|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thời thế đảo điên, nhà đầu tư Mỹ lại rùng mình trước dữ liệu kinh tế mạnh mẽ

16:29 | 13/06/2022
Chia sẻ
Một chuyên gia chứng khoán cho biết, các nhà đầu tư hiện đang tiếp cận thông tin theo hướng rất ngược ngạo, khi nhìn nhận tin tốt về nền kinh tế thành tin xấu và ngược lại.

Ông Anthony Saglimbene. (Ảnh: Ameriprise Financial). 

Thị trường chứng khoán Mỹ đột nhiên quay trở lại trạng thái “tin tốt là tin xấu”. Bất kỳ số liệu mạnh mẽ nào về nền kinh tế, đặc biệt là việc làm và lạm phát, đều có thể bị diễn giải là tín hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ phải quyết liệt tăng lãi suất.

Ông Anthony Saglimbene, chuyên gia thị trường toàn cầu của công ty tài chính Ameriprise Financial, đã tham gia podcast của Bloomberg để bình luận về chủ đề này. Dưới đây là các ý chính của cuộc trò chuyện.

Vì sao tin tốt lại trở thành tin xấu cho thị trường?

Trong vài tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã rơi vào lối suy nghĩ rằng “liệu chúng ta có đang tiến vào suy thoái hay không?”, rồi “phải chăng suy thoái sẽ xuất hiện bởi Fed tăng lãi suất quá mạnh tay?”

Khi dữ liệu kinh tế tăng tốt hơn so với kỳ vọng của thị trường, các nhà đầu tư sẽ coi đây là tín hiệu cho thấy Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh bạo hơn. Đó là khi "tin tốt trở thành tin xấu" cho thị trường chứng khoán.

Mọi người đã chứng kiến hiện tượng này từ cách phản ứng của thị trường với báo cáo việc làm tháng 5.

Mỹ đã tạo ra 390.000 việc làm trong tháng 5 và giữ nguyên tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6% trong ba tháng việc liên tiếp. Nhìn tổng thể, thị trường việc làm đang rất ổn định.

Song, thị trường chứng khoán đi xuống vì nhà đầu tư nghĩ rằng nếu hoạt động kinh tế mạnh hơn ước tính đồng thuận thì Fed có thể sẽ tăng lãi suất quyết liệt hơn để hạ nhiệt tình hình. 

Trong vài tuần và vài tháng tiếp theo, khi thấy dữ liệu kinh tế nóng hơn dự kiến, bạn nên kỳ vọng rằng thị trường sẽ phải ứng theo cách tiêu cực. Còn dữ liệu kinh tế yếu hơn một chút so với dự đoán – nhưng không quá yếu - sẽ được đón nhận một cách tích cực.

Chúng tôi [Ameriprise Financial] gọi đây là kịch bản lý tưởng kiểu Goldilocks, tức là động lực kinh tế suy giảm nhưng không đến mức gây ra nỗi sợ về suy thoái. Rất khó để đạt được điều kiện này, nhưng đó là môi trường thị trường hiện nay.

Nếu lạm phát dịu đi, điều gì sẽ xảy ra với thị trường trong nửa cuối năm 2022?

Người tiêu dùng đang rất dư dả, với tỷ lệ tiết kiệm cao còn tỷ lệ nợ thấp. Họ bắt đầu sử dụng tín dụng quay vòng nhiều hơn một chút, và đó là điều chúng tôi đang theo dõi. Nhưng sau khi cân nhắc mọi phương diện, sức khỏe tài chính của người tiêu dùng vẫn tốt. Và miễn là thị trường lao động khỏe mạnh, thì tôi nghĩ những gì chúng ta đang chứng kiến là sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, chứ không phải là sự suy giảm trong chi tiêu.

Người tiêu dùng đang chi ít tiền hơn cho hàng hóa và chi nhiều hơn cho thực phẩm, năng lượng, và có lẽ là cả dịch vụ nữa. Khi mùa du lịch hè dần khép lại thì có lẽ chi tiêu cho năng lượng sẽ đi xuống. Vậy nên nếu lạm phát lắng dịu và chủ lao động không cắt giảm tuyển dụng, người tiêu dùng không hạn chế chi tiêu thì tôi nghĩ rằng Fed có cơ hội nhỏ để giảm tốc độ tăng lãi suất. 

Còn về cơ hội trên thị trường chứng khoán. Theo tôi nghĩ, thị trường đang phản ánh vào giá rằng Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Nếu kịch bản này không xảy ra và Fed thực sự có thể đưa nền kinh tế hạ cánh mềm, thì chứng khoán Mỹ có thể phục hồi trong nửa cuối năm.  

Điều cần chú ý khác là lợi nhuận. Chúng tôi thấy lo ngại vì các dự báo về lợi nhuận doanh nghiệp vẫn chưa được điều chỉnh Các nhà phân tích cần phải điều chỉnh dự đoán lợi nhuận của doanh nghiệp, và tôi cho rằng thị trường sẽ phản ứng tiêu cực với điều này.

Giang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.