|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

East Asia Forum: Kinh tế Việt Nam 2019 đứng vững giữa bất ổn toàn cầu

18:34 | 07/01/2020
Chia sẻ
Một lần nữa, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện được sự kiên cường khi đối mặt với tình trạng chỉ số PMI và niềm tin doanh nghiệp suy yếu trên toàn cầu. Theo World Bank, Việt Nam năm 2019 có thể nằm trong top 3 nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại khu vực Đông Á.
East Asia Forum: Trước tình trạng bất ổn trên toàn cầu, khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam là điều đáng ghi nhận - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam Briefing

So với mức tăng trưởng GDP 3% của thế giới và 4,3% của khu vực Đông Á năm 2018, số liệu của năm 2019 dự kiến chỉ đạt lần lượt 2,6% và 4%.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng GDP 7,02% trong năm 2019 nhờ được thúc đẩy bởi tiêu dùng nội địa và lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu.

Mặc dù giá qui định trong nhóm dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục tăng lên, chỉ số CPI tháng 10/2019 của Việt Nam chỉ tăng khoảng 2,2% so với cùng kì năm trước. Sự bùng phát của dịch tả heo châu Phi dường như không ảnh hưởng đến giá thực phẩm nói chung và giá nhiên liệu thấp hơn cũng giúp kiềm chế áp lực lạm phát.

Với mức lạm phát tương đối thấp và tăng trưởng mạnh về tiền lương danh nghĩa (13,1%) khi lực lượng lao động dịch chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang ngành dịch vụ và sản xuất có năng suất cao hơn, tỉ lệ nghèo đói đã giảm mạnh.

World Bank ước tính tỉ lệ người dân Việt Nam sống trong hoàn cảnh nghèo khổ cùng cực (tức chi tiêu dưới 1,9 USD/ngày) là chưa đầy 2% dân số.

Chính sách tiền tệ đã được áp dụng thận trọng và tăng trưởng tín dụng hiện duy trì ở mức 13,7% (tức vẫn nằm trong giới hạn mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2019 là 14%).

Theo East Asia Forum, tính ổn định của hệ thống ngân hàng nói chung cũng được cải thiện khi có giải pháp tích cực hơn để xử lí nợ xấu thông qua phương thức tịch thu và bán tài sản thế chấp cũng như tái cơ cấu nợ.

Việt Nam cũng đang hoàn thiện công cụ củng cố tài khóa thông qua kết hợp cắt giảm chi tiêu ngân sách chính phủ và bán tài sản.

Về nguồn thu ngân sách, chính phủ đã thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, đồng thời thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đây là các nguồn thu chỉ đến một lần và chính phủ Việt Nam cần tăng cường nỗ lực để cải thiện việc thu thuế.

Mặc dù vậy, công cụ củng cố tài khóa hiện tại đã cho phép nợ công giảm xuống còn tương đương 56% GDP, thấp hơn giới hạn 65% do Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, giới hạn này vẫn cao hơn mức trần 55% GDP được Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến nghị để quản lí thận trọng nợ dài hạn.

Về mặt đối ngoại, xuất khẩu tiếp tục tăng 8,4% trong 9 tháng đầu năm 2019, so với 15,8% trong cùng kì năm 2018. Đây là một kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh có nhiều bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu.

Xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 28% trong 9 tháng đầu năm 2019, trong khi của cùng kì năm 2018 là 18%. Điều này cho thấy trong thời gian ngắn, Việt Nam ở một góc độ nào đó chính là nền kinh tế hưởng lợi từ hiệu ứng dịch chuyển sản xuất do thương chiến Mỹ - Trung kích hoạt.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tiếp tục duy trì ở mức cao như từng ghi nhận vào năm 2017 và 2018. Đây một lần nữa là bằng chứng cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

Do đó từ cuối năm 2018 đến cuối năm 2019, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng tương đương 0,4% tổng giá trị nhập khẩu.

Theo một báo cáo gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đã tăng 10 bậc trong Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu.

Trong trung hạn, World Bank dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ giữ vững tốc độ tăng trưởng tương đối lành mạnh ở mức 6,5% trong hai đến ba năm tới.

Tuy nhiên, mối liên kết yếu giữa các doanh nghiệp nước ngoài định hướng xuất khẩu và khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là mối quan tâm lớn. Thiếu nguồn lực tài chính dài hạn và khan hiếm lao động tay nghề cao là hai vấn đề không ngừng được doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam nêu ra.

Đồng thời, sự chững lại của công cuộc cải cách và thoái vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước (bắt đầu nghiêm túc từ năm 2016) là điều đáng tiếc, East Asia Forum nhận định.

Việc giảm tỉ lệ nợ công/GDP chắc chắn sẽ giảm bớt áp lực chính trị đối với hoạt động thoái vốn ở nhóm tài sản nhà nước. Tuy nhiên, để khu vực tư nhân không bị lấn át trong vài năm tới, cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước phải được tiếp tục thực hiện.

Nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy khả năng phục hồi tuyệt vời trước những cơn gió ngược và bất ổn trên toàn cầu. East Asia Forum kì vọng chính phủ Việt Nam sẽ tận dụng khả năng này và tiếp tục cải cách cơ cấu để củng cố tương lai của đất nước.

Yên Khê