Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ dù đã bố trí nhiều chục tỉ đồng hỗ trợ chủ đầu tư quản lí
Đã bố trí hàng chục tỉ đồng hỗ trợ chủ đầu tư quản lí dự án
Tuyến đường sắt thí điểm TP Hà Nội (tuyến số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội) có chiều dài 12,5 km (đi trên cao 8,5 km, đi ngầm 4 km). Chủ đầu tư là Ban Quản lí Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB). Dự án này được khởi công năm 2009 với tổng mức đầu tư ban đầu là 783 triệu euro.
Năm 2014, dự án được điều chỉnh mức đầu tư lên 1.176 triệu euro, tương đương 32.910 tỉ đồng. Trong đó, vốn ODA cấp phát lại là hơn 13.158 tỉ đồng, vốn ODA vay lại hơn 13.649 tỉ đồng, còn lại là vốn trong nước hơn 6.100 tỉ đồng.
Tình hình bố trí vốn cho dự án metro số 3 như sau: Lũy kế giải ngân tính đến năm 2015 là hơn 2.256 tỉ đồng, lũy kế bố trí vốn năm 2016 đến hết kế hoạch vốn năm 2019 là hơn 11.485 tỉ đồng, kế hoạch vốn năm 2020 là 2.444 tỉ đồng.
Cuối năm 2014, dự án "Hỗ trợ chủ đầu tư quản lí dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội" đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 100 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án là cung cấp dịch vụ hỗ trợ kĩ thuật cho MRB quản lí tuyến đường sắt số 3 đạt được chất lượng đề ra, đúng tiến độ và hiệu quả.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án hỗ trợ này này sẽ thực hiện trong giai đoạn 7/2015 – 12/2018. Đến năm 2019, dự án hỗ trợ này đã được điều chỉnh thời gian kéo dài tới năm 2022.
Theo kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 các dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp thành phố của Hà Nội thì dự án hỗ trợ chủ đầu tư quản lí dự án metro số 3 nói trên có tổng mức đầu tư là 136,921 tỉ đồng. Trong đó, vốn ODA vay lại là 121,800 tỉ đồng, vốn trong nước là 15,120 tỉ đồng. Lũy kế bố trí vốn từ 2016 đến hết kế hoạch năm 2019 là 62 tỉ đồng (trong đó, kế hoạch vốn năm 2019 là 32 tỉ đồng), kế hoạch vốn năm 2020 là 21,869 tỉ đồng.
Mặc dù được bố trí vốn hỗ trợ quản lí, nhưng dự án metro số 3 vẫn chậm tiến độ.
Trong một văn bản trả lời cử tri về việc xây dựng tuyến đường sắt này vào năm 2016, UBND TP Hà Nội cho biết, tiến độ dự án là sẽ hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2018 và vận hành chạy thử khai thác vào năm 2019.
Đến năm 2019, dự án lỗi hẹn về đích. Khi đó, kế hoạch hoàn thành toàn tuyến được điều chỉnh lùi thêm ba năm, tới tháng 12/2022, tháng 4/2021 sẽ vận hành đoạn trên cao (Nhổn – Vành đai 2). Cùng với đó, dự án hỗ trợ chủ đầu tư quản lí cũng được điều chỉnh kéo dài đến năm 2022 như đã nói ở trên.
Như vậy, theo kế hoạch mới nhất, chỉ còn 5 tháng nữa tuyến metro 3 sẽ vận hành đoạn trên cao, hai năm tới sẽ hoàn thành toàn tuyến. Tuy nhiên, hiện nhiều hạng mục của dự án có dấu hiệu chậm tiến độ.
Ngày 20/11 vừa qua, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã kí ban hành thông báo kết luận thanh tra theo đơn tố cáo một số nội dung của dự án metro số 3. Tại văn bản này, TTCP đã chỉ ra sự chậm trễ, sai phạm trong quá trình triển khai nhiều gói thầu của dự án.
Trong đó, gói thầu về rà phá bom mìn, vật nổ đoạn cầu cạn và khu vực depot của nhà thầu Tống công ty Xây dựng Lũng Lô có dấu hiệu vi phạm. Đến thời điểm thanh tra, công tác nghiệm thu và thanh quyết toán vẫn chưa hoàn thành, nguyên nhân chính là hồ sơ nghiệm thu khối lượng không đảm bảo, có dấu hiệu sai khối lượng thi công; hồ sơ hoàn công chưa đúng qui định, có hiện tượng không đúng với thực tế và không đúng với phương án kĩ thuật được phê duyệt.
Cũng theo kết luận thanh tra, hiện nay, nhiều vị trí xây dựng ga ngầm của tuyến metro số 3 chưa giải phóng xong mặt bằng. Theo quan sát của chúng tôi, một số ga thuộc đoạn tuyến trên cao cũng chưa xây dựng xong đường dẫn lên xuống.
Chậm giải phóng mặt bằng, nguy cơ thiệt hại ngân sách 40 triệu USD
Theo kết luận của TTCP nói trên, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu số 1 (đoạn tuyến trên cao) và Gói thầu số 3 (hầm và các ga ngầm) có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cụ thể, về việc lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 1, theo văn bản số 629/BC-KHĐT ngày 28/6/2013 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thì việc đánh giá giữa Tư vấn Systra và chủ đầu tư không thống nhất, có sự không minh bạch, không thực hiện đúng các qui định của pháp luật về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu.
Trách nhiệm thuộc lãnh đạo của MRB qua các thời kì, các đơn vị thuộc MRB và tập thể, cá nhân có liên quan. Với gói thầu này, đơn vị trúng thầu sau đó là Dealim với giá dự thầu là 65.252.970 euro.
Đối với việc lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 3, nhà thầu JV và MRB đã kí hợp đồng thi công gói thầu số 3 khi chưa có mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu để thi công.
Nhà thầu JV đề nghị bổ sung chi phí vào giá hợp đồng dựa trên "Kế hoạch thi công sơ bộ" đã được xây dựng trên các mốc thời gian bàn giao mặt bằng công trình và đã được chứng thực.
Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra vẫn chưa bàn giao đầy đủ mặt bằng của Gói thầu CP03. Các ga 9, 10, 11 đang điều chỉnh qui hoạch, chưa thể giải phóng mặt bằng được, dẫn tới chưa có mặt bằng đế bàn giao cho nhà thầu được trong thời gian này.
Việc chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công theo hợp đồng, dẫn đến nhà thầu phải điều chỉnh kế hoạch triển khai theo hợp đồng đã kí. Do đó nhà thầu đã yêu cầu bổ sung khoản kinh phí cho việc này khoảng 40 triệu USD, nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
TTCP khẳng định, điều này đã vi phạm Khoản 3, Điều 64 Luật Đấu thầu. Trách nhiệm thuộc lãnh đạo của MRB qua các thời kì, các đơn vị thuộc MRB và tập thể, cá nhân có liên quan.
Tại kết luận thanh tra, TTCP kiến nghị Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo MRB rà soát trách nhiệm vật chất của các đơn vị có liên quan, trong quá trình thực hiện dự án, gây chậm trễ kéo dài, dẫn đến phát sinh tăng chi phí và thực hiện việc giảm trừ khi quyết toán hợp đồng.
MRB chủ động phối hợp với UBND các quận trên địa bàn dự án và các cơ quan hữu quan của thành phố để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công các gói thầu, cũng như tiến độ tổng thể của dự án.
TTCP cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo đơn vị có liên quan kiểm tra, xem xét trách nhiệm trong việc thực hiện các công việc của dự án gây chậm trễ, dẫn đến phát sinh tăng chi phí. Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam kiểm tra, xem xét trách nhiệm trong việc thực hiện các công việc của dự án gây chậm trễ, dẫn đến phát sinh tăng chi phí.
1.296 tỉ đồng đầu tư dự án giao thông bền vững cho tuyến metro 3
Nhằm phát huy tối đa hiệu quả của tuyến metro số 3, một dự án độc lập khác cũng đang được triển khai, đó là "Dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án Đường sắt đô thị số 3 Hà Nội". Dự án này do Ban Quản lí Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư.
Dự án này sẽ cải tạo và xây dựng hệ thống tiếp cận của 12 ga tuyến metro 3, xây dựng hai điểm trung chuyển, thí điểm sử dụng buýt thân thiện môi trường. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.296 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2014 – 2022.
Tuy nhiên, hiện tỉ lệ giải ngân, bố trí vốn cho dự án này còn rất thấp. Cụ thể, lũy kế giải ngân dự án đến hết năm 2015 là 7 tỉ đồng, lũy kế bố trí vốn từ 2016 đến hết kế hoạch 2019 là 54,550 tỉ đồng (trong đó kế hoạch vốn năm 2019 là 28 tỉ đồng), kế hoạch vốn năm 2020 là 21,850 tỉ đồng.