|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones mất 280 điểm giữa nguy cơ khủng hoảng ngân hàng ở châu Âu

07:14 | 16/03/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 15/3 diễn biến tiêu cực, đặc biệt là vào buổi sáng. Các chỉ số hồi phục một phần vào buổi chiều khi Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ tuyên bố sẽ cung cấp thanh khoản khẩn cấp cho Credit Suisse nếu cần thiết.

Phiên 15/3, Dow Jones có lúc rớt 742 điểm, kết phiên giảm hơn 280 điểm.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 280,8 điểm, tương đương 0,87%, và kết phiên ở gần 31.875 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 0,7% còn 3.892 điểm. Ngược lại, Nasdaq Composite nhích lên 0,05%.

Các chỉ số lao dốc vào đầu buổi sáng rồi phục hồi một phần vào buổi chiều. Ở đáy của ngày, Dow Jones mất 725 điểm, S&P 500 có lúc giảm 2,1% và đánh mất tất cả thành quả tăng điểm từ đầu năm 2023.

Nasdaq là chỉ số diễn biến tích cực nhất kể từ đầu năm đến nay.

Theo CNBC, các chỉ số đi lên sau khi Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ tuyên bố sẽ cung cấp thanh khoản cho ngân hàng lớn thứ hai nước này là Credit Suisse trong trường hợp cần thiết.

Sáng 15/3, nhà đầu tư lo sợ và bán tháo cổ phiếu Credit Suisse cũng như các ngân hàng khác sau thông tin Ngân hàng Quốc gia Saudi – cổ đông lớn nhất của Credit Suisse – tuyên bố sẽ “tuyệt đối không” góp thêm vốn vào nhà băng Thụy Sỹ này.

Bản chất đây không phải là thông tin mới do Ngân hàng Quốc gia Saudi đã duy trì lập trường không bơm thêm tiền cho Credit Suisse từ nhiều tháng qua, nhưng tuyên bố mới nhất của Chủ tịch Ammar Al Khudairy vẫn khiến nhiều nhà đầu tư bất an sau khi ba ngân hàng khu vực của Mỹ là Silvergate, Signature và Silicon Valley Bank sụp đổ trong vòng một tuần. Giờ đây sự chú ý của nhà đầu tư đang hướng về phía các ngân hàng lớn. 

Hôm 14/3, Credit Suisse thông báo đã phát hiện ra “một số sai sót trọng yếu trong hoạt động kiểm soát nội bộ liên quan tới báo cáo tài chính” năm 2021 và 2022. Cổ phiếu Credit Suisse giảm lần lượt 1,2% và 13,9% trong hai phiên 14 và 15/3. 

Giá cổ phiếu Credit Suisse hiện thấp hơn khoảng 80% so với đầu năm 2021.

CNBC dẫn lời ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại công ty môi giới Oanda, nói: “Chúng ta đang trông thấy những biến động ngân hàng bắt đầu ở Silicon Valley rồi lan rộng ra toàn cầu. Các thị trường đang nhận ra rằng ngân hàng lâm vào khó khăn vì phần lớn mô hình lợi nhuận dựa vào môi trường lãi suất gần 0”.

Từ tháng 3/2022 đến tháng 2/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 8 lần, từ khoảng 0 - 0,25% lên tới 4,5 – 4,75%. Các ngân hàng trung ương khác cũng liên tục thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát.

Phiên 15/3, giá cổ phiếu các ngân hàng Mỹ cùng đi xuống theo các đối tác ở châu Âu. Wells Fargo và Goldman Sachs cùng mất hơn 3%, JPMorgan Chase và Morgan Stanley rớt tương ứng 4,7% và 5,1%. Chứng chỉ quỹ Financial Select Sector SPDR Fund (XLF) giảm 2,7%.

Cổ phiếu các ngân hàng khu vực nhỏ (regional bank) của Mỹ từng phục hồi trong phiên 14/3 đã quay lại lao dốc vào phiên 15/3. First Republic Bank và PacWest Bancorp sụt lần lượt 21,4% và 12,9%. Biểu đồ dưới đây cho thấy cổ phiếu tài chính là một trong những nhóm giảm mạnh hơn thị trường chung.

Cổ phiếu năng lượng, vật liệu và tài chính là những nhóm giảm sâu nhất S&P 500 phiên 15/3.

Đức Quyền