truy xuất nguồn gốc “tự nguyện” được thiết lập tại địa phương đối với sản phẩm trứng và rau quả. Tuy nhiên, theo quan điểm của Eurocham, Chính phủ nên bắt đầu áp dụng các hệ thống truy xuất theo hướng “bắt buộc”.

Việc thiếu hệ thống truy xuất mang tính bắt buộc đang làm suy giảm niềm tin của người dân vào ngành nông nghiệp và thị trường Việt Nam, dẫn đến giảm giá bán và gây thiệt hại uy tín không thể khắc phục. Hơn nữa, sự bùng phát căn bệnh nguy hiểm, trong đó có dịch lở mồm long móng và dịch tả heo châu Phi, sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng về uy tín của ngành nông nghiệp và của quốc gia.

Eurocham tin rằng, hệ thống nhận diện và theo dõi cho phép truy xuất nguồn gốc là công cụ hữu ích để khởi tố người vi phạm và giúp cải thiện uy tín về an toàn thực phẩm của Việt Nam.

Hệ thống nhận diện cho phép truy xuất thông tin về từng sản phẩm vật nuôi bao gồm trang trại nơi động vật được sinh sản, địa điểm chăn nuôi và lò giết mổ cũng như các công ty chịu trách nhiệm vận chuyển.

Eurocham kiến nghị chi phí đầu tư cho hệ thống đăng ký này phải do nhiều bên đóng góp. Khoản đầu tư ban đầu để thiết kế và xây dựng hệ thống nên do nhà nước đầu tư.

Sau đó, chi phí vận hành hệ thống nên được duy trì bằng phí thu từ ngành nông nghiệp. Mỗi hộ sản xuất, doanh nghiệp vận chuyển và doanh nghiệp chế biến cần đóng một mức phí cố định hàng năm để đăng ký và tham gia vào hệ thống. Đối với mỗi vật nuôi muốn đăng ký, doanh nghiệp cần trả thêm một khoản phí nữa, nghĩa là các cơ sở chăn nuôi lớn hơn sẽ trả phí cao hơn.

“Khi vấn đề an toàn thực phẩm được chú trọng, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm sang Liên minh châu Âu và các thị trường khác”, trích sách Trắng 2019.

Thực tế, ngành chăn nuôi heo đang phải đối mặt với thách thức to lớn khi dịch tả heo châu Phi (ASF) đã bùng phát tại 4 tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên và Thanh Hóa. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tất cả heo nhiễm bệnh đã bị tiêu hủy.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đang xem xét một số giải pháp ứng phó như hạn chế, thậm chí ngăn cấm vận chuyển heo tùy theo khu vực, thời điểm và tình hình dịch bệnh.

Mặc dù vậy, Bộ NN&PTNT cảnh báo các địa phương không chủ quan về nguy cơ dịch ASF lan rộng do buôn lậu vật nuôi xuyên biên giới và du lịch, do virus ASF có thể tồn tại trong thời gian dài ở điều kiện thời tiết rất lạnh và rất nóng, ngay cả trong các sản phẩm thịt heo sấy khô hoặc đã giết mổ.

Do dịch ASF xâm nhiễm vào Việt Nam, cùng với lượng thịt nhập khẩu gia tăng khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, giá heo hơi trong nước năm 2019 dự báo sẽ diễn biến khó lường.

Bên cạnh đó, xuất khẩu sản phẩm thịt lợn dự báo sẽ gặp khó khăn do dịch ASF. Hiện Philippines đã đưa Việt Nam vào danh sách không thể xuất khẩu thịt heo và sản phẩm từ heo sang quốc gia này vì dịch ASF.

Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại Lai ChâuXuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại Lai Châu Hà Nội chi hơn 14 tỉ đồng để chống dịch tả heo châu PhiHà Nội chi hơn 14 tỉ đồng để chống dịch tả heo châu Phi Giá heo hơi hôm nay 19/3: Dịch ASF kéo dần vào Nam, giá heo tiếp tục lao dốcGiá heo hơi hôm nay 19/3: Dịch ASF kéo dần vào Nam, giá heo tiếp tục lao dốc

Thùy Dung