|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

SEC đề xuất thay đổi cực lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ, trao thêm quyền lực cho nhà đầu tư nhỏ lẻ

10:22 | 09/06/2022
Chia sẻ
Chủ tịch SEC muốn cải tổ hệ thống giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ để các tay chơi nhỏ có thể cạnh tranh công bằng hơn với những ông lớn Phố Wall.

Ông Gary Gensler, Chủ tịch SEC. (Ảnh: Reuters). 

Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) vừa đề xuất những thay đổi lớn đối với hoạt động mua bán cổ phiếu của hàng triệu nhà đầu tư bình thường. Đây có thể là tin xấu đối với những ứng dụng giao dịch miễn phí như Robinhood và các công ty có mô hình kinh doanh tương tự.

Hôm 8/6, Chủ tịch SEC Gary Gensler phát biểu tại Hội thảo Trao đổi Toàn cầu Piper Sandler: Việc giao dịch có thể trở nên công bằng hơn với các nhà đầu tư nhỏ lẻ bằng một vài điều chỉnh đến cơ chế hoạt động của thị trường chứng khoán Mỹ.

Ông Gensler đã yêu cầu SEC xem xét cho nhà đầu tư nhỏ lẻ tiếp cận với một số đặc quyền hiện chỉ dành cho những tay chơi lớn nhất trên Phố Wall, bao gồm việc mua cổ phiếu với chưa tới 1 penny, có cái nhìn rõ hơn vào cơ chế của thị trường và mời gọi nhiều tay chơi hơn để đảm bảo rằng các nhà đầu tư thông thường được giao dịch với giá tốt nhất.

Trong số các kiến nghị chính của ông Gensler, điều đáng chú ý nhất là việc vá một lỗ hổng mà cơn sốt cổ phiếu meme đã góp phần làm lộ ra vào năm ngoái.

Ngày nay, khi nhà đầu tư mua hoặc bán cổ phiếu trên ứng dụng, giao dịch có vẻ được thực hiện ngay lập tức. Nhưng đằng sau hoạt động mua/bán đơn giản đó là mạng lưới phức tạp gồm các người chơi Phố Wall tập trung khai thác những chênh lệch nhỏ về giá để kiếm được lượng tiền khổng lồ.

Cơ chế này hoạt động như sau: Khi nhà đầu tư nhấn nút mua hoặc bán, Robinhood (hoặc nền tảng giao dịch tương tự) sẽ chuyển lệnh đó đến nhà tạo lập thị trường. Nhà tạo lập thị trường là bên trung gian đáng ra phải cung cấp cho nhà đầu tư giá tốt nhất và trả tiền cho các nền tảng giao dịch để được quyền thực hiện giao dịch. Các công ty này thường kiếm được vài xu cho từng giao dịch.

Quy trình này được gọi là “thanh toán cho dòng lệnh”, và đã bị các nhà quản lý thị trường soi xét gắt gao sau cơn cuồng cổ phiếu meme như GameStop hồi tháng 1/2021, tờ CNN cho hay.

Khi đó ông Dennis Kelleher, CEO Better Markets viết: “Cơn sốt GameStop đã vạch trần cách thị trường chứng khoán Mỹ bị gian lận nhằm làm giàu cho các công ty lớn ở Phố Wall, các công ty giao dịch tần suất cao và các nhà môi giới dựa trên thiệt hại của các nhà đầu tư thông thường".

Những người chỉ trích nói rằng “thanh toán cho dòng lệnh” tạo ra sự xung đột lợi ích, cho phép các nhà tạo lập thị trường giao dịch trước nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ cũng cho rằng hành vi này đã giúp thổi bùng cơn cuồng GameStop vì nó mở đường cho việc miễn phí giao dịch và khuyến khích các công ty chứng khoán thúc đẩy khách hàng giao dịch thường xuyên.

Phần lớn doanh thu của các ứng dụng giao dịch miễn phí như Robinhood đến từ hệ thống “thanh toán cho dòng lệnh”. Tháng 8 năm ngoái, giá Robinhood lao dốc sau khi ông Gensler nói rằng SEC “đang thảo luận” việc cấm hoàn toàn hoạt động này.

Cạnh tranh công bằng

Đồng thời, SEC cũng đang cân nhắc phương án tăng sự cạnh tranh giữa các môi giới trung gian để đảm bảo rằng nhà đầu tư nhỏ lẻ nhận được giá tốt nhất. Trong kịch bản này, lệnh giao dịch sẽ được điều hướng sang các cuộc đầu giá, buộc các nhà tạo lập thị trường phải cạnh tranh với nhau để được xử lý nó.

Chủ tịch Gensler nói: “Trong bối cảnh thị trường phân mảnh và chỉ tập trung vào một vài nhóm lợi ích như vậy, cũng như thiếu vắng một sân chơi công bằng, tôi không chắc rằng hệ thống thị trường tài chính hiện tại của Mỹ có đang đem lại sự công bằng và cạnh tranh tối đa cho nhà đầu tư hay không”.

Ví dụ, ông lưu ý rằng nhà đầu tư nhỏ lẻ mua cổ phiếu với chênh lệch từng penny, nhưng các nhà tạo lập thị trường còn có bước giá nhỏ hơn thế. Với khối lượng lớn, sự khác biệt này đem lại cho nhà tạo lập thị trường lợi thế và tạo ra lợi nhuận khổng lồ.

Chủ tịch SEC cũng đề nghị cung cấp thông tin thị trường cho các nhà đầu tư có số lượng cổ phiếu nhỏ tương tự như với những nhà đầu tư lớn. Ông muốn đặt ra quy định mới buộc các nhà tạo lập thị trường tiết lộ thêm thông tin về khoản phí mà họ nhận được và thời gian giao dịch vì lợi ích của nhà đầu tư.

Giang

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.