|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lịch sử cho thấy chứng khoán Mỹ có thể sẽ bị 'gấu vả' khá lâu

11:35 | 15/06/2022
Chia sẻ
Chứng khoán Mỹ đã rơi vào vùng thị trường gấu. Nếu dựa vào các dữ kiện từ quá khứ để dự đoán, thì giai đoạn này có thể sẽ kéo dài và đau đớn hơn.

(Hình minh họa: USAToday). 

Chứng khoán Mỹ đã rơi vào thị trường gấu hôm 13/6. Đây là lần thứ 4 trong vòng hai thập kỷ chỉ số S&P 500 bị “gấu vả”. Thị trường gấu gần nhất vào năm 2020 chủ yếu bắt nguồn từ cú sốc do đại dịch COVID-19 gây ra. Nhưng trong hai lần trước đó, vào năm 2000 và 2008, thị trường chứng khoán Mỹ cần nhiều thời gian hơn để tạo đáy và phục hồi.  

Theo ông Peter Grarny, Giám đốc đầu tư cổ phiếu tại Saxo Bank, hai sự kiện tương đồng nhất với cuộc bán tháo hiện nay là vụ đổ vỡ bong bóng dotcom năm 2000 và thị trường gấu 1973-1974, xảy ra cùng với cú sốc giá dầu liên quan tới lệnh cấm vận của OPEC.

Lý do là tình hình hiện nay có sự kết hợp giữa định giá cổ phiếu công nghệ cao ngất và khủng hoảng của thị trường hàng hóa. Ông Garny viết trong lưu ý: “Chứng khoán Mỹ có thể sụt giảm 35% từ đỉnh và mất hơn một năm để thị trường tìm thấy đáy”.

Dưới đây là 5 biểu đồ cung cấp bối cảnh về các thị trường gấu trước đây, theo tổng hợp từ Bloomberg.

Thời gian và độ sâu

Trong giai đoạn 2000-2002, chỉ số S&P 500 lao dốc 51% từ đỉnh xuống đáy. Mức giảm của thị trường trong khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 - 2009 là 58%.

Trong cả hai trường hợp, chứng khoán Mỹ đều cần hơn 1.000 ngày giao dịch để vực dậy. Trong trường hợp thứ nhất, thị trường tốn 638 ngày để dò đáy, còn trường hợp thứ hai là 352 ngày. Điều này có thể cho thấy đợt bán tháo hiện tại vẫn đang ở trong giai đoạn đầu.

 

Định giá

Trước khi bong bóng dotcom đổ vỡ năm 2000, định giá chứng khoán đã leo lên mức cao nhất mọi thời đại. Khi đó, hệ số P/E dự phóng của S&P 500 là 25 lần.

Tình huống hiện tại cũng tương tự, với định giá dự phóng tiến gần sát 24 lần trước khi thị trường bắt đầu trượt dài đầu năm nay.

Ngược lại, trong khoảng thời gian ngay trước khủng hoảng tài chính toàn cầu thì chứng khoán tương đối rẻ. Nhưng trong cả hai trường hợp quá khứ, P/E dự phóng đều giảm hơn 40%, còn hiện nay định giá mới giảm chưa tới 30%.

 

Lợi nhuận

Mỗi lần thị trường hỗn loạn, đặc biệt là trong các thị trường gấu, đều là sự kiện đưa chứng khoán quay về với các yếu tố cơ bản. Chỉ số S&P 500 đã nhiều lần đi chệch khỏi xu hướng lợi nhuận, nhưng rốt cuộc vẫn quay lại mức hợp lý.  

 

Hỗ trợ

Nhà đầu tư không nên trông chờ vào sự giúp đỡ của các ngân hàng trung ương vào thời điểm này. Ngược lại, hồi kết của chính sách tiền tệ siêu nới lỏng sẽ chấm dứt thị trường giá lên mạnh mẽ trong hai năm qua. Chứng khoán sẽ phải nếm trải khoảng thời gian “cai nghiện” tiền rẻ đầy khó khăn.

 

Lạm phát và lãi suất

Điểm khác biệt quan trọng giữa thị trường gấu hiện tại và 20 năm qua là môi trường chính sách tiền tệ. Đây là lần đầu tiên trong thời gian dài, thị trường phải chiến đấu với lạm phát cao và lãi suất gia tăng cùng lúc.

 

Giang

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.