|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đức, Ba Lan và các nước khác muốn giáng đòn vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Nga

22:33 | 19/04/2023
Chia sẻ
Đức, Ba Lan và một số nước thành viên EU đang kêu gọi trừng phạt lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Nga, khi khối này cân nhắc các biện pháp mới để làm tổn hại doanh thu của Điện Kremlin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AP).

Sau khi Nga động binh với nước láng giềng Ukraine hồi đầu năm ngoái, 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã trừng phạt than đá, dầu thô vận chuyển bằng đường biển cũng như cắt giảm đáng kể việc mua khí đốt tự nhiên từ Moscow.

Tuy nhiên, một số quốc gia trong khối tin rằng đã đến lúc EU phải hành động mạnh mẽ hơn nữa. Ông Robert Habeck, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức, nhấn mạnh vào cuối tuần trước: “Toàn khối EU phải tiếp tục tự chủ và tách biệt Nga”.

“Lĩnh vực hạt nhân của Nga vẫn đang bình an vô sự. Đáng lẽ lĩnh vực này không nên được ưu ái như vậy. Công nghệ hạt nhân là một lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm và Nga không còn được coi là một đối tác tin cậy nữa”, ông Habeck nói tiếp.

Trong một tài liệu mà CNBC tiếp cận được, Ba Lan và các nước vùng Baltic cũng kêu gọi trừng phạt lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự của Nga, cũng như cấm nhập khẩu kim cương từ xứ sở Bạch Dương.

Ngoài ra, các nước này còn thúc giục EU cấm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông cho các công ty nhà nước Nga, đồng thời cấm nhập khẩu dầu trên đường ống Druzhba.

Theo CNBC, các nước vùng Baltic đang cố gắng gia tăng áp lực lên Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành của EU, chịu trách nhiệm soạn thảo các đề xuất trừng phạt để 27 nước thành viên thông qua.

“Từ tháng 3 đến tháng 12/2022, Nga đã xuất khẩu hơn 1 tỷ USD vật liệu và công nghệ liên quan đến lĩnh vực năng lượng hạt nhân”, viện chính sách RUSI của Anh cho hay trong một báo cáo hồi tháng 2/2023.

“Trong đó, Nga có xuất khẩu sang các nước thành viên NATO và EU. Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu liên quan đến hạt nhân của Nga không bị thu hẹp kể từ tháng 2/2022, mà dữ liệu cho thấy chúng có thể đang mở rộng”, báo cáo có đoạn.

Theo các tác giả của bản báo cáo, một số khách hàng trung thành vẫn muốn hợp tác kinh doanh với lĩnh vực hạt nhân của Nga.

 

Theo dữ liệu do văn phòng thống kê châu Âu Eurostat công bố vào năm 2021, tức một năm trước khi Nga tấn công Ukraine, Moscow là nhà cung cấp uranium lớn thứ ba của EU.

Trước đây, các quan chức Ukraine cũng như một số nhóm môi trường từng chỉ trích việc EU cho đến nay vẫn chưa động đến doanh thu từ xuất khẩu năng lượng hạt nhân của Điện Kremlin.

Khối kinh tế chung châu Âu đã ban hành 10 gói trừng phạt đối với Nga trong 14 tháng kể từ khi cuộc chiến nổ ra. Giới chức trách đang chuẩn bị cho gói trừng phạt tiếp theo.

Khi được hỏi liệu các chính sách sắp tới có nhắm vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Nga hay không, phát ngôn viên của EC cho biết cơ quan này không có bình luận nào về các cuộc thảo luận mật đang diễn ra.

“Chúng tôi đang chuẩn bị cho gói trừng phạt thứ 11”, vị phát ngôn viên cho hay. “...để hoàn thành mọi thứ cần có thời gian”.

Tại EU, bất kỳ đề xuất nào đều phải trải qua một quá trình phức tạp, bởi tất cả các nước thành viên phải gật đầu đồng ý. Trong các cuộc thảo luận trước đó, các nước khác đã phải dành thêm thời gian để thuyết phục Hungary và Bulgaria.

Vấn đề trừng phạt lĩnh vực hạt nhân của Nga càng trở nên phức tạp hơn khi vào tháng 8 năm ngoái, Hungary đã tuyên bố sẽ xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân mới với tập đoàn nhà nước Nga Rosatom.

Rosatom là nhà xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân lớn trên thế giới. Năm 2021, khoảng 14% lượng uranium cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng hạt nhân của Mỹ đến từ Rosotom. Các công ty năng lượng của châu Âu cũng mua gần 1/5 nhiên liệu hạt nhân từ Rosatom.

Khả Nhân