|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà đầu tư nên làm gì để bảo vệ bản thân trong thị trường gấu?

08:30 | 15/06/2022
Chia sẻ
Với chỉ số S&P 500 rớt hơn 20% kể từ đỉnh và rơi vào thị trường gấu, việc đầu tiên nhà đầu tư cần làm là thở sâu và đánh giá rủi ro.

(Hình minh họa: Investing.com). 

Đà tăng ấn tượng của thị trường chứng khoán Mỹ đã chao đảo từ đầu năm 2022 và đến ngày 13/6 thì chấm dứt hẳn. Chỉ số S&P 500 chính thức rơi vào thị trường gấu, được xác định bằng mức giảm 20% từ đỉnh. 

Với nhiều nhà đầu tư, nỗi đau của họ có lẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Nhóm 5 cổ phiếu công nghệ từng nâng đỡ cho cả thị trường chứng khoán Mỹ có cú ngã còn đau đớn hơn S&P 500. Tính từ đỉnh thiết lập ngày 3/1 của chỉ số S&P 500, Meta đã bốc hơi hơn 50%, Amazon sụt 39%, Microsoft, Apple và Alphabet đều mất khoảng 25% vốn hóa. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite thì đã nằm trong vùng thị trường gấu kể từ tháng 3 và hiện thấp hơn 32% so với mức đỉnh năm ngoái.

 * Tính đến ngày 13/6/2022. 

Những mất mát này có thể khiến nhà đầu tư trở nên cảm tính hơn, dù có thể chính bản thân họ không nhận ra. Cảm xúc thường tác động đến hành vi đầu tư, chẳng hạn như chúng khiến chúng ta có cảm giác mãnh liệt khi bị lỗ hơn là khi có lãi. Chứng kiến chứng chỉ quỹ S&P 500 mất 20% giá trị có thể nhanh chóng làm bạn quên rằng chỉ số này vẫn trả lại lợi nhuận gần 70% trong 5 năm qua (tính cả cổ tức).

Nếu đều đặn đầu tư vào một danh mục đa dạng hóa trong nhiều năm, thì bạn không cần phải tự trách bản thân vì nghĩ mình đã mắc sai lầm lớn lúc này. Vì có lẽ cách phản ứng tốt nhất đối với thị trường gấu là kiên trì với kế hoạch ban đầu. Nếu bạn tiếp tục đầu tư chút ít hàng tháng, thì điều an ủi là bạn đang mua được cổ phiếu với giá rẻ hơn.

Đánh giá lại rủi ro

Cảm giác bất an cũng có thể hữu ích nếu nó đem lại động lực để bạn xem xét kỹ các khoản đầu tư trong danh mục và mức độ rủi ro của chúng. Giờ là thời điểm tốt để tự hỏi rằng liệu bạn có hài lòng với mức độ rủi ro của danh mục hay không. Câu trả lời sẽ có ích với bạn trong nhiều chu kỳ thị trường, không chỉ trong thời thị trường giá lên.

Hãy nhìn lại xem liệu có phải bạn quá phụ thuộc vào một ngành hoặc một nhóm cổ phiếu nóng hay không. Một trong những hiện tượng nổi bật của vài năm qua là nhà đầu tư đã quá “tất tay” vào cổ phiếu công nghệ. Sau cú sụt giảm đau đớn trong năm 2022, 5 cổ phiếu công nghệ hàng đầu vẫn chiếm hơn 20% tỷ trọng của chỉ số S&P 500.

Không ít nhà đầu tư trở nên gắn bó với những cổ phiếu đã mang lại lợi nhuận lớn cho họ trong quá khứ, ví dụ như Tesla. Trong tài chính hành vi, hiện tượng này gọi là thả neo (anchoring).

Ông Dave Alison, CEO công ty quản lý tài sản Alison Wealth Management giải thích: “Về cơ bản, bạn nghĩ rằng giá cổ phiếu công ty đó chỉ có thể đi lên, rồi tự khóa mình trong vị thế và không chịu nhìn sang hướng khác. Nhiều người mắc sai lầm lớn khi không chốt một phần lời trong quá trình đầu tư, để rồi khi giá cổ phiếu lao dốc 30 – 50% thì tiếc đứt ruột”.

Khi ông Alison thấy một khách hàng như vậy, ông sẽ khuyên họ đặt ra giá trị tối đa trong danh mục gắn với cổ phiếu đó. Mục tiêu là để khách hàng đồng ý rằng mỗi khi giá trị cổ phiếu vượt qua ngưỡng đã định thì ông được quyền bán và đa dạng hóa vào khoản đầu tư khác.

Nếu bạn vẫn còn nhiều cổ phiếu công nghệ trong danh mục, thì bạn không nên quyết liệt bán ra khi giá rẻ. Thay vào đó, bạn có thể giảm tỷ trọng của chúng trong danh mục.

Nhìn xa hơn nữa, bạn có thể áp dụng cách nghĩ tương tự với những nhóm ngành cổ phiếu đang có hiệu suất tốt. Ví dụ, cổ phiếu năng lượng thuộc S&P 500 đã tăng hơn 50% trong năm nay. Tuy những cổ phiếu này có thể vẫn còn đà tiến, nhưng việc tăng cường giá trị chịu rủi ro với bất kỳ cổ phiếu đang đi lên nào cũng là điều cần suy nghĩ kỹ.   

Một trong những cách để kiểm soát những bất ổn trên thị trường và giảm thiểu biến động là ngừng thực hiện các quyết định “được ăn cả, ngã về không”.

Ông David Wright, đồng sáng lập Sierra Investment Management khuyến nghị: “Khi bạn thấy dao động và tự hỏi ‘Liệu mình có nên nắm giữ thêm vài ngày nữa?’, thì hãy bán ra một nửa vị thế. Nếu thị trường phục hồi thì bạn sẽ là một thiên tài, vì bạn đã không bán sạch. Còn nếu thị trường tiếp tục đi xuống, bạn vẫn là thiên tài vì đã bảo vệ được một nửa khoản đầu tư”.

Bổ sung các loại tài sản khác

Tiếp theo, trong thị trường gấu, việc đảm bảo danh mục được đa dạng hóa lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Hỗn hộp giữa cổ phiếu và trái phiếu có thể là sự phòng vệ quan trọng cho danh mục của bạn. Nhưng trong thị trường này, ngay cả trái phiếu cũng đang mất giá. Chỉ số Trái phiếu Tổng hợp của Bloomberg đã giảm hơn 10% từ đầu năm đến nay.

Tin tốt là tuy giá trái phiếu trong danh mục đang đi xuống, lợi tức chúng hoàn trả đang đi lên. Như vậy, việc sử dụng trái phiếu để đa dạng hóa danh mục vẫn là hành động đúng đắn. Các tài sản khác có thể giúp đa dạng hóa bao gồm quỹ ủy thác đầu tư bất động sản, cổ phiếu và trái phiếu quốc tế.

Một loại tài sản khác từng được tán tụng là công cụ phòng vệ tiềm năng trước lạm phát và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán là tiền mã hóa. Nhưng thực tế thì lại khác biệt hoàn toàn. Bitcoin đã mất 65% giá trị kể từ đỉnh tháng 11 năm ngoái, giá ethereum thì bốc hơi 73%. Một bài học nhà đầu tư cần rút ra là việc rót vốn vào tiền mã hóa giống đầu cơ hơn là đa dạng hoá danh mục.

Còn việc bán tháo để thu hồi tiền mặt thì sao? Theo Bloomberg, đó là nước đi tồi. Lý do là bởi hầu hết mọi người, bao gồm cả dân chuyên nghiệp, rất khó có thể đoán đúng khi nào thị trường sẽ đổi chiều.

Giang