|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nikkei: Tài chính toàn diện còn là khái niệm xa vời với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á?

16:03 | 06/01/2020
Chia sẻ
Mặc dù Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á đang ở thời kì đầu của một cuộc cách mạng tài chính toàn diện nhờ vào mức độ phổ biến của điện thoại di động, Nikkei nhận định vẫn còn tồn tại một số rào cản, chủ yếu ở hệ thống qui định, cản trở tiến trình này.

73% người dân Đông Nam Á không dùng tài khoản ngân hàng

Theo công ty tư vấn KPMG, tại Đông Nam Á có xấp xỉ 470 triệu người dân không dùng tài khoản ngân hàng, tương đương 73% dân số khu vực.

Mặc dù đã xuất hiện một số bước tiến nhằm giảm con số trên xuống, chính phủ các nước có thể hành động hơn nữa để mở ra cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cơ bản cho người dân khu vực.

Tài chính toàn diện (financial inclusion), chính sách giúp các cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận với nhiều sản phẩm và dịch vụ tài chính, là một yếu tố quan trọng góp phần giảm đói nghèo và thúc đẩy kinh tế thịnh vượng, đặc biệt là tại các nền kinh tế mới nổi của khu vực như Philippines và Indonesia.

Tuy nhiên, Nikkei Asian Review nhận định mặc dù Đông Nam Á đang ở thời kì đầu của một cuộc cách mạng tài chính toàn diện nhờ vào mức độ sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi vẫn tồn tại một số rào cản, chủ yếu ở hệ thống chính trị và qui định cản trở tiến trình này.

Nikkei: Tài chính toàn diện còn là khái niệm xa vời với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á? - Ảnh 1.

Tài chính toàn diện còn là khái niệm xa vời với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á? (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Tại Thái Lan, 74% người sử dụng Internet truy cập dịch vụ ngân hàng thông qua thiết bị di động, vượt xa tỉ lệ toàn cầu là 41%. Tỉ lệ sử dụng di động ở Indonesia là 70%, đồng thời nước này còn đứng đầu thế giới về tiếp cận thương mại điện tử, theo báo cáo thường niên Global Digital Report năm 2019 do Hootsuite và We Are Social thực hiện.

Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á lại sở hữu một trong các hệ thống qui định đa dạng và phân mảnh nhất thế giới. Việc phải điều hướng một môi trường lập pháp phức tạp và liên tục phát triển như vậy tạo ra thách thức vận hành cho doanh nghiệp.

Điều này làm cho môi trường của các startup lẫn liên doanh mới thành lập trong thế giới fintech trở nên khá ngột ngạt.

Nikkei dẫn một báo cáo từ công ty tư vấn Oliver Wyman cho biết tác động gộp của nền tài chính toàn diện (với động lực thúc đẩy là kĩ thuật số) có thể kéo GDP ở các thị trường như Indonesia và Philippines lên 2 - 3%.

Tuy nhiên, Oliver Wyman cũng nhấn mạnh những rủi ro đối với người tiêu dùng trong một hệ sinh thái tài chính kĩ thuật số phức tạp như vậy.

Các chương trình ươm mầm và tăng tốc khởi nghiệp của Việt Nam là chưa đủ

Nổi bật bởi mức tăng trưởng GDP bền vững kể từ năm 2009, Việt Nam trở nên hấp dẫn trong mắt một số quĩ đầu tư mạo hiểm như IDG Ventures.

Các chương trình ươm mầm và tăng tốc khởi nghiệp như đề án Thung lũng Silicon Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ kết hợp với chính phủ phát triển, hay Quĩ Tăng tốc Khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) đều đã được thành lập để hỗ trợ cho quá trình phát triển của các startup trong nước.

Tuy nhiên, vì Việt Nam là một nền kinh tế thị trường tương đối mới nên còn thiếu một số cơ cấu pháp lí và qui định về đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Ngoài ra, Nikkei nhận định Việt Nam cũng chưa có khuôn khổ rõ ràng để chính thức điều chỉnh hoặc giám sát hoạt động fintech. Chính điều này đang ngăn cản lĩnh vực fintech đạt được bước tiến có ý nghĩa.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố xây dựng chương trình thí điểm cho vay ngang hàng (P2P) vào đầu năm 2019, quá trình này còn đang diễn ra chậm chạp.

Cần một nỗ lực phối hợp giữa khu vực tư nhân và nhà nước

Mặc dù tiến bộ trong lĩnh vực fintech bị hạn chế do thiếu một khung pháp lí phù hợp ở cả cấp quốc gia lẫn khu vực, Nikkei vẫn ghi nhận một số tiến triển tốt trên mặt trận giáo dục tài chính. Thành tựu này đảm bảo rằng mọi cá nhân sử dụng các dịch vụ mới có thể tự do quản lí tình hình tài chính của họ.

Cốt lõi của nền tài chính toàn diện và lâu dài chính là giáo dục và chính phủ các nước khu vực ASEAN nhận thức sâu sắc về việc cần phải cải thiện kiến thức tài chính trong người dân.

Một khảo sát do OECD thực hiện năm ngoái cho thấy điểm số kiến thức tài chính trung bình ở một số quốc gia Đông Nam Á chỉ ở mức 12,5%, trong khi ở nhóm G20 là 50%. Tuy nhiên, chính phủ và các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đang dần tiến hành rút ngắn khoảng cách này.

Nikkei: Tài chính toàn diện còn là khái niệm xa vời với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á? - Ảnh 2.

Nền tảng thanh toán không tiền mặt LinkAja của Indonesia chỉ là một ví dụ hiếm hoi cho thấy liên minh tư nhân - nhà nước có thể thành công trong việc nhân rộng dịch vụ tài chính. (Ảnh: Getty Images)

Tại Philippines, Bộ Thương mại và Công nghiệp đã và đang vận hành Chương trình Trung tâm Negosyo nhằm thúc đẩy kinh doanh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ sử dụng dịch vụ cũng như tiếp nhận giáo dịch tài chính kể từ năm 2014.

Gần đây, nền tảng fintech Philippines có tên Cashalo đã ra mắt Cash Academy, một chương trình cung cấp kiến thức tài chính toàn quốc, nhằm phát triển một thế hệ người dân có hiểu biết, có trách nhiệm và có cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính hơn.

Ngân hàng Trung ương Philippines cũng đang tìm cách đưa kiến thức tài chính vào chương trình giảng dạy ở trường học cho học sinh phổ thông, một ví dụ điển hình về kế hoạch thúc đẩy tài chính toàn diện ở cấp cơ bản do chính phủ dẫn dắt.

Trong khi chính phủ và các cơ quan quản lí đi sâu vào giải quyết khoảng cách trong mức độ sử dụng và am hiểu tài chính của người dân khu vực, họ cần phải hành động nhiều hơn để biến tài chính toàn diện thành hiện thực.

Các doanh nghiệp đã phát triển giải pháp có khả năng nhân rộng và tiềm năng lớn đang tích cực tìm cách hợp tác với cơ quan chính phủ để mở rộng phạm vi hoạt động nhưng họ lại gặp khó bởi vấn đề nguồn lực hoặc yếu tố ưu tiên.

Mặc dù không có một đáp án dễ dàng nào trong việc đảm bảo nền tài chính toàn diện ở Đông Nam Á, một nỗ lực phối hợp giữa khu vực tư nhân và nhà nước có thể dần giúp người dân nhận thức được sự tự do về mặt tài chính.

Yên Khê