Dự kiến giảm khung giá tính thuế đối với quặng Fenspat
Khung giá đất TP HCM nhiều nơi chỉ bằng 5% thị trường |
UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh mở rộng khung giá tính thuế đối với quặng fenspat từ 150.000 - 350.000 đ/tấn. Ảnh: TL. |
Trước đó, UBND tỉnh Lào Cai đã có công văn gửi về Bộ Tài chính cho biết, Thông tư 44/2017/TT-BTC quy định khung giá tính thuế tài nguyên đối với quặng Fenspat làm nguyên vật liệu gốm sứ (khoáng sản khai thác) là: 245.000 đồng/tấn đến 350.000 đồng/tấn.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 525/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lào Cai đang áp dụng có giá thấp hơn so với mức giá tối thiểu tại khung giá của Thông tư số 44/2017/TT-BTC. Cụ thể: Quặng Fenspat mỏ Thái Niên, giá tính thuế tài nguyên là 200.000 đồng/tấn, thấp hơn 18,36%; quặng Fenspat làm vật liệu gốm sứ Làng Giàng (xã Làng Giàng, Lào Cai) giá tính thuế tài nguyên là 160.000 đồng/tấn, thấp hơn 34,6%.
Thực tế, khai thác quặng Fenspat tại mỏ Làng Giàng, giá sản phẩm có sự chênh lệch và được chia làm hai loại, có tương đồng về hàm lượng, nhưng khác về hàm lượng Fe2O3 và cỡ hạt. Giá bình quân 6 tháng đầu năm 2017 là 145.000 đồng/tấn, giá bình quân 3 tháng gần đây thấp hơn 36% so với mức giá tối thiểu tại Thông tư số 44/2017/TT-BTC.
Từ đó, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên áp dụng tạm thời đối với cao lanh chưa rây, Fenspat theo giá tối thiểu tại Thông tư số 44/2017/TT-BTC; đồng thời đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh giảm giá tối thiểu tại khung giá đối với quặng Fenspat từ 245.000 đồng/tấn, xuống 150.000 đồng/tấn và điều chỉnh mở rộng khung giá: Từ 150.000 - 350.000 đồng/tấn.
Bộ Tài chính đã thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Lào Cai và đưa vào dự thảo thông tư dự kiến điều chỉnh giảm khung giá tính thuế đối với quặng Fenspat làm nguyên liệu gốm sứ cho phù hợp với giá thị trường, với mức khung từ 150.000 - 350.000 đồng/tấn.