Dow Jones nhảy vọt hơn 800 điểm, chứng khoán Mỹ khởi sắc bất chấp chiến sự Nga - Ukraine
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng gần 835 điểm, tương đương 2,5%, và kết phiên ở gần 34.059 điểm. Đây là phiên tăng mạnh nhất của chỉ số blue-chip này kể từ tháng 11/2020.
Chỉ số S&P 500 tăng 2,2% lên gần 4.385 điểm. Như thể hiện trong biểu đồ trên, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng khởi sắc với mức tăng 1,6% trong phiên 25/2.
Trước đó vào phiên 24/2, thị trường chứng khoán Mỹ ban đầu giảm sốc nhưng sau đó phục hồi mạnh mẽ. Dow Jones có lúc giảm sụt gần 900 điểm nhưng rồi vẫn đóng cửa với giá xanh.
CNBC dẫn lời ông Jeff Kilburg, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý quỹ Sanctuary Wealth, nhận định: "Những nhà đầu tư từng dự đoán thị trường năm 2022 sẽ biến động mạnh đã bắt đầu xuống tiền, phiên hôm nay là một ví dụ. Chúng ta đã ở trong tình trạng quá bán. Thị trường chứng khoán đã phản ứng thái quá với cuộc khủng hoảng Ukraine".
Bất chấp hai phiên tăng điểm liên tiếp 24-25/2, Dow Jones hiện vẫn thấp hơn so với đầu tuần. Biểu đồ dưới đây cho thấy Dow Jones đã giảm một mạch 5 phiên trước khi hồi phục trong hai phiên gần đây. S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,8% và 1,1% trong tuần qua.
Tâm lý thị trường ngày cuối tuần được cải thiện sau khi phía Nga cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã sẵn sàng cử một phái đoàn tới thủ đô Minsk của Belarus để đàm phán với đại diện của Ukraine về cuộc chiến đang diễn ra.
Theo hãng thông tấn TASS, trong một cuộc nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Putin tuyên bố Moscow sẵn sàng đối thoại cấp cao với Kiev.
Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko khẳng định thủ đô Minsk sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Về tình hình chiến sự, quân Nga đang tiến vào thủ đô Kiev từ hướng bắc và có thể đánh chiếm thành phố này trong nay mai.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Kiev đang bị Nga tấn công bằng nhiều tên lửa. Nga đã nhiều lần khẳng định không nhắm mục tiêu vào các thành phố và khu dân cư của Ukraine mà chỉ tấn công các khu quân sự.
Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã tung ra nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga và các quan chức cấp cao. Ngày 25/2, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ áp thêm lệnh trừng phạt với cá nhân Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov.
Ông Jeff Kleintop, Giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu tại Charles Schwab nhận xét: "Tình hình ở chiến trường khá hỗn loạn nhưng bức tranh cấm vận lại khá rõ ràng. Tôi nghĩ đó là lý do vì sao thị trường diễn biến tích cực". Như thể hiện trong biểu đồ dưới đây, tất cả 11 nhóm ngành thuộc chỉ số S&P 500 đều đi lên trong phiên 25/2.
Về số liệu vĩ mô, Bộ Thương mại Mỹ cho biết chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (core PCE) tháng 1 tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 5,1% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.
Lạm phát tính theo core PCE là biến số được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ưa thích sử dụng mỗi khi ra quyết định về chính sách tiền tệ. Biểu đồ dưới đây cho thấy mức tăng 5,2% là con số cao nhất kể từ tháng 4/1983 đến nay. Fed được dự báo sẽ tăng lãi suất trong phiên họp 15-16/3 sắp tới để kiềm chế lạm phát.
Cổ phiếu Johnson & Johnson và 3M là những mã tăng mạnh nhất Dow Jones phiên cuối tuần, cùng đi lên hơn 4%. Etsy dẫn đầu S&P 500 với mức tăng 16,2% sau khi công ty thương mại điện tử này công bố kết quả kinh doanh khả quan hơn dự báo của giới phân tích.
Cổ phiếu Beyond Meat sụt 9,2% sau khi thông báo lợi nhuận gây thất vọng. Foot Locker cắm đầu giảm gần 30% sau khi dự báo doanh số 2022 sẽ giảm do bán ít sản phẩm Nike hơn.