Dự trữ ngoại hối Trung Quốc giảm mạnh hơn dự báo
Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đạt đỉnh 400 tỷ USD, đứng thứ 9 trên thế giới | |
Trung Quốc: Dự trữ ngoại hối tăng trở lại nhờ nhân dân tệ tăng giá |
Trong tháng 8, đồng Nhân dân tệ giảm giá tháng thứ 5 liên tiếp - Ảnh: Reuters. |
Hãng tin Reuters dẫn số liệu do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) công bố ngày 7/9 cho biết dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm trong tháng 8 còn 3,11 nghìn tỷ USD, so với mức tăng 3,82 nghìn tỷ USD trong tháng 7. Trước đó, giới phân tích dự báo dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm còn 3,111 nghìn tỷ USD.
Xung đột thương mại, bất ổn địa chính trị và kinh tế, cũng như biến động tỷ giá do sự tăng giá của đồng USD là những nhân tố khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc suy giảm - Cơ quan Quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) nói trong một tuyên bố.
Trong tháng 8, đồng Nhân dân tệ giảm giá tháng thứ 5 liên tiếp, do đồng USD giữ đà tăng giá mạnh. Sự giảm giá của Nhân dân tệ đặt ra lo ngại Bắc Kinh có thể đang ngầm phá giá đồng Nhân dân tệ để hỗ trợ các công ty xuất khẩu của Trung Quốc trong bối cảnh xung đột thương mại Trung-Mỹ gia tăng.
Đồng Nhân dân tệ giảm giá gần 0,2% so với USD trong tháng 8. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,7%.
Vào cuối tháng 8, Nhân dân tệ đã hồi phục sau khi PBoC có một loạt động thái nhằm phát tín hiệu rằng Bắc Kinh không muốn Nhân dân tệ giảm giá sâu hơn.
Chuyên gia kinh tế Julian Evans-Pritchard thuộc Capital Economics nói rằng việc PBoC chần chừ trong việc sử dụng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá cho thấy Trung Quốc đã học được một bài học từ năm 2015-2016, khi việc can thiệp vào thị trường khiến dự trữ ngoại hối sụt giảm với tốc độ chóng mặt.
"Việc bán ra ngoại tệ cũng khiến PBoC có thể phải đối mặt những cáo buộc về thao túng tỷ giá, cho dù họ hành động để nâng tỷ giá lên chứ không phải làm suy yếu đồng nội tệ", ông Evans-Pritchard nói trong một báo cáo.
"Quan trọng hơn, có vẻ PBoC đã thành thạo việc định hướng tỷ giá theo những cách ít rõ ràng hơn, chẳng hạn dựa vào các ngân hàng quốc doanh để giúp bù đắp lượng thoái vốn và bình ổn tỷ giá".
Trong những tuần gần đây, PBoC đã đóng những lỗ hổng có thể được sử dụng để chuyển vốn ra nước ngoài, làm cho việc đầu cơ giá xuống đồng Nhân dân tệ trở nên tốn kém hơn, và tái kích hoạt một nhân tố "chống chu kỳ" trong việc thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày nhằm giảm mức độ biến động tỷ giá.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng PBoC có thể sẽ sớm quyết định có can thiệp mạnh hơn để hỗ trợ tỷ giá, khi mà Mỹ đang sẵn sàng áp thuế quan bổ sung lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
"Sự giảm giá gần đây của Nhân dân tệ sẽ bù đắp phần lớn ảnh hưởng kinh tế của thuế quan bổ sung đã được áp. Nhưng nếu chiến tranh thương mại Trung-Mỹ leo thang cao hơn, thì tình hình thực sự đáng lo ngại", một báo cáo của Capital Economics nhận định.
Dù Nhân dân tệ giảm giá liên tiếp mấy tháng gần đây, hầu như chưa có dấu hiệu nào cho thấy có sự tăng vọt trong dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc như những gì diễn ra hồi năm 2015-2-16 sau khi PBoC bất ngờ phá giá đồng tiền.
Hầu hết các chiến lược gia tiền tệ được Reuters khảo sát tuần này dự báo Nhân dân tệ chỉ tăng giá nhẹ trong vòng 12 tháng tới. Một số tin rằng Bắc Kinh có thể để cho Nhân dân tệ giảm giá thêm nếu các điều kiện thương mại toàn cầu xấu đi.
Các biện pháp kiểm soát vốn mà Trung Quốc triển khai vào năm 2016-2017 cũng được cho là đã giúp hạn chế sự biến động của tỷ giá Nhân dân tệ. Trong hai năm đó, Bắc Kinh đã "đốt" khoảng 1 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá và ngăn sự tháo chạy của dòng vốn, nhưng chỉ đạt hiệu quả rất hạn chế. Chỉ khi các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ được tung ra, thì tỷ giá mới được bình ổn.
Số liệu của PBoC cũng cho thấy giá trị dự trữ vàng của Trung Quốc giảm còn 71,228 tỷ USD vào thời điểm cuối tháng 8, từ mức 72,324 tỷ USD vào cuối tháng 7.