Trả lãi suất huy động tới 50%/năm, Công ty tài chính GFDI khiến hàng trăm người dân điêu đứng
Công ty GFDI đang đầu tư vào đâu?
Tối 5/11, mạng xã hội lan truyền tâm thư được cho là của Tổng Giám đốc Công ty GFDI Nguyễn Quang Hoàng. Nội dung trong thư cho biết "vì các mảng đầu tư vốn là nguồn thu lợi chính của GFDI không còn mang lại lợi nhuận như kỳ vọng nên công ty đang rà soát, tái thẩm định và sẽ tạm dừng những dự án đầu tư không còn khả năng sinh lợi tốt để đảm bảo quản lý tốt nhất nguồn vốn của khách hàng".
"Trong thời gian tới, công ty sẽ chậm chi trả cho một số hợp đầu tư của quý khách", nội dung bức thư của ông Nguyễn Quang Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty GFDI viết.
Ngay sáng 6/11, tại trụ sở của Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI tại địa chỉ số 92 đường 23/9, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã có rất nhiều người dân tập trung để đòi lại số tiền đã đầu tư.
Phóng viên đã nhiều lần liên lạc vào số điện thoại tổng đài Công ty TNHH GFDI nhưng đều báo bận hoặc không liên lạc được. Đồng thời, website chính thức của công ty là gfdigroups.com cũng không thể truy cập.
Theo cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty GFDI tên đầy đủ là Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư GFDI được thành lập tháng 5/2018, do ông Nguyễn Quang Hoàng (sinh năm 1988, thường trú Tổ 1, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc.
Đặc biệt, trong hơn 6 năm hoạt động, công ty này đã nhiều lần thay đổi trụ sở chính. Ban đầu, trụ sở công ty đặt tại 16 Lê Văn Long, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Chưa đầy một năm sau, công ty chuyển địa chỉ sang tầng 9, Tòa nhà số 69 Quang Trung, Phường Hải Châu, TP Đà Nẵng. Cuối tháng 4/2022, địa chỉ trụ sở thay đổi sang số 92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng.
Vốn điều lệ của Công ty GFDI cũng liên tục thay đổi. Với 1 tỷ đồng ban đầu (cơ cấu cổ đông không được công bố), vốn điều lệ được nâng thành 20 tỷ đồng vào tháng 3/2019, hoàn toàn là vốn tư nhân.
Đến tháng 10/2021, Công ty GFDI đưa vốn điều lệ thành 40 tỷ đồng. Hơn một năm sau, tháng 12/2022, vốn điều lệ tăng gấp đôi, đạt 80 tỷ.
Theo giới thiệu của đơn vị này, sau hơn 6 năm hoạt động, công ty này đã có hàng nghìn khách hàng khắp cả nước. Từ lĩnh vực quản lý vốn ban đầu, đến nay công ty đã dần mở rộng hoạt động sang 6 lĩnh vực khác bao gồm: Quản lý vốn; kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, ăn uống; sản xuất hàng tiêu dùng và thương mại; đầu tư hoạt động nghệ thuật; thể thao và thể thao điện tử.
Doanh nghiệp này cho biết đang có 10 chi nhánh tọa lạc tại các tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM và Cần Thơ.
Trong bài PR của GFDI, công ty giới thiệu "các dự án đang được đầu tư là Dự án Seneco - sản xuất chén dĩa bằng lá sen an toàn và thân thiện với môi trường; Dự án K-Products - sản xuất thực phẩm Việt theo công nghệ retort Nhật Bản; Sản xuất hạt nêm thương hiệu Enzy thuần tự nhiên an toàn cho người sử dụng; Tòa nhà văn phòng cho thuê GFDI gồm 1 hầm, 1 tầng trệt và 5 tầng lầu sẽ đi vào vận hành trong cuối năm 2023 và rất nhiều dự án tiềm năng khác”.
Nói thêm, dự án Seneco là dự án thuộc CTCP Sản xuất Thương mại Seneco thực hiện. Công ty này cũng do ông Nguyễn Quang Hoàng sáng lập vào tháng 5/2021, có trụ sở tại số 458 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 2, quận 3, TP HCM. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính của Seneco là sản xuất ly, chén, dĩa và các sản phẩm khác tương tự từ lá sen và lá khác; các mặt hàng tiêu dùng xanh (không hoạt động tại trụ sở).
Seneco có vốn điều lệ 3 tỷ đồng, trong đó Công ty GFDI góp 90% vốn, ông Nguyễn Quang Hoàng nắm 5% và ông Lê Hùng Anh giữ 5% vốn.
Ngoài ra, tại dự án K-Products, GFDI giới thiệu công ty "đã thành công phân phối tại hệ thống các siêu thị tại Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc; đồng thời nhận được nhiều sự quan tâm cũng như đánh giá cao từ các đối tác và khách hàng mục tiêu đến từ Trung Quốc, Hong Kong, Châu Âu,... thông qua Hội chợ Thaifex 2023".
Tháng 11/2023, GFDI đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất K-Products tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam) với quy mô 4.000 m2. Tổng sản lượng sản phẩm được sản xuất ước tính 15 container 40 ft/1 tháng ngay sau khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động.
Công ty GFDI trả lãi suất cao ngất ngưởng
Với vốn điều lệ 80 tỷ đồng, nhưng GFDI hoạt động đầu tư rất nhiều mảng từ quản lý vốn; F&B; sản xuất hàng tiêu dùng và thương mại; đầu tư hoạt động nghệ thuật; thể thao và thể thao điện tử,... Vậy công ty lấy tiền từ đâu?
Theo tìm hiểu, khách hàng muốn ký kết hợp đồng đầu tư (ký kết hợp đồng cho vay) vào Công ty GFDI phải đáp ứng số tiền thấp nhất 120 triệu đồng và sẽ nhận được mức lãi suất cực kỳ hấp dẫn lên tới 50%/năm (trả 1 lần cả lãi và gốc sau khi hết hạn). Ngoài ra, công ty cũng có lãi suất 3, 6 và 9 tháng tùy nhu cầu khách hàng. Về sau, công ty hạ dần mức lãi suất xuống còn 11% cho toàn bộ thời hạn vay.
Cách đây không lâu, ngày 2/11, Công ty GFDI đã có thông báo số 591/2024/TB-GFDI gửi khách hàng về chương trình ưu đãi tháng 11/2024. Trong đó, công ty hứa hẹn: khi khách hàng ký mới hợp đồng có giá trị dưới 500 triệu đồng sẽ được tặng tiền mặt có giá trị 0,5% hợp đồng; với hợp đồng từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng sẽ được tặng 1% hợp đồng; với hợp đồng trên 1 tỷ sẽ được tặng 1,5% giá trị hợp đồng. Đối với khách hàng đáo hạn nâng vốn, số tiền nâng vốn tối thiểu 150 triệu đồng mới được áp dụng chương trình…
Như vậy, với lượng khách hàng hàng nghìn người như giới thiệu, ước tính GFDI đã huy động được cả trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng từ người dân.
Theo chia sẻ của chị N.N.T (30 tuổi, trú tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), chị từng được bạn bè giới thiệu đầu tư vào Công ty FGDI. Các mảng đầu tư được giới thiệu là đầu tư cổ phiếu, đầu tư vào chuỗi nhà hàng, đầu tư vào khách sạn, đầu tư vào nhà máy để sản xuất bột ngọt,...
Đặc biệt, công ty cam kết lãi suất cực kỳ cao, cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, do cho rằng đây là công ty hoạt động theo hình thức đa cấp, nghi ngờ công ty lấy tiền từ người sau trả cho người trước, nên chị T đã từ chối đầu tư.