Dow Jones rớt hơn 400 điểm giữa căng thẳng Đài Loan và bình luận của quan chức Fed
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones rớt 402 điểm, tương đương 1,23%, và kết phiên ở 32.396 điểm. Cổ phiếu hãng sản xuất máy công nghiệp Caterpillar lao dốc sau khi công bố kết quả kinh doanh gây thất vọng đã đè nặng lên chỉ số gồm 30 thành viên blue chip này.
S&P 500 giảm 0,67% còn 4.091 điểm dù đã có lúc mất gần 1%. Chỉ số này đi lên từ đáy của phiên sau khi máy bay chở Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hạ cánh ở đào Đài Loan sáng 3/8 theo giờ Mỹ (tức tối 2/8 theo giờ Việt Nam).
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite khả quan hơn hai chỉ số còn lại khi chỉ giảm 0,16%, đóng cửa ở gần 12.349 điểm. Một thành viên của Nasdaq là cổ phiếu hãng gọi xe Uber nhảy vọt 18,9% sau khi thông báo doanh thu vượt kỳ vọng và khoản lỗ ròng 2,6 tỷ USD trong quý II.
Theo CNBC, các chỉ số đi xuống trong buổi chiều sau khi lãnh đạo một số chi nhánh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra những bình luận mang tính "diều hâu", dội một gáo nước lạnh lên những người đang kỳ vọng Fed sẽ sớm kết thúc chương trình nâng lãi suất.
Trong lĩnh vực chính sách tiền tệ, diều hâu là từ dùng để nói về những người ủng hộ nâng lãi suất và thắt chặt tiền tệ nhằm chống lạm phát, bồ câu là những người ưa thích hạ lãi suất và nới lỏng tiền tệ để ưu tiên tăng trưởng kinh tế.
Ông Charles Evans, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, nhận định ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (tức 0,5 điểm %) vào cuộc họp tháng 9 và tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong các cuộc họp sau đó cho tới quý II/2023.
Bà Mary Daly, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm để khống chế lạm phát.
Bà Loretta Mester, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, nhận định Fed sẽ cần thêm bằng chứng trong nhiều tháng nữa mới có thể khẳng định lạm phát đã đạt đỉnh và dừng chu kỳ nâng lãi suất.
Cổ phiếu tài chính và bất động sản là những nhóm giảm mạnh nhất thị trường chứng khoán Mỹ phiên 2/8, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới.
Trước khi bà Pelosi hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn, Trung Quốc đã cử hai máy bay chiến đấu Su-35 bay tới đường ranh giới giữa eo biển Đài Loan để đe dọa. Các quan chức Trung Quốc cũng tuyên bố cực lực phản đối ý định thăm đảo Đài Loan của bà Pelosi.
Sau khi bà Pelosi tới Đài Loan, Bắc Kinh đã tức tốc triệu tập Đại sứ Mỹ ngay trong đêm 2/8 để “khiển trách” và bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ”. Quân đội Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tập trận ở 6 vùng biển xung quanh đảo Đài Loan.
CNBC dẫn lời bà Mona Mahajan, chuyên gia chiến lược đầu tư cao cấp tại công ty dịch vụ tài chính Edward Jones, nhận định: “Tôi cho rằng chuyến thăm của bà Pelosi sẽ không gây ra sự đứt gãy kinh tế nào đáng kể. Tất nhiên khi các tuyên bố và phát biểu ngày càng gay gắt, nhà đầu tư sẽ phải theo dõi chặt chẽ. Căng thẳng địa chính trị là một nhân tố mà chúng ta đều thấy đã gây áp lực lên thị trường trong suốt cả năm nay".