Đừng nhảy vào thị trường chứng khoán Mỹ lúc này, trong đó ‘có gấu’
“Gấu” chưa chịu rút lui
Động lực tích cực của thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn tiếp tục trong phiên giao dịch đầu tuần này, sau khi Dow Jones tăng 2,7%, và S&P 500 cùng Nasdaq Composite đều nhích hơn 3% trong phiên 24/6.
Tuy nhiên, ông Trevor Greetham - người đứng đầu bộ phận quản lý tài sản tại Royal London Asset Management, chưa tin rằng cuộc bán tháo đã kết thúc. Tính đến cuối năm 2021, Royal London đang quản lý hơn 200 tỷ USD.
Chia sẻ với CNBC, ông Greetham cho hay: “Royal London nghĩ rằng chúng ta vẫn đang ở trong thị trường gấu. Chúng tôi tin rằng đây chỉ là một đợt tăng điểm sau các cuộc bán tháo thời gian qua…”
Theo lời vị chuyên gia, việc giá hàng hoá công nghiệp giảm trên diện rộng có thể đã giúp các nhà đầu bớt lo sợ về kế hoạch tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 vẫn đang giảm gần 18%, trong khi chỉ số Stoxx 500 thì mất khoảng 15%, CNBC thông tin thêm.
Liên quan thời gian tồn tại của thị trường gấu hiện tại, ông Greetham gợi ý nhà đầu tư nên nghiên cứu “những thị trường gấu bắt nguồn từ chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương”, như cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2009, đầu những năm 2000 sau khi bong bóng dotcom đổ vỡ và đầu những năm 1990.
Trao đổi thêm với CNBC, vị chuyên gia của Royal London nhận định, trong quá khứ các thị trường gấu thường kéo dài hai hoặc ba năm, còn hiện giờ “gấu” chỉ mới tung hoành được khoảng 6 tháng.
“Tất cả các đợt tăng giá mạnh nhất đều diễn ra trong thị trường gấu. Đừng để bản thân bị đánh lừa và cuốn vào thị trường chứng khoán lúc này. Đợt tăng lần này có thể kéo dài lâu hơn một chút, nhưng đừng nghĩ đây là kết thúc của thị trường gấu”, ông khuyến nghị.
“Tôi nghĩ chúng ta vẫn còn một chặng dài để vượt qua. Bạn cần phải đầu tư có chiến thuật, đồng thời phải đa dạng hoá danh mục”, trưởng bộ phận quản lý tài sản của Royal London nói tiếp.
Chứng khoán khó phục hồi nếu kinh tế suy thoái
Theo CNBC, có một thông tin tích cực khác đã giúp thị trường chứng khoán tăng điểm trở lại. Khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát của công chúng Mỹ tính đến cuối tháng 6 đạt khoảng 5,3% - giảm so với kết quả sơ bộ được công bố hồi đầu tháng.
Các ngân hàng trung ương tại khắp các nền kinh tế lớn đã bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất để ghìm cương lạm phát đang neo ở mức đỉnh hàng thập kỷ. Điều này khiến các chuyên gia đồn đoán rằng thắt chặt chính sách quá mạnh tay có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Ông Greetham đồng ý rằng lạm phát của Mỹ sẽ sớm hạ nhiệt nhờ chính sách của Fed và cam kết dài hạn của các nhà hoạch định chính sách về việc kiềm chế đà tăng giá tiêu dùng. Tuy nhiên, ông nhắc lại rằng giai đoạn hai của thị trường gấu vẫn chưa đến.
“Chúng ta đã rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ với tăng trưởng kinh tế giảm tốc và lạm phát gia tăng. Song, Royal London tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đi xuống vì ngân hàng trung ương cần như vậy để khống chế lạm phát”, ông Greetham cho hay.
“Vì lẽ đó, chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt hơn nữa, lãi suất tăng cao hơn ngay cả khi lạm phát dần đi xuống. Đó là vấn đề nghiêm trọng đối với thị trường chứng khoán, bởi vì khi nhìn vào các cuộc suy thoái trước, chứng khoán thường không phục hồi thực sự cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh”, vị chuyên gia giải thích.