Dù dân đã quá mệt mỏi, Fed cũng không thể hạ nhiệt lạm phát trong chớp mắt
Chính sách của Fed có độ trễ
CNBC dẫn lời các chuyên gia cho biết, ngay cả khi Fed sắp bắt tay vào một cuộc chiến chống lạm phát, thị trường và người dân vẫn chưa thể cảm nhận được tác động của các chính sách trong nhiều tháng hoặc lâu hơn.
Đó là bởi vì Fed không thể trực tiếp ra lệnh giảm giá hàng hóa. Tất cả những gì mà ngân hàng trung ương Mỹ có thể làm là thắt chặt nguồn cung tiền và tin tưởng mọi việc sẽ ổn thỏa từ đây.
Fed thực hiện mục tiêu trên thông qua việc tăng lãi suất. Hầu hết các quan chức Fed, thị trường và phần đông công chúng tin tưởng các nhà hoạch định chính sách sẽ nâng lãi suất vào tháng 3 với mức tăng khoảng 25 điểm cơ bản, hoặc thậm chí là gấp đôi.
Theo Phố Wall, Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất 5 lần trong cả năm. Bank of America đưa ra dự báo táo bạo nhất là 7 lần. Đầu tuần này, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland - Loretta Mester, hàm ý ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất tại mọi cuộc họp sắp tới.
Chính sách tiền tệ thường có độ trễ. Các nhà kinh tế tin rằng cần phải mất từ 6 tháng đến khoảng một năm trước khi các động thái lãi suất của Fed tạo nên ảnh hưởng thực thụ lên nền kinh tế.
Ông Joseph Brusuelas, kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ kế toán RSM, cho hay: "Những gì Fed sẽ làm là hạn chế đà tăng liên tục của giá hàng hóa. Chúng ta nên kỳ vọng rằng các động thái chính sách của Fed bây giờ phải đến quý IV năm nay hoặc đầu năm sau mới phát huy hiệu quả".
"Fed không thể làm gì để ngăn đà tăng của lạm phát trong ngắn hạn", ông Brusuelas nhấn mạnh.
Hôm 10/2, số liệu lạm phát của Mỹ lại một lần nữa gây báo động. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xác lập mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982 và vượt qua con số của tháng 12/2021.
Nhìn chung, giá cả hàng hóa tại Mỹ đang tăng trên diện rộng từ lương thực, năng lượng đến nhà ở. Tính riêng trong tháng 12, giá ngũ cốc, giăm bông và cá tươi đã tăng lần lượt 1,8%, 2,5% và 2,4%.
Tăng lãi suất tác động thế nào tới lạm phát?
Lãi suất cao hơn sẽ khiến hoạt động đi vay khó khăn hơn nên tăng trưởng tín dụng sẽ chững lại. Đồng thời, chi phí tiền tệ cao hơn sẽ tác động đến đồng USD, giúp nâng giá đồng bạc xanh và qua đó cho người tiêu dùng sức mua lớn hơn.
Lạm phát tăng cao như hiện nay là do dòng tiền lớn chưa từng có chảy trực tiếp từ chính phủ liên bang đến các hộ gia đình thông qua các gói kích thích tài khóa thời đại dịch và gián tiếp từ Fed và lượng tiền mặt mà ngân hàng trung ương này đã bơm vào nền kinh tế thông qua các chương trình cho vay cùng với lãi suất ngắn hạn gần bằng 0.
"Chúng ta đang ở trong một chu kỳ tài sản chứ không phải chu kỳ tín dụng. Lạm phát mà chúng ta đang thấy là sự kết hợp giữa dòng vốn chảy từ chính phủ liên bang vào các hộ gia đình và bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp nhỏ.
Tiền được chi tiêu tại thời điểm mà khả năng đáp ứng cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp bị hạn chế", ông Steven Blitz - kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư TS Lombard cho hay.
Theo ông Blitz, cách duy nhất để Fed làm chậm đà tăng của lạm phát là thông qua việc kích thích đồng USD mạnh lên để hạ nhiệt chi phí nhập khẩu. "Fed không chỉ làm giảm chi phí nhập khẩu mà còn làm tăng chi phí sản xuất hàng hóa bên ngoài nước Mỹ…". vị chuyên gia nói thêm.
Bài toán hóc búa bây giờ của Fed là phải đảm bảo "thuốc chữa" không được tồi tệ hơn bản thân "căn bệnh". Nói cách khác, việc chống lạm phát không được khiến nền kinh tế Mỹ lao đao và làm tổn hại đến những người ở cuối phổ thu nhập.
"Liệu Fed có thể hạ nhiệt lạm phát? Có, ngân hàng trung ương Mỹ hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, câu hỏi là chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đó là vấn đề về thời gian mà chúng ta cần theo dõi", ông Blitz nhấn mạnh.