|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones mất hơn 300 điểm sau báo cáo quý I ảm đạm của nhà bán lẻ Home Depot

07:08 | 17/05/2023
Chia sẻ
Ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đi xuống trong ngày 16/5 sau báo cáo kết quả kinh doanh không như kỳ vọng từ Home Depot. Phố Wall cũng đang theo dõi cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo Quốc hội và Tổng thống Joe Biden về vấn đề trần nợ công.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 16/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã lần đầu tiên đóng cửa dưới mức bình quân trượt trong 50 ngày (MA 50) kể từ 30/3.

Dow Jones đã giảm 336 điểm, tương đương 1,01%, xuống còn 33.012 điểm. S&P 500 mất 0,64%, chốt phiên với 4.110 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,18%, đóng cửa ở mức 12.343 điểm.

Dow Jones đã đi xuống mức bình quân trượt 50 phiên (MA 50).

Home Depot, một thành viên trong chỉ số Dow Jones, đã giảm 2,15% sau khi báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý đáng thất vọng và cắt giảm dự báo cả năm do người tiêu dùng hoãn các dự án cải tạo nhà ở lớn. Hai nhà bán lẻ khác là Target và Walmart sẽ lần lượt công bố kết quả kinh doanh vào ngày 17 và 18/5.

Cổ phiếu các nhà bán lẻ được coi như chỉ báo cho sức khỏe nền kinh tế Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố doanh số bán lẻ tháng 4 thấp hơn dự kiến, chỉ tăng 0,4% so với tháng trước. Các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát từng kỳ vọng tốc độ tăng trưởng 0,8%.

“S&P 500 đã biến động trong phạm vi từ 3.800 điểm đến 4.200 điểm kể từ giữa tháng 11 năm ngoái và chúng ta gần như bị mắc kẹt ở đó”, ông Bill Merz, trưởng phòng nghiên cứu thị trường vốn của U.S. Bank Wealth Management, cho biết.

“Tôi nghĩ kết quả trên phản ánh sự không chắc chắn mà các nhà đầu tư cảm thấy xung quanh những gì sẽ xảy ra về mặt chính sách. Nền kinh tế sẽ phản ứng thế nào? Liệu người tiêu dùng có tiếp tục chi tiêu trong giai đoạn này không, và điều này sẽ kéo dài trong bao lâu?”, ông lý giải.

Dow Jones xuống thấp hơn so với đầu năm 2023.

Các nhà đầu tư đang hồi hộp chờ đợi kết quả cuộc đàm phán trần nợ công. Hôm 15/5, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tái khẳng định rằng Mỹ sẽ có khả năng vỡ nợ sớm nhất vào ngày 1/6, nếu Nhà Trắng và Quốc hội không đạt được thỏa thuận.

Đến ngày 16/5, bà còn đưa ra một lời cảnh báo nghiêm trọng hơn: “Vỡ nợ sẽ phá vỡ nền tảng giúp xây dựng nên hệ thống tài chính của chúng ta. Rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến một số thị trường tài chính sụp đổ - tâm lý hoảng loạn trên toàn thế giới có thẻ gây ra một loạt các lệnh gọi ký quỹ, tháo chạy và bán tống”.

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn duy trì quan điểm lạc quan hơn về các cuộc đàm phán. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết vẫn còn những trở ngại đáng kể.

Cho tới nay, ông Biden tiếp tục khẳng định rằng việc nâng trần nợ là không thể thương lượng. Trái lại, ông McCarthy đang thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận giúp nâng trần nợ và cắt giảm chi tiêu. Ngày 16/5, Nhà Trắng cho biết ông Biden sẽ rút ngắn chuyến công du nước ngoài sắp tới để giải quyết các cuộc đàm phán trần nợ.

Loop Capital khuyên các nhà đầu tư nên duy trì nắm giữ các cổ phiếu có thể hoạt động tốt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không chắc chắn và theo dõi tiến trình đàm phán trần nợ đang diễn ra.

“Chúng tôi lo ngại thị trường chứng khoán không định giá đầy đủ nguy cơ Đảng Dân chủ và Cộng hòa không đạt được một thỏa thuận nâng trần nợ, điều sẽ trở thành thảm họa với nền kinh tế Mỹ”, ông Anthony Chukumba, Giám đốc điều hành của Loop Capital, cho biết.

Trong phiên giao dịch ngày 16/5, chỉ có hai nhóm cổ phiếu là viễn thông và công nghệ tăng giá.

Minh Quang