Dùng bẫy cũ dụ người mới trong chiêu trò lừa đảo đa cấp
Chiều 8/11, khoảng 300 người từ khắp Đăk Lăk, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam... đứng kín một góc đường 29 Tháng 3, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, ánh mắt bồn chồn hướng về phía đối diện - trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI.
Trong đám đông ấy có chị An, 40 tuổi, trú Đăk Lăk, từ hơn 3 năm trước đã trở thành "nhà đầu tư" của GFDI. Choáng ngợp trước quảng cáo trả lãi suất 50% mỗi năm, những dự án tỷ đô "làm phim, chứng khoán, bất động sản quốc tế, trang trại nghìn ha" được giám đốc Nguyễn Quang Hoàng rao giảng, chị đã dốc toàn bộ tiền tiết kiệm 1,2 tỷ đồng để góp vốn.
Giờ cả chị và nhiều người cùng cảnh ngộ đang đứng trước GFDI trong lúc trụ sở doanh nghiệp này đang bị công an khám xét.
Theo điều tra ban đầu, từ tháng 11/2023 Công ty GFDI tại Đà Nẵng mất khả năng tài chính. Để duy trì hoạt động, Hoàng chỉ đạo nhân viên ký hợp đồng vay tiền của hàng nghìn người, sử dụng tiền vay của người sau trả cho người trước. Đến đầu tháng 11, công ty không thể trả tiền cho 7.541 khách hàng với tổng số dư nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng.
Thực tế, những dòng người kéo đến đòi tiền các công ty hoạt động kiểu này đã xuất hiện từ hàng trăm năm trước, trong những vụ án có thủ đoạn giống hệt, được gọi chung là "kế hoạch Ponzi", "lừa đảo đa cấp", hoặc "lừa đảo kim tự tháp".
Từ hơn 100 năm trước ở Boston (Mỹ), cách Đà Nẵng ngược về hướng Tây hơn 14.000 km, cũng có một dòng người như thế, xếp hàng dài cả kilomet, đòi tiền của "cha đẻ" thủ đoạn lừa đảo đa cấp - Charles Ponzi.
Ponzi đã đưa ra hứa hẹn rất giống với giám đốc Hoàng của GFDI Đà Nẵng, thậm chí choáng ngợp hơn: 50% lãi trong 90 ngày. Cũng bằng những "dự án bánh vẽ" tầm cỡ quốc tế, chỉ trong một năm, Ponzi đã có hơn 40.000 người xếp hàng đợi góp tiền. Ponzi thu về 20 triệu USD (hơn 300 triệu USD ngày nay).
Hơn 100 năm sau khi Ponzi lĩnh án tù và chết tha hương với số tiền chỉ đủ trả công đào huyệt, bất chấp các cảnh báo liên tục của nhà chức trách khắp thế giới tới công dân của mình về mô hình lừa đảo rất cũ, những "dòng người đi đòi tiền" năm nào cũng lặp lại ở nhiều quốc gia.
Nhận diện
Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) định nghĩa, bẫy Ponzi là mô hình gian lận đầu tư trong đó lợi nhuận được trả cho các nhà đầu tư từ tiền của chính họ, hoặc từ tiền do các nhà đầu tư tiếp theo đóng góp, thay vì từ lợi nhuận tạo ra từ các hoạt động kinh doanh thực sự. Mô hình Ponzi đòi hỏi phải có dòng tiền mới liên tục, vì nó không kiếm được tiền từ việc bán sản phẩm hoặc dịch vụ.
Dấu hiệu đầu tiên nhận diện một cái bẫy Ponzi, theo SEC, là lợi nhuận quá cao, hứa hẹn "không có rủi ro".
Trong vụ án GFDI đang được Công an Đà Nẵng điều tra, từ khi thành lập tháng 5/2018, Hoàng đã đưa ra "miếng mồi" lãi suất tới 5%/tháng, cao hơn mức lãi suất năm của nhiều ngân hàng thời điểm đó. Để tăng hấp dẫn, Hoàng sau đó đưa ra các ưu đãi tăng dần, kèm quà tặng tiền mặt, cho các mức góp vốn tăng dần.
Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, nói với VnExpress, người dân khi đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào cũng phải quan tâm đến mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng (được thiết lập mặt bằng chung cho xã hội và định hướng cho cả thị trường). Việc có những công ty huy động vốn, trả lãi gấp nhiều lần ngân hàng là "không thực tế".
"Mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng hiện nay là 5%/năm. Nhưng GFDI huy động vốn lãi suất có thời điểm 50% thì người dân phải đặt dấu hỏi họ làm cái gì ra lợi nhuận như vậy để trả cho mình. Để kiếm được lợi nhuận trả cho khách hàng 50% hoặc 40% thì người ta làm ít nhất phải được 100%, trong bối cảnh kinh tế thế này ai có thể làm được 100%", ông Minh phân tích.
Qua các vụ án đã phát hiện, dấu hiệu thứ hai của bẫy Ponzi ở Việt Nam là những vỏ bọc hào nhoáng và sự kiện trả thưởng rầm rộ.
Trong vụ án xảy ra tại Công ty Liên Kết Việt - vụ lừa đảo đa cấp có "kỷ lục" nhiều bị hại nhất 68.000 người, ông trùm Lê Xuân Giang bị cáo buộc đã đặt cho doanh nghiệp cái tên gây nhầm lẫn "BQP" và tự nhận là doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng, kinh doanh "chất lính" dù không hề là lính, cũng không có quan hệ hợp tác gì với Bộ Quốc phòng.
Trong phiên xét xử, ông Giang bị cáo buộc mua nhiều quân phục, đeo huy chương giả đầy hai ngực áo, xuất hiện trong những hội thảo hàng nghìn người, trưng bày những bằng khen giả, những bức ảnh bắt tay lãnh đạo cao cấp.
Để củng cố cho mác doanh nghiệp lính, ông mời nhiều cán bộ quân đội về hưu làm các chức danh lãnh đạo trong công ty... BQP mở hội thảo trả thưởng quy mô 5.000 người ở trung tâm hội nghị lớn... Hàng trăm chiếc ôtô dán logo tập đoàn đỗ ngoài sân bãi và rừng cờ, băng rôn khẩu hiệu treo hai bên lối đi.
Trong 68.000 bị hại, không phải đều là người già về hưu ít kinh nghiệm làm ăn, hay người không am tường kiến thức thị trường mà có rất nhiều nhà khoa học, giảng viên đại học, kỹ sư IT, thương nhân xuất nhập khẩu.... Họ thừa nhận có lúc thoáng nghi ngờ vì lãi suất cao đáng ngờ, nhưng khi thấy sự hào nhoáng và vỏ bọc tin cậy của ông Giang đã "dốc lòng theo".
Dấu hiệu khác của các tập đoàn lừa đảo này là hầu như không có hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại vụ án tiến sĩ dạy làm giàu Phạm Thanh Hải, người bị phạt tù chung thân tháng 4/2023, toà xác định bị cáo nhận tới 2.700 tỷ đồng nhưng chỉ dùng 99 tỷ (3,6% tổng tiền huy động) cho 9 dự án mà 6 năm mới cho lãi 2 triệu đồng.
Các dự án dạy làm giàu, trồng macca, start up công nghệ của doanh nghiệp được ông Hải quảng cáo sánh ngang Amazon, Facebook, hay Tiktok, cho lợi nhuận trên một tỷ USD mỗi năm. Tòa cáo buộc, ông Hải gọi vốn nhưng không dùng tiền để kinh doanh mà 87% là lấy tiền người sau trả lãi người trước.
Trong đại án đa cấp Thăng Long Group, những nạn nhân của ông trùm Lê Văn Quang cũng được nhận về vài hộp thực phẩm chức năng không rõ thành phần, nguồn gốc để mang đi mời chào các "nhà đầu tư" đến sau.
Chị Tính, cô thợ may phố núi bán nhà lấy 200 triệu đồng đầu tư, 6 năm sau vẫn mang theo những gói trà thảo mộc và thực phẩm chức năng năm xưa đến tòa làm "vật chứng". Nhưng đến hôm ấy, chị và hàng trăm người đến tòa xem xử án, cũng không biết Thăng Long Group dùng tiền góp vốn của mình để kinh doanh cái gì.
Trong vụ án Ponzi 100 năm trước, siêu lừa Charles Ponzi đã huy động 20 triệu USD và cũng chỉ dùng 61 USD, tương đương 0,0003%, vào đầu tư kinh doanh.
Với GFDI Đà Nẵng, nhà chức trách xác định đăng ký hoạt động trong 6 lĩnh vực: quản lý vốn; F&B; sản xuất hàng tiêu dùng thương mại; G-Media; kinh doanh và phân phối bất động sản; thể thao điện tử.
Hiện, Công an Đà Nẵng chưa kết luận GFDI kiếm được tiền từ lĩnh vực nào.
Ông Trần Trọng Vũ, Giám đốc kinh doanh công ty xây dựng DHCONS, người có kinh nghiệm 12 năm trong lĩnh vực đầu tư tài chính, cho biết từng "suýt" trở thành nạn nhân của GFDI, khi năm 2020 nhân viên sale tiếp cận, mời chào góp vốn đầu tư vào mảng kinh doanh của công ty này.
"Lúc đó tôi hỏi về việc ký hợp đồng thì các bạn cho biết khách hàng sẽ ký trực tiếp với đại diện công ty được uỷ quyền và chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Tôi đề nghị nhân viên cho xem báo cáo tài chính của công ty thì họ nói không có. Đây là dấu hiệu của lừa đảo", ông Vũ cho hay.
Cơ may nào lấy lại tiền?
Bà Lan, 70 tuổi, trú Đà Nẵng, từ hôm GFDI bị khám xét, ngày nào cũng ra công ty nghe ngóng. Bà bảo rồi đây không biết ăn nói với con cái thế nào. 5 tỷ đồng tiền tích cóp, cầm cố nhà cửa tài sản giấu con cái mang đi đầu tư vào GFDI, "chưa kịp lấy đồng lãi đã thấy công an vào khám trụ sở".
Bà Lan vẫn hy vọng nhà chức trách can thiệp để "có cơ may lấy được đồng nào hay đồng đó". Song thực tế, trong các vụ án lừa đảo đa cấp, quyền lợi của các nhà đầu tư phải đợi phán quyết của tòa án.
Nằm trong số 36.000 bị hại của vụ án Thăng Long Group, chị Tính cũng muốn được trả lại số tiền bị chiếm đoạt. Song với số tiền lừa lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, trước toà các bị cáo khi được hỏi về trách nhiệm này đã chẳng ngần ngại thừa nhận "đã tán gia bại sản, không còn khả năng bồi thường".
Với vụ án tại GFDI, nhiều chuyên gia cho rằng cũng có thể lại "kịch bản tương tự". Theo cáo buộc ban đầu của Công an Đà Nẵng, Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng đã thu được hơn 3.700 tỷ đồng. Song ông Vũ phân tích, trên thực tế với hình thức huy động vốn kiểu này, những khách hàng trước thường đã "ôm" được một khoản tiền lớn.
"Ví dụ, hợp đồng một tỷ đồng, theo thông thường, Hoàng sẽ trả 50 triệu cho nhân viên bán hàng, mỗi năm trả 360-480 triệu đồng tiền lãi cho khách hàng. Trừ đi tiền phí hoạt động của công ty, tiền mặt bằng, chi phí thuê sang đắt tiền, nhà hàng để làm "phông bạt" thì số tiền còn lại không bao nhiêu. Chính các nạn nhân trước đó đã lấy tiền của nhau", ông Vũ phân tích.
Ông Vũ cho rằng nhiều người biết hình thức góp vốn này là lừa đảo nhưng vẫn gửi tiền vào với mục đích "ăn mấy đồng rồi chạy". Nhóm góp vốn sau cùng là những người chịu thiệt hại.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, trước hàng loạt vụ án liên quan đến các công ty tài chính huy động lãi suất lớn nhưng sau đó tuyên bố phá sản, gây bất ổn xã hội, "hệ thống luật pháp cần điều chỉnh theo hướng đưa thêm những quy định cụ thể và phải giao cho một cơ quan nào đó giám sát, kiểm soát những công ty này".
Về góc độ quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo khách hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng, lưu ý người dân cẩn thận trước lời chào mời lãi suất cao.
* Tên các nhân vật trong bài đã thay đổi