Dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu chuẩn bị trình Quốc hội
Theo tờ trình của Chính phủ thì đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì chiếm 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. |
Trong bối cảnh nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu đang có nguy cơ tăng trở lại, Chính phủ đã nêu sự cần thiết cần có nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Hồ sơ dự thảo nghị quyết này vừa được được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, phục vụ kỳ họp sẽ được khai mạc ngày 22/5 tới.
Sẽ gỡ nhiều vướng mắc
Theo tờ trình của Chính phủ thì đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì chiếm 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.
Nhưng, đây cũng chỉ là một trong nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ trong quá trình xử lý nợ xấu.
Bên cạnh nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại, Chính phủ còn nêu một số vướng mắc khác.
Như, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm. Quá trình xét xử, thi hành án với nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài làm cho việc xử lý nợ xấu thông qua tòa án rất chậm, chưa hiệu quả.
Nhiều khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố nên thời gian giải quyết bị kéo dài.
Ngoài ra, cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn bất cập, gây nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, VAMC; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; thị trường mua bán nợ chậm phát triển…
Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, song VAMC còn thiếu nguồn lực và cơ chế, chính sách, quy định pháp lý phù hợp để xử lý nhanh nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua....
Việc xây dựng nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, theo Chính phủ là để quy định cụ thể về các biện pháp xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng; nâng cao vai trò, năng lực của VAMC.
Hiệu lực 5 năm
Dự thảo nghị quyết có 18 điều, gồm một số quy định chưa được quy định tại các luật hiện hành và một số quy định khác với quy định tại các luật hiện hành, thời hạn hiệu lực là 5 năm, kể từ ngày 1/7/2017.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo nghị quyết quy định bao gồm toàn bộ nợ xấu hiện có và nợ phát sinh trong giai đoạn có hiệu lực của nghị quyết.
Nợ xấu được quy định tại nghị quyết là các khoản nợ không có khả năng thu hồi hoặc được đánh giá không có khả năng thu hồi một phần hoặc toàn bộ nợ gốc, lãi khi đến hạn thanh toán, được phân loại vào nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có nguy cơ mất vốn. Phạm vi, nguyên tắc và phương pháp xác định nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Nghị quyết còn bao gồm các quy định về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường, về mua bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm...
Dự thảo nghị quyết cũng cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ cũng là nội dung được thể hiện tại dự thảo.
Nhằm tăng hiệu quả hoạt động xử lý tài sản bảo đảm qua tòa án, dự thảo nghị quyết cũng quy định về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm,
Dự thảo nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí về sự cần thiết ban hành, và sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tới.