Đừng để doanh nghiệp tử tế thiệt thòi
Hội thảo "Phòng chống tham nhũng (PCTN) trong khu vực ngoài nhà nước theo quy định của Luật PCTN" đã được Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức ngày 6-12 ở Hà Nội.
Hoàn thiện chính sách và quy trình
Chia sẻ tại hội thảo, bà Catherine Phuong, trợ lý giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam, cho biết thế giới thừa nhận sự cần thiết phải PCTN và có nhiều quốc gia quy định về PCTN trong khu vực tư. Tham nhũng cản trở hiệu quả của nền kinh tế toàn cầu, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp (DN) và sự phát triển bền vững.
Do đó, phải quy định PCTN trong khu vực tư vì nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến khu vực này. Khi hội nhập kinh tế quốc tế, giao dịch và đầu tư nước ngoài gia tăng, đòi hỏi tuân thủ tốt hơn các quy tắc và tiêu chuẩn kinh doanh quốc tế. Trong khi đó, khu vực tư có vai trò quan trọng thúc đẩy liêm chính kinh doanh và PCTN.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam tham gia có chương 26 về minh bạch và PCTN. Theo bà Catherine, Việt Nam là môi trường có nguy cơ tham nhũng cao. Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tỉ lệ các công ty phải trả "chi phí không chính thức" tăng từ 50% năm 2013 lên 64% vào năm 2014; 66% vào các năm 2015, 2016 và đến năm 2017 giảm chút ít, còn 59,3%. Khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2017 thể hiện lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài rằng rủi ro tham nhũng cao ở Việt Nam đặt ra những thách thức lớn cho các công ty đa quốc gia vốn được yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về hối lộ. Báo cáo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên cho thấy Việt Nam đứng thứ 81 về đạo đức và tham nhũng; xếp thứ 109 về các khoản chi không chính thức và hối lộ trong tổng số 137 nước.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng PCTN luôn là vấn đề nhạy cảm và rất cần thiết trong khu vực tư vì bảo vệ nhà đầu tư, bên thứ ba, quan hệ kinh tế lành mạnh, tin cậy, chi phí vận hành, chi phí kinh doanh giảm. Theo ông Tuấn, PCTN trong khu vực tư cần kết hợp nhiều công cụ như: Quản trị DN, bảo vệ cổ đông ít vốn, thanh toán bằng tiền mặt, minh bạch tài chính, quy định về tài chính kế toán; dễ dàng khởi kiện; giám sát bên ngoài.
"Nhà nước cần hoàn thiện chính sách và quy trình, đừng để DN kinh doanh đúng, tử tế, minh bạch thiệt thòi. Đồng thời, cần có những chuẩn mực đạo đức, đưa ra những thông điệp yêu cầu cao về chất lượng DN" - ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị.
Đại biểu dự hội thảo trao đổi về các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Ảnh: Dương Ngọc |
Vấn đề mới đối với Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết ngày 20-11, Quốc hội đã thông qua Luật PCTN năm 2018 thay thế Luật PCTN năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012). Theo kế hoạch, ngày 11-12-2018, Chủ tịch nước sẽ chính thức ký lệnh công bố đạo luật quan trọng này và luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2019.
Một trong những nội dung mới của luật lần này được dư luận rất quan tâm là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước. Đây được coi là một yêu cầu đặt ra trong công tác PCTN hiện nay ở Việt Nam. Bên cạnh đó, với bối cảnh thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu và cải thiện môi trường cạnh tranh nhằm thu hút các nguồn lực phù hợp cho các mục tiêu phát triển đất nước, đây được coi là sự thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với những nỗ lực PCTN và xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.
Tuy nhiên, do lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước nên bước đầu, Luật PCTN mới quy định những vấn đề cơ bản như: các hành vi tham nhũng do người có chức vụ, quyền hạn trong DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện, bao gồm các quy định mang tính khuyến khích và bắt buộc (đối với tổ chức tín dụng, công ty đại chúng và một số tổ chức xã hội); xử lý người có hành vi tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN trong DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Đây đều là những vấn đề khó, mới đối với Việt Nam, có tác động lớn đến môi trường kinh doanh và hoạt động của các tổ chức, DN.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về trách nhiệm và làm rõ các quy định của Luật PCTN mới được Quốc hội thông qua về PCTN trong DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, cũng như lắng nghe nhiều ý kiến từ phía DN. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm khẳng định trên cơ sở các ý kiến tại hội thảo, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật cũng như thực hiện các biện pháp bảo đảm thi hành các quy định.
Doanh nghiệp FDI quan ngại Luật sư Trần Anh Hùng, Công ty Luật Bross & Partners, cho rằng Luật PCTN mới chỉ mở rộng đối với 3 hành vi vi phạm. Nếu các hành vi khác có dấu hiệu thuộc nhóm 14 hành vi được quy định tại Bộ Luật Hình sự năm 2015 vẫn không bị coi là tội phạm đối với khu vực ngoài nhà nước (không đủ dấu hiệu về cấu thành tội phạm). Khi đó, vẫn hiện hữu các hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm hại nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của DN trên lãnh thổ Việt Nam nhưng lại không có hành lang pháp lý hình sự để xử lý. Điều này cũng khiến các DN FDI quan ngại khi sử dụng lao động là người Việt Nam có thể dẫn tới bị tiết lộ bí mật kinh doanh hoặc thất thoát tài sản nhưng lại không được pháp luật tại Việt Nam bảo hộ toàn diện. |