|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đường cong lợi suất lại đảo ngược, hàm ý gì cho nền kinh tế Mỹ?

16:34 | 14/06/2022
Chia sẻ
Đường cong lợi suất đảo ngược là dấu hiệu bất thường, khiến cho nhiều nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ suy thoái kinh tế đang đến gần.

Một đoạn quan trọng trên đường cong lợi suất của Mỹ đã đảo ngược trong tuần này sau khi tỷ lệ lạm phát tháng 5 được công bố cao hơn dự báo và lên mức kỷ lục hơn 40 năm.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết tâm kìm hãm đà tăng của giá cả và nhiều ngân hàng Phố Wall liên tục nâng dự báo về số lần và cường độ tăng lãi suất của Fed. Trong bối cảnh đó, một số lợi suất kỳ hạn ngắn đã đi lên mạnh mẽ hơn so với lợi suất kỳ hạn dài.

Dưới đây là những thông tin căn bản về ý nghĩa của đường cong lợi suất, khả năng dự báo suy thoái và hàm ý cho nhà đầu tư hiện nay.

Đường cong lợi suất có hình dạng gì?

Chính phủ Mỹ mỗi năm thâm hụt ngân sách từ vài trăm đến hàng nghìn tỷ USD nên Bộ Tài chính phải liên tục vay mượn thông qua phát hành trái phiếu để tài trợ cho các khoản chi tiêu công.

Theo thống kê của Fed, quy mô thị trường trái phiếu Mỹ (gồm các kỳ hạn từ 1 tháng đến 30 năm) tính đến cuối tháng 4 vừa qua là hơn 22.400 tỷ USD.

Chính phủ Mỹ nợ 22.400 tỷ USD, lớn hơn quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Mỗi kỳ hạn trái phiếu Kho bạc Mỹ có một mức lợi suất riêng. Khi vẽ biểu đồ các điểm lợi suất tương ứng với từng kỳ hạn từ ngắn đến dài, nhà đầu tư sẽ thu được một đường cong lợi suất.

Trái phiếu kỳ hạn dài thường rủi ro hơn kỳ hạn ngắn nên nhà đầu tư đòi hỏi lợi suất cao hơn. Vì vậy, hình dạng thông thường của đường cong lợi suất phải là dốc lên, tức là kỳ hạn càng dài thì lợi suất càng lớn.

Theo Reuters, đường cong lợi suất dốc lên cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng nền kinh tế hoạt động vững mạnh, lạm phát và lãi suất trong dài hạn sẽ lên cao.

Đường cong lợi suất đi ngang cho thấy nhà đầu tư đang dự báo lãi suất sắp tăng trong ngắn hạn và có cái nhìn bi quan về tăng trưởng kinh tế.

Đường cong lợi suất đảo ngược có ý nghĩa gì?

Khi lợi suất kỳ hạn ngắn vượt lên trên kỳ hạn dài, đường cong lợi suất sẽ dốc xuống và được coi là đã đảo ngược. Thông thường, đường cong sẽ chỉ đảo ngược một đoạn nhất định chứ không phải toàn bộ từ đầu đến cuối.

Phiên thứ Hai tuần này (13/6), đoạn 2-10 đã đảo ngược, tức là lợi suất kỳ hạn hai năm cao hơn lợi suất kỳ hạn 10 năm. Thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ còn có nhiều đoạn đường cong đảo ngược rõ nét hơn như 3-10, 5-10, 7-10 hay 20-30 như thể hiện trong biểu đồ dưới. Tuy nhiên, đoạn 2-10 được coi là quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất trong đánh giá triển vọng kinh tế.

Các lợi suất kỳ hạn 3, 5 và 7 năm đều ở trên ngưỡng 3,5% trong khi lợi suất kỳ hạn 10 năm ở dưới.

Cuối tháng 3 vừa qua, đoạn 2-10 trên đường cong lợi suất đã đảo ngược lần đầu tiên kể từ năm 2019. Sau đó, đoạn đường cong này đã trở lại hình dạng bình thường khi nhà đầu tư tập trung phân tích quy mô và tốc độ của chương trình thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát.

Theo một nghiên cứu của Fed chi nhánh San Francisco năm 2018, đoạn đường cong lợi suất 1-10 đã đảo ngược khoảng 6 – 24 tháng trước khi xảy ra mọi cuộc suy thoái kể từ năm 1955. Chỉ duy nhất một lần thước đo này báo động giả, tức là đoạn đường cong lợi suất 1-10 đảo ngược nhưng trong 24 tháng sau đó không có suy thoái.

Theo thống kê của bà Anu Gaggar, chuyên gia chiến lược đầu tư toàn cầu tại Commonwealth Financial Network, đoạn đường cong 2-10 đã đảo ngược 28 lần kể từ năm 1900. Suy thoái xảy ra trong 22/28 lần đảo ngược nói trên.

6 lần suy thoái gần đây nhất xảy ra trong khoảng 6-36 tháng sau khi đoạn đường cong 2-10 đảo ngược.

Trước tháng 3 năm nay, lần gần nhất mà đoạn 2-10 đảo ngược là vào năm 2019. Đầu năm 2020, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái do COVID-19 đổ bộ và kéo theo các biện pháp phong tỏa gắt gao.

Tại sao đường cong lợi suất lại đảo ngược vào lúc này?

Từ đầu năm 2022 đến nay, Fed đã hai lần nâng lãi suất, thêm 25 điểm cơ bản trong tháng 3 và thêm 50 điểm trong tháng 5. Trong bối cảnh lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt, nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 50 điểm, hay thậm chí là 75 điểm cơ bản, trong cuộc họp tháng 6 và tháng 7.

Loại lãi suất mà Fed tăng lên là lãi suất quỹ liên bang mà các ngân hàng dùng để vay mượn với kỳ hạn qua đêm. Vì vậy, những lợi suất kỳ hạn ngắn và rất ngắn dễ bị tác động bởi quyết định của Fed. Các lợi suất kỳ hạn dài như 10, 20 và 30 năm ít chịu ảnh hưởng hơn.

Lợi suất kỳ hạn 2 năm tuy có xuất phát điểm thấp hơn nhưng đã tăng nhanh để rồi bắt kịp và gần đây vượt lên trên lợi suất 10 năm, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Vì vậy, đoạn 2-10 trên đường cong lợi suất Mỹ đã đảo ngược.

Lợi suất kỳ hạn 2 năm đuổi kịp và vượt lên trên kỳ hạn 10 năm.

Nhà đầu tư đặc biệt chú ý tới các lợi suất kỳ hạn ngắn trong phiên cuối tuần trước (10/6) và đầu tuần này (13/6) sau khi số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 cho thấy tỷ lệ lạm phát lên đỉnh 40 năm bất chấp hai lần tăng lãi suất của Fed.

Thị trường cho rằng nhiều khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phải tiếp tục nâng lãi suất qua đêm, tạo lực đẩy các lợi suất kỳ hạn ngắn đi lên mạnh hơn.

Đường cong lợi suất đảo ngược tác động thế nào tới nền kinh tế thực?

Lãi suất cao là một vũ khí hiệu quả để chống lạm phát nhưng cũng có khả năng gây tổn thương cho nền kinh tế thông qua việc làm tăng chi phí các khoản vay, từ vay để đầu tư sản xuất đến mua nhà, mua xe.

Đường cong lợi suất cũng ảnh hưởng tới quyết định của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Khi lợi suất kỳ hạn ngắn đi lên, các ngân hàng Mỹ thường tăng lãi suất tham chiếu đối với nhiều khoản vay, cả với hộ gia đình và các công ty.

Nếu đường cong lợi suất dốc lên, tức là lợi suất kỳ hạn dài cao hơn kỳ hạn ngắn, các ngân hàng có thể đi vay (nhận tiền gửi) với lãi suất thấp và cho vay lại với lãi suất cao hơn.

Khi đường cong lợi suất đảo ngược, biên lãi thuần của ngân hàng sẽ bị bóp nghẹt, khiến cho hoạt động cho vay hạ nhiệt, tín dụng ít chảy ra nền kinh tế.

Đức Quyền - Song Ngọc