|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones rớt gần 900 điểm, chứng khoán Âu – Mỹ rực lửa giữa nguy cơ Fed sắp tăng mạnh lãi suất

07:05 | 14/06/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 13/6 chìm trong biển lửa khi cổ phiếu thuộc tất cả 11 nhóm ngành đều sa sút. Chỉ số S&P 500 rơi xuống đáy mới của năm và đóng cửa trong thị trường gấu trước khi Fed bắt đầu phiên họp hai ngày 14-15/6.

Chứng khoán toàn cầu đỏ lửa phiên đầu tuần 13/6.

S&P 500 rớt 3,88% còn gần 3.750 điểm, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Tính từ đỉnh lịch sử hôm 3/1/2022 đến nay, S&P 500 đã giảm hơn 21% và rơi vào vùng thị trường gấu (do mất hơn 20% so với đỉnh).

Lần gần đây nhất S&P 500 ở trong thị trường gấu là tháng 3/2020 khi COVID-19 mới đổ bộ vào đất Mỹ.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 876 điểm, tương đương 2,79%, và đóng cửa gần 30.517 điểm. So với đỉnh hồi đầu năm, chỉ số gồm 30 blue chip này đã mất khoảng 17%.

Dow Jones vẫn đang trong vùng điều chỉnh (giảm hơn 10% từ đỉnh) và chưa xuống tới thị trường gấu. Trong 4 phiên gần đây, Dow Jones đều đóng cửa trong sắc đỏ, mất tổng cộng 2.663 điểm.

Dow Jones đã giảm 4 phiên liên tiếp, mất tổng cộng gần 2.700 điểm.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm sâu nhất trong ba chỉ số chính khi mất 4,68% và đóng cửa ở 10.809 điểm.

Tính từ đỉnh lịch sử vào tháng 11/2021 đến nay, Nasdaq đã mất hơn 33%. So với đầu năm 2022, chỉ số này cũng đã giảm gần 31%. Biểu đồ sau đây cho thấy Nasdaq đã ở trong vùng thị trường gấu suốt nhiều tuần qua.

S&P 500 và Nasdaq Composite đã giảm hơn 20% kể từ đỉnh và đang trong vùng thị trường gấu. Dow Jones vẫn ở vùng điều chỉnh.

Theo CNBC, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm xuống đáy của phiên trong 30 phút giao dịch cuối cùng sau khi tờ Wall Street Journal nhận định Fed nhiều khả năng sẽ tính đến việc nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp thường kỳ ngày 14-15/6, nhiều hơn mức mà thị trường đang dự báo.

Thông thường, Fed điều chỉnh lãi suất 25 điểm cơ bản trong mỗi cuộc họp. Tháng 5 vừa qua, Fed nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản với mục tiêu hạ nhiệt lạm phát đang ở đỉnh 40 năm.

Tuy vậy, số liệu lạm phát tháng 5 vừa được công bố cuối tuần trước cho thấy mặt bằng giá cả tiếp tục tăng tới 8,6% so với cùng kỳ 2021, mức tăng cao nhất kể từ cuối năm 1981. Vì vậy, một số chuyên gia nhận định Fed sẽ cần hành động mạnh tay hơn mới mong kiểm soát được giá cả.

Lần gần đây nhất Fed nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong một cuộc họp là vào năm 1994.

Lạm phát tại Mỹ đang ở đỉnh 40 năm.

Việc tăng mạnh lãi suất sẽ giúp thể hiện quyết tâm của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát nhưng cũng sẽ khiến thị trường bối rối vì không biết Fed sẽ làm gì tiếp theo.

Thắt chặt tiền tệ một cách quyết liệt có thể giúp kiểm soát giá cả nhưng đồng thời cũng rất dễ dẫn tới suy thoái kinh tế, đây là điều mà nhiều nhà đầu tư rất lo sợ.

Bloomberg dẫn lời ông Krishna Guha và Peter Williams, hai chuyên gia của tập đoàn đầu tư Evercore ISI, nhận định: “Một khi Fed bắt đầu điều chỉnh lãi suất 75 điểm cơ bản thì sẽ rất khó dừng lại. Việc Fed sẵn sàng nâng lãi suất cho đến khi đạt được mục tiêu lạm phát trông có vẻ như là nhân tố làm nên một cuộc suy thoái”.

Nhà đầu tư không có chỗ trú ẩn an toàn nào trong phiên đầu tuần 13/6. Đã có lúc tất cả 500 cổ phiếu thành viên của chỉ số S&P 500 đều chìm trong biển đỏ. Kết phiên, chỉ có 5 cổ phiếu ngoi lên với sắc xanh. Biểu đồ dưới đây cho thấy tất cả 11 nhóm ngành của thị trường chứng khoán Mỹ đều sa sút trên 2%, có trường hợp hơn 5%.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ đều chìm trong biển lửa.

Thị trường chứng khoán châu Âu đóng cửa trước đó cũng diễn biến tiêu cực khi các chỉ số chính tại Đức, Pháp, Anh đều đi xuống rõ rệt. Chỉ số Stoxx 600 đại diện toàn châu Âu mất 2,41%. 

Giá bitcoin cũng lao dốc 15% so với 24 giờ trước và đang giao dịch ở khoảng 22.400 USD/coin. Giá trái phiếu Kho bạc Mỹ cũng đi xuống, lợi suất kỳ hạn 10 năm ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 và có lúc chạm 3,44%. Lợi suất và giá trái phiếu biến động ngược chiều.

Lợi suất kỳ hạn hai năm đã vượt lên trên kỳ hạn 10 năm.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn hai năm - biến số nhạy cảm với các đợt tăng lãi suất của Fed - cũng tăng mạnh trong phiên 13/6. Hiện nay, cả lợi suất kỳ hạn hai năm và 10 năm đều đã vượt qua ngưỡng 3%, như thể hiện trong biểu đồ trên. Lợi suất hai năm thậm chí còn lớn kỳ hạn 10 năm, tạo nên hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược.

Thông thường, lợi suất kỳ hạn dài phải lớn hơn lợi suất kỳ hạn ngắn. Trong lịch sử, việc đường cong lợi suất đảo ngược thường báo hiệu nền kinh tế sắp rơi vào suy thoái.

Nguy cơ suy thoái ngày càng lớn

Theo thống kê của Bespoke Investment Group, kể từ sau Thế chiến thứ II đến nay, thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua 14 lần rơi vào thị trường gấu tính theo giá đóng cửa.

Mức giảm trung vị của chỉ số S&P 500 trong các thị trường gấu là 30%, tức là một nửa số lần giảm mạnh hơn 30% và một nửa số lần giảm ít hơn 30%. Thời gian trung vị của một lần thị trường gấu là 359 ngày.

Phiên 13/6, giá cổ phiếu Boeing, Salesforce và American Express giảm lần lượt 8,7%, 6,9% và 5,2%. Các cổ phiếu công nghệ bị bán tháo mạnh trong nhiều tháng qua cũng tiếp tục bị xả. Netflix, Tesla và Nvidia cùng mất trên 7%. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.

Cổ phiếu năng lượng dẫn đầu đà giảm của thị trường, đại gia dầu khí Chevron và ExxonMobil cùng giảm 4,6% sau khi nhiều thành phố của Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải tái áp dụng biện pháp phong tỏa chống dịch sau hai tuần nới lỏng.

Tại Mỹ, chiến dịch chống lạm phát của ngân hàng trung ương đang gây nhiều lo ngại. Để kìm hãm đà tăng của giá cả chỉ có hai cách là nâng nguồn cung hoặc giảm tổng cầu.

Fed không có khả năng tác động tới nguồn cung nên chỉ có thể tăng lãi suất và giảm cung tiền để kìm hãm nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, có nguy cơ Fed sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát.

Đức Quyền - Song Ngọc