EU sẽ còn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Mỹ trong thập kỷ tới
Trả lời phỏng vấn trang Financial Times, bà Ditte Juul Jørgensen Tổng Giám đốc Năng lượng của Ủy ban châu Âu, cho biết EU có “các công cụ cần thiết” để chịu đựng một cuộc khủng hoảng năng lượng mùa đông khác sau hậu quả của căng thẳng Nga-Ukraine. Công cụ đó bao gồm việc tích trữ và tạo ra nhiều năng lượng tái tạo hơn.
Tuy nhiên, bà cho biết EU sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Mỹ.
“Chúng ta vẫn cần dùng đến nhiên liệu hoá thạch trong vài thập kỷ tới. Trong bối cảnh đó, EU sẽ vẫn cần đến nguồn cung năng lượng từ Mỹ”, bà Jørgensen, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở New York.
Tuyên bố này là một trong những tín hiệu mạnh mẽ nhất từ Brussels rằng các quốc gia EU sẽ tiêu thụ LNG của Mỹ trong thời gian tới bất chấp những lo ngại của một số chính trị gia và các nhà vận động môi trường rằng điều này có thể làm sứt mẻ các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của khối.
Brussels đang tiến hành một cuộc đấu tranh chặt chẽ giữa nhu cầu tăng cường an ninh năng lượng bằng cách loại bỏ khí đốt của Nga và đạt được mục tiêu về lượng khí thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Đến năm 2030, lượng khí thải chỉ bằng một nửa so với năm 1990.
Sau khi căng thẳng Nga - Ukraine nổ ra vào năm ngoái, EU đã ký một hiệp ước vào Mỹ nhằm đảm bảo có thêm 50 triệu khối LNG mỗi năm cho đến ít nhất là năm 2030. Thỏa thuận này được thực hiện trên cơ sở phù hợp với các mục tiêu về khí hậu của EU - Mỹ và cả hai bên sẽ nỗ lực giảm nhu cầu khí đốt.
Các nhà phân tích cho rằng tuyên bố của bà Jørgensen sẽ giúp dọn đường cho những người mua châu Âu, những người đang do dự khi ký hợp đồng mua khí đốt với các nhà cung cấp Mỹ sau mốc thời gian năm 2030.
Ông Fauzeya Rahman, nhà phân tích LNG tại công ty tư vấn ICIS, cho biết: “Đối với các nhà phát triển Mỹ đang cố gắng sắp xếp các giao dịch, đó là một tín hiệu thực sự tích cực đối với họ”.
Xuất khẩu LNG của Mỹ sang EU đã tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái, lên 56 tỷ mét khối vào năm 2022, từ mức 22 tỷ mét khối một năm trước đó.
Cuối năm 2022, khí đốt của Nga chiếm 16% lượng khí đốt nhập khẩu của EU, giảm từ mức 37% vào tháng 3/2022.
Trong khi dòng chảy qua đường ống của Nga chững lại thì việc vận chuyển LNG từ Nga sang châu Âu vẫn ở mức cao kỷ lục. Đầu tháng này, Bộ trưởng năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten đã kêu gọi khối cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga.
Trong khi đó, các công ty LNG của Mỹ tiếp tục ký các thỏa thuận cung cấp dài hạn mới với châu Âu.
Cheniere Energy, nhà xuất khẩu LNG lớn nhất của Mỹ, đã đồng ý hai hợp đồng với Equinor và BASF có trụ sở tại Châu Âu trong năm nay, hứa hẹn sẽ cung cấp 2,55 triệu tấn mỗi năm qua Đại Tây Dương cho đến những năm 2040.
Ông Anatol Feygin, Giám đốc Thương mại của Cheniere cho biết: “Chúng tôi tiếp tục nhận thấy nhu cầu đáng kể về khí đốt tự nhiên ở châu Âu trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là đối với người dùng cuối, những người coi trọng mối quan hệ hợp tác lâu dài và an ninh nguồn cung”.
Venture Global LNG, một nhà xuất khẩu khác của Mỹ, đã ký hợp đồng 20 năm để cung cấp 2,25 triệu tấn nhiên liệu mỗi năm cho công ty nhà nước SEFE của Đức. Cùng với hợp đồng 20 năm với EnBW được ký vào tháng 10, Venture Global dự kiến sẽ trở thành nhà cung cấp LNG lớn nhất của Đức.
Tuy nhiên, một số chính trị gia và nhà vận động châu Âu ngày càng lo ngại rằng việc xây dựng các trạm nhập khẩu khí đốt và ký kết hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp Mỹ sẽ khiến các mục tiêu về khí hậu của EU gặp rủi ro.
Ông Ciaran Cuffe, một thàng viên Đảng Xanh của Ireland, cho biết: “Cơ sở hạ tầng sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng đi ngược lại mục tiêu này”.
“Việc tăng cường sự phụ thuộc của chúng ta vào LNG và khí đốt bằng công nghệ thuỷ lực cắt phá (fracking) là thiển cận. Cuối cùng, trọng tâm của chúng ta phải là giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo là ưu tiên hàng đầu và kết quả hiện tại đã vượt quá mong đợi”, ông nói.
Ban kế hoạch Ireland tuần trước đã từ chối phê duyệt việc xây dựng một trạm nhập khẩu LNG nổi của New Fortress Energy có trụ sở tại Mỹ, nói rằng điều đó sẽ “không phù hợp” trước khi xem xét nguồn cung năng lượng của nước này.