Elon Musk có nguy cơ mắc lại sai lầm tai hại của ‘ông hoàng xe hơi’ Henry Ford khi đang ở đỉnh cao danh vọng?
Điểm tương đồng
Elon Musk và Henry Ford là những ông trùm xe hơi có tầm nhìn xa trông rộng đã trở thành những doanh nhân giàu có và nổi tiếng nhất nước Mỹ.
Đáng tiếc là với việc dấn thân vào thế giới mạng xã hội, CEO Tesla có thể đang vô tình tái hiện lại giai đoạn rắc rối nhất, đáng thất vọng nhất trong sự nghiệp của Henry Ford, tờ Barron's nhận xét.
Năm 1918, Henry Ford đang ở đỉnh cao của danh vọng và quyền lực. Vị doanh nhân 55 tuổi này quyết định mua lại tờ báo địa phương Dearborn Independent ở Michigan.
Ông đã biến tờ báo thành "loa phát thanh toàn quốc" cho các thuyết âm mưu về một nhóm nhà tư bản Do Thái giả tưởng đang bí mật điều hành thế giới. Tờ báo nhanh chóng bị lên án nhưng đồng thời số lượng bản in cũng tăng vọt.
Ông Steven Watts, cây bút chuyên viết tiểu sử, cho biết Henry Ford đã dành rất nhiều công sức vào tờ báo thua lỗ này và hàng ngày đều tư vấn về nội dung mà báo cần viết. Sau khi dồn công sức cho tờ báo, sự nghiệp của Henry Ford đã đi thụt lùi. Đây là điều đáng lưu tâm đối với các cổ đông Tesla, Barron's cho hay.
Trước khi Henry Ford, người sáng lập hãng xe Ford, mua lại tờ Dearborn Independent, Ford là nhà sản xuất ô tô thống trị nước Mỹ. Trong năm 1919, công ty bán được nhiều xe hơn cả 7 đối thủ cạnh tranh lớn nhất cộng lại.
Nhưng khi Henry Ford bị xao nhãng, các hãng xe khác đã vượt lên và công ty của ông trở thành kẻ đứng sau General Motors (GM).
Liệu điều tương tự có thể xảy ra với Tesla – nhà sản xuất xe điện thống trị thị trường hiện nay – khi mà vị CEO 51 tuổi Elon Musk đang dồn sự chú ý vào nơi khác?
Rõ ràng không có bằng chứng nào cho thấy Musk có tư tưởng phân biệt chủng tộc. Nhưng kể từ khi ông tiếp quản Twitter, mạng xã hội này đã ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ về ngôn từ kích động thù địch, theo viện nghiên cứu NCRI của Đại học Rutgers.
Khảo sát tại Mỹ của Morning Consult và tại Anh của YouGov cho thấy danh tiếng của Musk và các thương hiệu của ông đã bị ảnh hưởng tiêu cực kể từ khi vị tỷ phú mua lại Twitter. Tài sản của Musk cũng chịu thiệt hại và ông đã bị soán ngôi người giàu nhất trên thế giới.
Ông Dan Ives, Giám đốc bộ phận nghiên cứu cổ phiếu tại Wedbush Securities, là một trong những người cho rằng cổ phiếu Tesla sụt giảm là do thương vụ mua lại Twitter của Musk. Năm ngoái, giá Tesla lao dốc 65%, từ 325 USD/cp xuống còn 123 USD.
Ông Ives nói: “Điều tối quan trọng là Musk phải bổ nhiệm CEO mới cho Twitter và tập trung trở lại cho Tesla và SpaceX. Tesla vẫn đang bỏ xa các nhà sản xuất xe điện khác. Nhưng sự tập trung của công ty đang bị đảo lộn và mọi đối thủ đều đang nhắm vào điểm yếu này”.
Ngủ quên trong chiến thắng
Henry Ford đã đi đúng đường vào năm 1919 và từ cả 11 năm trước đó, khi chiếc Model T đầu tiên xuất xưởng khỏi nhà máy.
Henry Ford không phải là người phát minh ra dây chuyền lắp ráp. Nhưng ông là người đầu tiên khai thác sức mạnh của nó trên quy mô lớn, cho phép ông sản xuất ô tô nhanh hơn và rẻ hơn đối thủ. Kết quả là Model T đã thành công ngay lập tức.
Ra mắt vào năm 1908, mỗi chiếc Model T có giá 850 USD (khoảng 25.000 USD theo giá trị hiện nay). Khi Ford tăng hiệu suất, giá Model T giảm xuống 360 USD vào năm 1916. Khi đó xe của các nhà sản xuất khác như Buicks và Studebakers được bán với giá từ 600 đến 1.000 USD.
Năm 1919, Ford sản xuất được 820.445 chiếc Model T. Các thương hiệu của GM - ở vị trí thứ hai - chỉ sản xuất được một nửa số đó, dẫn đầu là Chevrolet với 129.118 chiếc.
Trong bài báo ngày 25/9/1922 tiêu đề “Người đàn ông giàu có nhất”, tờ Barron’s tính rằng Ford lãi 100 USD trên mỗi chiếc xe và khoảng 1,1 triệu chiếc Model T đã được bán ra. Barron’s còn tuyên bố: “Có lẽ trong lịch sử, không ai có thu nhập sánh bằng Henry Ford”.
Không chỉ nổi tiếng giàu có, Henry Ford còn là một ngôi sao. Ông là hiện thân của lối sống tiêu dùng mới xuất hiện tại Mỹ. Báo chí theo sát mọi hành động của Ford, các phóng viên phải chạy xe bám theo ông trong chuyến đi cắm trại hàng năm với Thomas Edison.
Nhưng trong lúc Henry Ford mải tận hưởng danh tiếng ngôi sao thì các nhà sản xuất xe đối thủ đã bắt kịp. Năm 1925, tờ Barron’s đưa tin rằng GM đã lần đầu tiên đạt được lợi nhuận bằng với Ford dù có doanh số thấp hơn.
Đến năm 1927, năm cuối cùng của Dearborn Independent, Ford cuối cùng cũng thay thế mẫu Model T với Model A. Quá muộn. Trong lúc Ford ngừng sản xuất trong nhiều tháng để sửa sang lại nhà máy, Chevrolet lần đầu tiên vươn lên vị trí số một. GM nhanh chóng bứt phá và không bao giờ còn phải xếp sau Ford.
Henry Ford đã dành bao nhiêu thời gian cho Dearborn Independent? Cây bút tiểu sử Watts nói rằng hầu như ngày nào Henry Ford cũng đến thăm văn phòng của tờ báo và chỉ thị nội dung cho biên tập viên.
Các bài viết gây tranh cãi của Dearborn Independent đã bị các cựu tổng thống Mỹ lên án, đồng thời bị các tờ báo khác như The Wall Street Journal và Minneapolis Star chỉ trích.
Khi đối mặt với vụ kiến chống phỉ báng tốn kém và cuộc tẩy chay do Liên đoàn Chống Phỉ báng tài trợ, Ford đóng cửa Dearborn Independent. Số báo cuối cùng có đăng tải lời xin lỗi của ông.
Ít nhất là cho đến bây giờ, Tesla vẫn là nhà sản xuất xe điện hàng đầu, chiếm lĩnh 65% thị trường trong năm 2022. Ford ở vị trí thứ hai với 7,6% thị phần. Tesla là nhà sản xuất có chi phí thấp nhất, có nghĩa là công ty có thể ra giá thấp hơn các đối thủ, như Ford đã làm cách đây một thế kỷ.
Nhưng ưu điểm này đã không đủ để giữ cho Ford ở ngôi vương. Bất chấp nhiều lợi thế mà Ford có được trong năm 1919 - năm mà Henry Ford bắt đầu xuất bản tờ Dearborn Independent – mọi chuyện bắt đầu xuống dốc cho đến khi ông đóng cửa nó vào năm 1927.
Ford đã duy trì phong cách lãnh đạo chuyên quyền quá lâu. Ông đã gắn chặt với mẫu Model T quá lâu. Và ông mắc sai lầm nghiêm trọng với tờ Dearborn Independent.
Ngày nay, nhà phân tích Ives của Wedbush Securities viết: “Elon Musk là Henry Ford của thế kỷ 21, và Tesla là công ty xe hơi quan trọng nhất kể từ Ford và Model T”.
Tesla chỉ có thể hy vọng rằng mình sẽ không lặp lại chặng đường cuối cùng của Model T.