|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dragon Capital: TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn khi nền kinh tế hồi phục, cơ hội đón vốn khủng sắp tới

17:07 | 23/09/2020
Chia sẻ
Theo Dragon Capital, TTCK Việt Nam có thể đón dòng tiền khoảng 200 triệu USD sau khi Kuwait được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi. Cùng với đó, việc Bộ Tài chính dự thảo thông tư về cho phép giao dịch T+0, bán khống là bước đệm tốt cho việc nâng hạng TTCK Việt Nam.

Cơ hội đón dòng vốn ngoại 200 triệu USD sắp tới

Trong báo cáo đưa ra mới đây, Dragon Capital tiếp tục đưa ra góc nhìn tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đánh giá của công ty quản lí quĩ lớn nhất trên sàn thì thị trường được hỗ trợ bởi đợt đánh giá của MSCI trong kì cuối năm.

Cụ thể, TTCK Việt Nam có thể đón dòng tiền khoảng 200 triệu USD sau khi Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Mặc dù giới đầu tư đang lo ngại rằng TTCK Argentina bị hạ bậc từ thị trường mới nổi xuống thị trường cận biên khiến Việt Nam bị hạ tỉ trọng.

Bên cạnh đó, Dragon Capital cho rằng việc Bộ Tài chính dự thảo thông tư cho phép giao dịch T+0, bán khống, cho vay kí quĩ trên UPCoM là bước đệm tốt cho việc nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi.

Về góc nhìn hiện tại, công ty quản lí quĩ này cho rằng nhà đầu tư trong nước là động lực chính của thị trường, trong khi hoạt động vay kí quĩ đã tăng đáng kể từ mức thấp nhất cuối tháng 7. Do đó, thị trường có thể biến động mạnh.

Song, Dragon Capital vẫn đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn khi nền kinh tế tiếp tục hồi phục. Cụ thể, Việt Nam đã chuẩn bị cho giai đoạn "bình thường mới".

Góc nhìn vĩ mô tích cực

Trên quan điểm hồi phục ổn định của nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu mạnh mẽ sau dịch, Dragon Capital đánh giá nền kinh tế Việt Nam vượt xa khu vực với mức tăng trưởng GDP đạt 2% trong năm nay.

Về hoạt động của doanh nghiệp, Dragon Capital cho rằng các doanh nghiệp đang bắt đầu hồi phục và thặng dư thương mại đang tăng lên. Trong giai đoạn thị trường toàn cầu hỗn loạn do COVID-19, Việt Nam đã chiếm được thị phần từ các quốc gia khác trong chuỗi giá trị và thương mại toàn cầu.

Minh chứng trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam tăng 1,6% so với cùng kì, nhập khẩu giảm 2,5% trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm 25%. Kết quả là, thặng dư thương mại đạt gần 12 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm, trong khi cả năm 2019 chỉ đạt 5,5 tỉ USD.

Một điểm tích cực khác là các doanh nghiệp trong nước đang dẫn đầu về tăng trưởng xuất khẩu, thiết lập vị thế của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tăng 13,8% so với cùng kì, dẫn đầu là doanh nghiệp thép và nông sản. Trong khi đó, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI giảm 4,3%.

Theo đánh giá, hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8 sẽ thúc đẩy sự gia nhập của các doanh nghiệp trong nước tham gia vào thị trường toàn cầu.

Điểm trừ vĩ mỗ là giải ngân vốn FDI ghi nhận mức thấp nhất 4 năm trong tháng 8 vừa qua, Dragon Capital cho rằng việc hạn chế đi lại đã ảnh hưởng đến kết quả. Tuy nhiên, FDI sẽ sớm tăng lên khi chính phủ cho phép nối lại các chuyến bay quốc tế vào Việt Nam.

Nói về dịch chuyển dòng vốn toàn cầu của doanh nghiệp FDI, mới đây Vietnam Holdings cũng đánh giá Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các công ty quốc tế đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và những vấn đề về chính trị tại quốc gia này.

Tin tưởng vào TTCK Việt Nam, Dragon Capital phân bổ tỉ trọng lớn nhóm ngân hàng

Trở lại hoạt động đầu tư của Dragon Capital, trong tháng 8, quĩ ngoại này ghi nhận kết quả đầu tư khởi sắc với tỉ suất lợi nhuận đạt hai con số.

Trong tháng 8, tỉ suất lợi nhuận đầu tư của quĩ Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) đạt 12,1%, cao hơn mức tăng 10,1% của VN-Index. Giá trị tài sản ròng của quĩ VEIL đến cuối tháng 8 đạt 1,391 tỉ USD. 

Tài sản của quĩ VEIL phân bổ chủ yếu vào nhóm ngân hàng với tỉ trọng 32,99%. Trong 5 mã có tỉ trọng lớn nhất danh mục đầu tư của quĩ có hai mã là ACB và VCB với tỉ trọng lần lượt 8,87% và 8,45%. Theo sau đó, hai cổ phiếu MBB và VPB có tỉ trọng lần lượt là 4,13% và 3,39%.

Một quĩ thành viên khác là Vietnam Equity (Ucits) Fund (VEF) cũng ghi nhận tỉ suất lợi nhuận 12,3% trong tháng 8. Kết quả tích cực này đến từ sự khởi sắc của các mã như MWG, FPT và BVH. 

Cũng giống như VEIL, quĩ VEF tập trung danh mục vào nhóm ngân hàng với tỉ trong 23,8%. Hai mã chiếm tỉ trọng lớn nhất là VCB (8,21%) và MBB (8,04%). Ngoài ra còn có cổ phiếu CTG của VietinBank với tỉ trọng 4,77%.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

Lợi Hoàng